A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Liên thông dữ liệu cấp giấy chứng sinh

Thực hiện các Thông tư, hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về việc cấp và sử dụng Giấy chứng sinh và các nhiệm vụ chuyển đổi số phục vụ Đề án 06 của Chính phủ. Vừa qua, tại Hội nghị tập huấn trực tuyến hướng dẫn liên thông dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử, giấy khám sức khỏe lái xe phục vụ Đề án 06 của Chính phủ diễn ra vào chiều ngày 22/3, Vụ Sức khỏe Bà mẹ và trẻ em đã có những hướng dẫn cụ thể về việc triển khai cấp giấy chứng sinh đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc.

Giấy chứng sinh là một trong những dữ liệu quan trọng của công cuộc chuyển đổi số Quốc gia. (Ảnh minh hoạ từ internet)

Căn cứ Thông tư số 17/2012/TT-BYT ngày 24 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cấp và sử dụng Giấy chứng sinh; Thông tư số 34/2015/TT-BYT ngày 27 tháng 10 năm 2015 sửa đổi, bổ sung Điều 2 Thông tư số 17/2012/TT-BYT ngày 24 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cấp và sử dụng Giấy chứng sinh; Thông tư số 27/2019/TT-BYT ngày 27 tháng 9 năm 2019 Sửa đổi một số điều Thông tư số 17/2012/TT-BYT ngày 24 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quy định cấp và sử dụng Giấy chứng sinh, Vụ Bà mẹ và trẻ em hướng dẫn các quy định liên quan đến việc cấp, sử dụng Giấy chứng sinh lần đầu, cấp lại và các nhiệm vụ chuyển đổi số phục vụ Đề án 06 của Chính phủ.

Cụ thể, trong trường hợp cấp giấy chứng sinh lần đầu. Đối với Trẻ sinh tại cơ sở khám chữa bệnh, trước khi trẻ sơ sinh về nhà, cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm ghi đầy đủ các nội dung theo mẫu Giấy chứng sinh hiện hành. Cha, mẹ hoặc người thân của trẻ có trách nhiệm đọc, kiểm tra lại thông tin trước khi ký. Giấy chứng sinh được in làm 02 bản có giá trị pháp lý như nhau, 01 bản làm thủ tục khai sinh và 01 bản lưu tại cơ sở khám chữa bệnh.

Đối với trẻ được sinh ra ngoài cơ sở khám chữa bệnh nhưng được cán bộ y tế hoặc cô đỡ thôn bản đỡ đẻ thì gia đình phải điền vào Tờ khai đề nghị cấp Giấy chứng sinh theo mẫu quy định tại Phụ lục 02 và nộp cho Trạm y tế tuyến xã nơi trẻ được sinh ra để xin cấp Giấy chứng sinh cho trẻ. Trong 03 ngày làm việc, trạm y tế tuyến xã phải thực hiện và hoàn thiện các thủ tục cấp giấy chứng sinh theo quy định. Trong trường hợp cần xác minh thông tin, thì thời hạn xác minh không được quá 05 ngày làm việc.

Đối với những Trẻ sinh ra do thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, bên vợ chồng nhờ mang thai hộ hoặc bên mang thai hộ phải nộp Bản xác nhận về việc sinh con bằng kỹ thuật mang thai hộ theo Phụ lục số 05 (ban hành kèm theo Thông tư số 34/2015/TT-BYT ngày 27 tháng 10 năm 2015 của Bộ Y tế) và bản sao có chứng thực hoặc bản chụp có kèm theo bản chính để đối chiếu với Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và Bên mang thai hộ, gửi cơ sở khám chữa bệnh nơi trẻ sinh ra để được hướng dẫn cấp giấy chứng sinh theo quy định. Trẻ sinh ra do thực hiện kỹ thuật mang thai hộ sẽ được cấp Giấy chứng sinh theo Mẫu quy định tại Phụ lục 01A (ban hành kèm theo Thông tư số 34/2015/TT-BYT ngày 27 tháng 10 năm 2015 của Bộ Y tế). Giấy chứng sinh này là văn bản chứng minh việc mang thai hộ khi làm thủ tục đăng ký khai sinh.

Trong trường hợp giấy chứng sinh có nhầm lẫn, Gia đình của trẻ phải làm Đơn đề nghị cấp lại giấy chứng sinh theo mẫu Phụ lục 03 ( ban hành kèm theo Thông tư số 17/2012/TT-BYT ngày 24 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế), kèm theo giấy tờ chứng minh nội dung nhầm lẫn gửi cơ sở khám chữa bệnh nơi đã cấp Giấy chứng sinh cho trẻ lần đầu. Trong trường hợp giấy chứng sinh mất, rách, nát, gia đình của trẻ phải làm Đơn đề nghị cấp lại giấy chứng sinh theo mẫu Phụ lục 03 ( ban hành kèm theo Thông tư số 17/2012/TT-BYT ngày 24 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế), có xác nhận của Tổ trưởng Tổ dân phố/trưởng thôn về việc sinh và đang sinh sống tại địa bàn khu dân cư gửi cơ sở khám chữa bệnh nơi đã cấp Giấy chứng sinh cho trẻ lần đầu. Trong 02 ngày làm việc, cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm thu hồi Giấy chứng sinh cũ, đơn và giấy tờ chứng minh lưu tại cơ sở khám chữa bệnh. Giấy chứng sinh được cấp lại phải ghi rõ số, quyển số của Giấy chứng sinh cũ và đóng dấu “Cấp lại”. Nếu cần phải xác minh, thì xác minh không quá 03 ngày làm việc.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 06/QĐ-TTG ngày 06 tháng 1 năm 2022 về Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, Vụ Sức khỏe Bà mẹ và trẻ em đã tham gia ý kiến về danh mục thủ tục hành chính liên thông thủ tục hành chính và xây dựng tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực Sức khỏe Bà mẹ và trẻ em /sức khỏe sinh sản; phối hợp cùng Cục Quản lý khám chữa bệnh xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu sinh / tử của Bộ Y tế và hướng dẫn khai báo Giấy chứng sinh để triển khai thí điểm dịch vụ liên thông thủ tục hành chính về khai sinh, báo tử và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; hướng dẫn liên thông dữ liệu Giấy chứng sinh.

Hiện tại, trong quá trình triển khai thí điểm, việc liên thông dữ liệu còn gặp phải một số khó khăn về kỹ thuật phần mềm. Vụ Sức khỏe Bà mẹ và trẻ em đã phối hợp với các bộ, ngành, vụ, cục và các địa phương liên quan nhằm sớm tháo gỡ vướng mắc, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ y tế liên quan đến Đề án 06./.


Tác giả: Thương Thương

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website