A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hạn chế ngộ độc thực phẩm mùa lễ, Tết

Tết Nguyên đán cận kề, mùa lễ hội sắp đến là dịp mà công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm càng cần được quan tâm. Thời điểm này, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng thực phẩm tăng cao ẩn chứa nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn và ngộ thực phẩm. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng thì ý thức của người tiêu dùng và lương tâm, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh chính là điều kiện tiên quyết để hạn chế tình trạng mất vệ sinh, ngộ độc thực phẩm mùa lễ, tết.

Chị Hoàng Thị Lan - Phường Nghĩa Phú -TP.Gia Nghĩa chia sẻ: Những Tết gần đây, chị Lan không tích trữ đồ ăn như trước. Tùy vào loại hàng hóa, chị Lan sẽ đến những cơ sở uy tín, lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để mua với lượng đủ dùng cho 3 ngày Tết. Chị Lan nói thêm, bây giờ hàng quán mở cửa sớm, qua ngày đầu năm hầu như chợ đã buôn bán trở lại nên có thể mua mới mọi thứ, nhất là các loại thực phẩm tươi sống như thịt, cá. Qua tìm hiểu, chị Lan cho biết việc tích trữ, bảo quản đồ ăn không đúng cách sẽ dẫn đến ôi thiu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc. Vì vậy, việc mua sắm số lượng thực phẩm vừa đủ không chỉ giúp điều kiện bảo quản tốt hơn, mà còn góp phần vui xuân an toàn, tiết kiệm.

Cùng quan điểm với chị Lan, chị Nguyễn Thị Hoa, trú tại Thôn Nam Rạ - xã Đăk Nia - TP.Gia Nghĩa đặc biệt quan tâm việc mua sắm, tiêu dùng trong dịp Tết. Chị Hoa cho rằng chính trong thời điểm nhu cầu mua sắm tăng cao, hàng giả, hàng nhái có nguy cơ trà trộn vào thị trường. Nếu không tinh ý, người tiêu dùng rất dễ chọn phải hàng giã, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đối với những mặt hàng tiêu dùng có thể tự sản xuất, chế biến như rau xanh; mứt rau, củ, quả các loại, chị Hoa dành thời gian tự làm để phục vụ gia đình nhằm đảm bảo an toàn, chất lượng. Đối với những loại thực phẩm khác, chị chọn mua tại những cơ sở uy tín, kiểm tra đầy đủ thông tin hàng hóa với thời gian sử dụng đủ dài để đảm bảo rằng hàng không quá lâu, không bị hư hỏng.

Cửa hàng tạp hóa Vũ Thanh, địa chỉ P. Nghĩa Trung - TP. Gia Nghĩa là một trong những trung tâm mua sắm của người dân lận cận. Những ngày này, không khí tại đây tấp nập rộn ràng, lượng người mua sắm tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Ông Vũ - chủ cơ sở kinh doanh cho biết: Để chuẩn bị phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết, ngay từ đầu tháng 12, chúng tôi đã lên kế hoạch nhập và bổ sung hàng hóa theo ước tính lượng tiêu thụ. Tùy theo tính chất các loại hàng hóa, cửa hàng sẽ có kế hoạch nhập vào sao cho phù hợp để đảm bảo thời hạn sử dụng cũng như chất lượng hàng hóa được đảm bảo. Tuyệt đối không mua bán trao đổi các mặt hàng cận date, trôi nổi không rõ nguồn gốc. Ví dụ như về bánh kẹo, chúng tôi chỉ nhập từ các công ty, các nhãn hàng có uy tín và thương hiệu lâu năm như Kinh Đô, Bibica, Hải Hà ...

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), toàn tỉnh hiện có 4.070 cơ sở thực phẩm, trong đó có 41 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, nước đá; 1.321 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 1.775 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 933 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Để thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đạt hiệu quả, vì lợi ích, sức khoẻ người dân, trong năm 2022, các ban, ngành chức năng đã triển khai các hoạt động kiểm soát, giám sát nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm một số loại thức ăn chín, đồ ăn nhanh phổ biến có nguy cơ cao từ đó đưa ra giải pháp cảnh báo cho cộng đồng nếu mẫu thực phẩm không đạt. Năm 2022, Chi cục ATVSTP đã chủ trì tổ chức 16 đoàn kiểm tra, giám sát đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh, trong đó 03 đoàn liên ngành nhân dịp Tết Nguyên đán và Tháng hành động vì ATTP, 04 đoàn chuyên ngành và 09 đoàn kiểm tra, giám sát đảm bảo ATTP phục vụ các đoàn công tác của Trung ương về làm việc tại tỉnh và các sự kiện trọng đại trên địa bàn tỉnh. Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm – Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết, Tết Nguyên đán và lễ hội mùa xuân là thời điểm mà nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa tăng cao. Vì vậy, để nâng cao công tác quản lý, chấp hành các quy định về ATVSTP, ngay trước dịp Tết chúng tôi đã triển khai đợt kiểm tra đoàn liên ngành trong đó chú trọng đến việc kiểm tra về điều kiện của cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; điều kiện ATTP của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; chất lượng, an toàn của sản phẩm thực phẩm; nguồn gốc, xuất xứ; đăng ký bản công bố/ tự công bố sản phẩm; ghi nhãn; quảng cáo; lấy mẫu kiểm nghiệm. Ngoài công tác kiểm tra tuyến tỉnh, tại các địa phương trên địa bàn cũng đã thành lập 224 đoàn và tiến hành 3.853 lượt kiểm tra các cơ sở thực phẩm trên toàn địa bàn.

Thực tế, việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước là điều kiện cần để chấn chỉnh, ổn định công tác đảm bảo ATTP tuân thủ các quy định pháp luật. Điều quan trọng nhất vẫn là sự hiểu biết, ý thức cảnh giác cao độ của người dân trong việc trao đổi, mua bán và sử dụng hàng hóa, thực phẩm. Mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, mua đúng hàng, bảo quản đúng hướng dẫn và chế biến đúng quy định để không trở thành nạn nhân của các vụ ngộ độc thực phẩm.

Thực tế, việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước là điều kiện cần để chấn chỉnh, ổn định công tác đảm bảo ATTP, tuân thủ các quy định pháp luật. Điều quan trọng nhất vẫn là sự hiểu biết, ý thức cảnh giác cao độ của người dân trong việc trao đổi, mua bán và sử dụng hàng hóa, thực phẩm. Mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, mua đúng hàng, bảo quản đúng hướng dẫn và chế biến đúng quy định để không trở thành nạn nhân của các vụ ngộ độc thực phẩm.


Tác giả: Hồ Long

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website