A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Trẻ em duối 5 tuổi cần nhu cầu dinh dưỡng cao để phát triển

Trong những năm gần đây, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống Suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em đã được triển khai rộng khắp và mang lại những thành quả nhất định. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc đến hết năm 2020 là 11,6 %; tỷ lệ thấp còi 19,5%. Tuy nhiên, ở một số địa phương thì tỷ lệ này còn đang rất cao. Như ở Đăk Nông theo số liệu điều tra năm 2020 Tỷ lệ SDD trẻ em thể nhẹ cân là 18,3% và tỷ lệ thấp còi là 27,6%.

Trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng hiện nay chủ yếu là suy dinh dưỡng thể nhẹ và vừa. Tuy vậy, các thể suy dinh dưỡng này cũng có ý nghĩa quan trọng vì đứa trẻ dễ mắc bệnh, tǎng nguy cơ tử vong và thường kèm theo thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng. Đáng chú ý là trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ và vừa ít được người mẹ, các thành viên khác trong gia đình chú ý tới vì trẻ vẫn bình thường.

Nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ em:

Đầu tiên phải kể đến là thiếu ǎn, bữa ǎn thiếu số lượng, thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển. Điều này do tác động của tình hình kinh tế nói chung cũng như kinh tế hộ gia đình và ngoài ra còn có sự tác động của tập quán hoặc thói quen của những người nuôi dưỡng trẻ.

Trẻ dưới 5 tuổi có nhu cầu dinh dưỡng cao để phát triển cơ thể. Để đáp ứng nhu cầu đó, trẻ cần ǎn uống đầy đủ theo lứa tuổi. Trẻ dưới 6 tháng tuổi cần được bú mẹ hoàn toàn. Sữa mẹ là thức ǎn lý tưởng của trẻ nhỏ. Từ đầu tháng thứ 7 trẻ bắt đầu ăn thêm ngoài sữa mẹ. Từ tháng tuổi này, thực hành nuôi dưỡng trẻ có ý nghĩa quan trọng đối với vấn đề dinh dưỡng của trẻ. Vì do thói quen kiêng khem của nhiều thế hệ, đã làm cho bữa ăn của trẻ thiếu chất hoặc lượng và có thể thiếu cả chất lẫn lượng. Ở người lớn, năng lượng ăn vào bằng với năng lượng cần tiêu hao; còn ở trẻ em, năng lượng ăn vào phải lớn hơn năng lượng tiêu hao vì trẻ em cần dự trữ năng lượng để phát triển. Suy dinh dưỡng là do năng lượng ăn vào giảm và năng lượng tiêu hao tăng. Khi bị suy dinh dưỡng, trẻ không tăng cân, giảm sức đề kháng dẫn đến dễ mắc các bệnh nhiễm trùng.

Nếu như cách đây vài chục năm, nguyên nhân chủ yếu là thiếu ăn, thì hiện nay, chính sự thiếu hiểu biết về dinh dưỡng và sự phát triển của trẻ lại là nguyên nhân chính.     

Việc thực hành nuôi dưỡng trẻ hợp lý là nền tảng quan trọng trong việc tăng trưởng và phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trẻ bị suy dinh dưỡng chủ yếu là do người nuôi trẻ thiếu hiểu biết cơ bản về thực phẩm cũng như về dinh dưỡng của trẻ. Ngay cả trong điều kiện chăm sóc tốt nhất, trẻ vẫn mắc phải tình trạng suy dinh dưỡng. Nổi bật là việc cho trẻ ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn. Nếu cho trẻ ăn dặm quá sớm, làm trẻ bị rối loạn hấp thu, tiêu chảy. Cũng có người quan niệm ăn cơm sớm bé sẽ giúp trẻ mau “cứng cáp” mà không hiểu rằng, ăn cơm khi chưa có răng hàm để nhai và hệ tiêu hóa của bé cũng chưa hoàn chỉnh vì thiếu một số men tiêu hóa cần thiết  nên dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa, đi phân sống, suy dinh dưỡng và ảnh hưởng đến vấn đề hấp thu của trẻ sau này..  Ngược lại, ăn dặm quá trễ sẽ làm bé bị suy dinh dưỡng vì sữa mẹ đến thời điểm này không đảm bảo đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ phát triển. Nếu chỉ cho bú sữa mẹ mà không cho ăn dặm thêm thì chắc chắn trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng. Ngoài ra, trẻ biếng ăn cũng là một nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng. Có nhiều nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ: nguyên nhân bệnh lý và nguyên nhân tâm lý. Trong đó, nguyên nhân tâm lý thường xảy ra do những sai lầm trong việc nuôi con. Nhiều phụ huynh không cho trẻ được tự xúc, tự ăn vì sợ trẻ ăn lâu mất thời gian hoặc làm đổ thức ăn. Thực đơn cho bé cũng thường bị áp đặt theo khẩu vị và theo chủ quan của người lớn. Trong môi trường ăn uống căng thẳng như thế, trẻ sẽ sợ ăn, dẫn đến rối loạn cơ chế no - đói, lâu ngày thành suy dinh dưỡng.

Một số nguyên nhân khác như :

Người mẹ trước và trong khi mang thai ăn uống không đầy đủ dẫn đến bị suy dinh dưỡng và có thể đẻ ra đứa con nhẹ cân, còi cọc. Đứa trẻ bị suy dinh dưỡng từ trong bào thai sẽ dễ bị suy dinh dưỡng sau này. Người mẹ bị suy dinh dưỡng, ǎn uống kém trong những tháng đầu sau đẻ dễ bị thiếu sữa hoặc mất sữa, do đó đứa con dễ bị suy dinh dưỡng.

Các bệnh nhiễm khuẩn như viêm đường hô hấp, tiêu chảy, các bệnh ký sinh trùng: Đây là tình trạng hay gặp ở nước ta. Chế độ nuôi dưỡng không hợp lý khi trẻ bệnh là một nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng sau mắc bệnh ở trẻ dưới 5 tuổi.

Ngoài chǎm sóc về ăn uống, đứa trẻ cần chǎm sóc về sức khoẻ (tiêm chủng, phòng chống nhiễm khuẩn), chǎm sóc về tâm lý, tình cảm và chǎm sóc về vệ sinh. Môi trường sống ở gia đình bị ô nhiễm, sử dụng nguồn nước không sạch để nấu ăn, tắm giặt cho trẻ, sử lý nước thải, phân, rác không đảm bảo là những yếu tố dẫn đến suy dinh dưỡng.

Những trẻ em dễ bị suy dinh dưỡng?

Trẻ từ 6-24 tháng: thời kỳ có nhu cầu dinh dưỡng cao, thời kỳ thích ứng với môi trường, thời kỳ nhạy cảm với bệnh tật.

Trẻ không được bú sữa mẹ hoặc không đủ sữa.

Trẻ sinh ra đã nhẹ cân (<2500g), trẻ sinh đôi, sinh ba.

Trẻ ở gia đình đông con, điều kiện vệ sinh kém, gia đình không hoà thuận.

Trẻ hiện đang mắc các bệnh nhiễm khuẩn như: bệnh sởi, tiêu chảy hay viêm đường hô hấp.


Tác giả: BS ÊBan Sơn

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website