A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh góp phần phòng, chống dịch bệnh

Hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh (HVS) là một trong những tiêu chí quan trọng mà công cuộc xây dựng nông thôn mới hướng tới. Sử dụng nhà tiêu HVS không chỉ giúp người dân sống trong môi trường trong sạch mà còn giúp cho việc phòng, chống dịch bệnh được thực hiện ngày càng có hiệu quả. Thời gian qua, công tác hướng dẫn, vận động, hỗ trợ nhân dân, đặc biệt là đối tượng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan, qua đó ghi nhận sự nỗ lực của các cấp ngành liên quan, đặc biệt là ngành Y tế.

Đăk Nông là tỉnh có nhiều khó khăn, việc xây dựng nhà tiêu HVS vẫn là một bài toán nan giải, thách thức chính quyền và các đơn vị chức năng. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, nhận thức của người dân thấp, địa hình rộng và dân cư sinh sống rải rác. Vì vậy, mặc dù được tuyên truyền, hướng dẫn nhưng các hành vi vệ sinh cá nhân người dân chậm thay đổi. Mặt khác, để xây dựng một nhà tiêu hợp vệ sinh cũng phải tốn kém một khoản kinh phí vài triệu đồng (Thực tế, nếu làm nhà tiêu hợp vệ sinh có tính thẩm mỹ với nhiều thiết bị hiện đại thì tốn hàng chục triệu đồng). Đây là điều khó khăn cho nhiều gia đình, nhất là những hộ nghèo, kinh tế hạn hẹp.

Đông đảo người dân tham gia chương trình tuyên truyền nhà tiêu hợp vệ sinh

Qua nhiều giai đoạn với nhiều sự đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác nhau, ngành Y tế mà đại diện là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật làm đầu mối phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị liên quan tổ chức, triển khai các hoạt động xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn. Theo đó, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu HVS đã tăng lên theo thời gian. Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, đến tháng 6/2019, toàn tỉnh có 88,44% tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu, trong đó tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh là 67,76%.

Quá trình thực hiện, Trung tâm đã trải qua nhiều hoạt động hướng đến mục tiêu thay đổi nhận thức, hành vi người dân trong việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Công tác tập huấn nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã; lãnh đạo chính quyền các địa phương từ cấp thôn, xã cũng như đội ngũ nhân viên y tế thôn bon được triển khai, qua đó hướng dẫn  người dân các kỹ thuật xây dựng nhà tiêu và cách sử dụng nhà tiêu HVS. Đồng thời, chỉ rõ cho người dân biết, việc sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh chính là nguyên nhân gây nên một số bệnh dịch tiêu hóa ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình và cộng đồng.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn cho nhân dân về việc xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện tốt biện pháp vệ sinh môi trường. Các nội dung này được thông qua nhiều hình thức khác nhau như: Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; hệ thống loa phát thanh tại cấp xã và thông qua các buổi họp thôn, xóm, buôn, bon, sinh hoạt hội, nhóm, câu lạc bộ; Tổ chức thực hiện thăm hộ gia đình hàng tuần để vận động nhân dân xây dựng, sử dụng, bảo quản nhà tiêu đảm bảo HVS. Nhờ làm tốt công tác truyền thông nên đã phát huy nội lực trong nhân dân, đẩy lùi được một số tập quán, thói quen không có lợi.

Chị Nguyễn Thị Thanh, trú tại xã Cư Knia (Cư Jút) chia sẻ: “Vợ chồng tôi khó khăn nên khi làm được căn nhà nhỏ thì không còn tiền để làm công trình phụ. Cả gia đình sử dụng nhà tiêu tạm bợ gây ra nhiều bất tiện như ứ đọng nước thải, hôi thối, ruồi muỗi và côn trùng sinh sản, trú ngụ. Được cán bộ y tế tới tận nhà tuyên truyền về lợi ích của nhà tiêu tự hoại và hướng dẫn cách xây dựng tiết kiệm kinh phí, gia đình tôi đã quyết tâm làm nhà vệ sinh mới. Từ khi có nhà tiêu này mọi sinh hoạt đều thấy rất tiện, sạch sẽ, không còn mùi hôi như trước nữa”.

Không chỉ gia đình chị Thanh mà còn rất nhiều hộ dân cư khác trên toàn tỉnh đã có thay đổi trong cả nhận thức và hành vi về sử dụng nhà tiêu HVS. Từ chuyển biến của những hộ gia đình như chị Thanh đã góp phần tác động, lan tỏa trong cộng đồng xung quanh, tạo thành trào lưu tích cực giúp tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu HVS mỗi năm một tăng cao. Tuy nhiên, để duy trì kết quả và đạt chỉ tiêu Bộ Y tế giao đến năm 2020, toàn tỉnh có 70% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, cần rất nhiều yếu tố, trong đó phải có sự quan tâm, chung tay của toàn thể các ban ngành, đoàn thể; sự hỗ trợ, đầu tư kinh phí của các cấp chính quyền để các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà tiêu HVS.

Nhà vệ sinh đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống. Thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đảm bảo tại các hộ gia đình, nơi làm việc, bệnh viện, trường học… có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, sự tập trung, năng suất lao động. Do đó, việc xây dựng và sử dụng nhà tiêu HVS đúng quy cách có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển bền vững cộng đồng.

 


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website