A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Mụn trứng cá

Bệnh mụn trứng cá là một căn bệnh ngoài da khá phổ biến ở các bạn trẻ, bệnh xuất hiện nhiều ở lứa tuổi sau dậy thì, 15-16 tuổi cho đến tuổi trưởng thành, 18-25 tuổi ở cả nam và nữ.

Ảnh minh họa từ internet

Bệnh mụn trứng cá là bệnh mãn tính ở lỗ chân lông, kéo dài nhiều năm nhưng có khuynh hướng khỏi hoặc giảm dần theo thời gian. Vị trí nổi mụn là những vùng da nhờn có nhiều tuyến bã: Nhiều nhất là ở mặt, rồi đến cổ, lưng, ngực, cánh tay. Tùy theo độ nặng nhẹ mà có những dạng mụn khác nhau từ nhẹ đến nặng như mụn cám đầu đen, mụn mủ, mụn nốt sẩn, nặng nhất là mụn bọc.

Tỷ lệ mắc bệnh trứng cá khá cao, bệnh không nguy hiểm đến tính mạng song làm ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ, đặc biệt là ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh. Mụn trứng cá không phải là nỗi lo của riêng tuổi mới lớn mà là tất cả mọi người – những ai có làn da nhạy cảm và dễ bị viêm nhiễm. Mụn trứng cá xuất hiện ở khắp mọi nơi trên da của cơ thể nhưng nhiều nhất là ở mặt vì do nhiều nguyên nhân như cơ địa, dùng thuốc, sự thay đổi nội tiết, thực phẩm, thức đêm và hơn nữa tuyến bã tập trung ở vùng da đầu, mặt nhiều hơn những nơi khác.

Nguyên nhân

Do sự bài tiết quá mức của một tuyến nằm ở lỗ chân lông gọi là tuyến bã. Bình thường, tuyến này tiết ra một lượng chất nhờn ở mức độ vừa phải để bôi trơn da và chống bốc hơi nước nhằm giữ độ ẩm cho da, tạo cho da mềm mại, không bị khô ráp. Tuyến này hoạt động phụ thuộc nhiều vào lượng nội tiết tố sinh dục nên khi bước vào tuổi dậy thì, do có một sự đột biến về các hormon, đã làm cho tuyến bã trở nên tăng tiết. Bên cạnh đó do tác động của môi trường (nắng , gió) và một số yếu tố khác làm lớp tế bào sừng trên bề mặt da bị sừng hóa gây bít tắt lỗ chân lông. Hậu quả là lỗ chân lông ngày càng phình to ra do chất bã nhờn được tiết ra đều đều nhưng không có lối thoát . Bên cạnh đó người bị mụn trứng cá hay có thói quen sờ nắn hoặc nặn mụn, khi nặn có thể sẽ đẩy được chất bã ứ đọng ra ngoài, nhưng qua động tác nặn mụn chúng ta đã làm tổn thương bề mặt da và làm tổn thương các tổ chức xung quanh nang lông, tuyến bã. Mặc dù chất bã được thoát ra ngoài nhưng trên bề mặt da đã để lại một lỗ nhỏ, lõm sâu, các chất bẩn và tế bào da bị chết có cơ hội đọng lại, đây là môi trường thuận lợi của vi khuẩn Propionibacterium Acnés phát triển và gây viêm nhiễm tạo thành mụn mủ, mụn bọc.

Các dạng mụn trứng cá:

Mụn trứng cá có nhiều dạng nhưng phổ biến nhất vẫn là một số dạng sau:

Mụn đầu đen

Mụn mủ (viêm tấy, ấn đau)

Mụn bọc (viêm sâu hơn và bọc mủ ở sâu)

Mụn mạch lươn (với các bọc mụn liên kết với nhau và có đường thông nhau)

Mụn trứng cá đỏ (trên một vùng da đỏ,do giãn các mao mạch ngoại biên và  trên nền da đỏ đó là các mụn trứng cá).

Trứng cá thông thường: thường gặp ở thanh thiếu niên từ 14 - 16 là tuổi bắt đầu tăng tiết bã nhờn ở da, sau đó xuất hiện nhân trứng cá (đầu đen) các sẩn, các mụn mủ kế tiếp là bọc đầu trắng, thương tổn thường thấy ở mặt, ngực, phần trên của lưng, một vài trường hợp có thể để lại sẹo, thể trứng cá này có thể tự khỏi khi 18 -20 tuổi.

Trứng cá bọc: thương tổn là các nang (Kyste) mầu sẫm dưới da, khi khỏi thường để lại sẹo, đây là thể nặng của trứng cá.

Trứng cá mạch lươn: là thể nặng nhất của trứng cá, tiến triển mãn tính đến nhiều năm sau tuổi dậy thì, có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Thể mụn này cần được điều trị triệt để sớm.

Trứng cá tuổi trung niên: biểu hiện là các sẩn mủ ở má, cằm, nguyên nhân phức tạp (do hormon, do thuốc, ánh nắng ...)

 Ðiều trị và săn sóc

Cho đến nay các nghiên cứu chỉ ra rằng thức ăn không đóng vai trò làm tăng hay giảm trứng cá. Việc ăn chocolat, lạc, đồ hộp, đường, bánh ngọt chẳng thay đổi gì đến trứng cá và mụn trứng cá cũng không phải là bệnh của gan "nóng".

- Mụn trứng cá có nhiều thể nặng nhẹ khác nhau nên việc điều trị cần có y kiến thầy thuốc, đặc biệt là khi bạn bị mụn mủ, nổi u cục hoặc các nốt to vì các tổn thương này sẽ để lại sẹo vĩnh viễn.

- Mụn trứng cá có từng đợt và dai dẳng, bạn cần điều trị lâu dài.

- Không sử dụng các thuốc bôi có chứa hợp chất Corticosteroid như Cortibion, các loại kem trộn vì chính những loại thuốc này là thủ phạm gây nổi mụn nhiều nhất.

- Trong lúc có đợt nổi mụn trứng cá nhiều hoặc mụn sưng đỏ, bạn nên tránh dùng nhiều gia vị có chất cay (ớt, tiêu...), dầu mỡ, cà phê, thuốc lá vì các chất này đều có thể làm kích thích tăng tiết bã nhờn.

- Không có thứ thuốc bôi trị mụn nào là tuyệt hảo cả. Thuốc  chỉ có tác dụng tốt nếu được bác sĩ khám và chỉ định sử dụng đúng. Vì độ nhờn ở da của từng người khác nhau, các loại tổn thương và mức độ viêm nhiễm cũng khác nhau, do đó cách dùng thuốc cũng phải khác nhau.

- Không nên chích rạch, nặn mụn bừa bãi vì chỉ có tác dụng về mặt tâm lý nhiều hơn là tác dụng trị liệu, chưa kể hậu quả xấu như nhiễm trùng, làm sẹo to hơn. Nếu mật độ mụn dày đặt, mụn mủ đã chín thì có thể đến các cơ sở săn sóc da uy tín để chích hút mụn bằng dụng cụ chuyên dùng và điều kiện vô trùng tốt hơn.

- Vệ sinh da mặt bằng xà bông để tẩy nhờn.

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, hạn chế sử dụng mỹ phẩm trong thời gian có mụn trúng cá nhiều. Dùng thường xuyên các mỹ phẩm đặc biệt là các loại Crem trên da mặt có thể làm bít tắt các tuyến bã hoặc săn sóc da mặt không hợp lý (chà sát mạnh, sữa rửa mặt có tính kiềm cao, cậy, nặn nhân trứng cá...) đều có thể gây bội nhiễm vi khuẩn và làm tình tạng mụn trứng cá tồi tệ hơn.

Một số mỹ phẩm  như phấn nền, kem che phủ thậm chí là kem dưỡng da cũng làm bít tắc các lỗ chân lông. Nếu có nhu cầu phải trang điểm thì sau khi xong việc nên rửa mặt ngay. Người bị mụn, hay tìm mua những loại sửa rửa mặt với tâm lý làm sạch da mặt nhằm hạn chế mụn. Nhưng sữa rửa mặt cũng có nhiều loại khác nhau, có loại phù hợp với người này nhưng không phù hợp với người khác. Có những trường hợp khi dùng sữa rửa mặt hoặc thay đổi sữa rửa mặt thì thấy mụn trứng cá nhiều hơn hoặc nặng hơn. Vì vậy, khi dùng bát cứ loại sữa rửa mặt nào nếu thấy có dâu hiệu bất thường về mụn trứng cá thì hãy dừng ngay và có thể cũng không nên dùng bất cứ loại sữa rửa mặt nào. Cuối cùng nguồi bệnh cũng đừng lo lắng thái quá đối với các vết thâm đen vì chúng là hậu quả của những mụn viêm đỏ và sẽ tự phai dần theo thời gian. Hãy kiên nhẫn và đừng có "ngứa tay", "quen tay sờ,  nặn" nếu chỉ có vài nốt mụn. Trừ khi rửa mặt tuyệt đối không được sờ tay lên vùng mặt khi đang bị mụn. 

Hiện đã có nhiều loại thuốc điều trị trứng cá đem lại hiệu quả tốt, có thể sử dụng các thuốc tại chỗ như peroxide, tretinoine, erythromicine, các thuốc điều chỉnh quá trình sừng hóa, thuốc điều trị toàn thân: Doxycyclin, Tretinoine và các trị liệu hormon. nhưng tốt nhất nên đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị hợp lý hơn. Bên cạnh việc dùng thuốc của bác sĩ, người bệnh cần vệ sinh vùng mặt sạch sẽ cùng với chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.


Tác giả: BS ÊBan Sơn

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website