A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động phòng chống sốt xuất huyết: Vai trò của ngành Y tế và ý thức của người dân

Quý vị và các bạn thân mến!

          Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát với số ca mắc tăng mạnh tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, trong đó có Đắk Nông.  Vì vậy, để chủ động phòng chống sốt xuất huyết, cần phải phát huy vai trò của ngành Y tế, đồng thời người dân cần nâng cao ý thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, không để bệnh sốt xuất huyết lây lan trong cộng đồng. Về vấn đề này, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi cuộc trao đổi của PV Trang thông tin điện tử Đắk Nông với Bác sỹ ÊBan Thanh Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông.

Vâng, xin chào bác sỹ! Đầu tiên, xin cảm ơn bác sỹ đã dành thời gian cho chương trình.

          PV: Xin bác sỹ cho biết tình hình diễn biến dịch Sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tính đến thời điểm hiện nay?

          BS ÊBan Thanh Sơn: Tính đến ngày 7/8, toàn tỉnh ghi nhận 828 ca mắc Sốt xuất huyết, chưa ghi nhận c tử vong. Ca bệnh xuất hiện tại 8/8 huyện, thành phố và tập trung chủ yếu ở một số địa phương như Đắk Song, Cư Jut, Đắk R’lấp, Krông Nô…Trước thực tế tình hình dịch Sốt xuất huyết đang lan rộng ở nhiều tỉnh, thành nên việc chủ động phòng, chống dịch là vô cùng cần thiết.

PV: Xin bác sỹ cho biết triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết ra sao và cách lây lan như thế nào?

          Sốt xuất huyết do virus Dengue gây nên. Khi muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus này sau đó đốt người lành sẽ lây truyền bệnh qua vết đốt. Tùy vào mức độ và giai đoạn bệnh mà triệu chứng sốt xuất huyết ở mỗi người sẽ có sự khác nhau.

- Giai đoạn ủ bệnh: Kéo dài 4 - 7 ngày, cũng có trường hợp lên tới 14 ngày. Thời gian ủ bệnh ở mỗi người khác nhau tùy theo tuổi tác, khả năng miễn dịch, cơ địa. Khi virus gây bệnh được nhân lên đến ngưỡng đủ lớn sẽ gây ra các triệu chứng trên cơ thể.

- Giai đoạn sốt Dengue: Xuất hiện các triệu chứng không đặc hiệu tức là biểu hiện khá giống với sốt virus hay cảm cúm thông thường.  Liên tục sốt cao trên 39 độ C trong khoảng 2 - 7 ngày mà không có dấu hiệu hạ sốt dù đã dùng thuốc hạ sốt; Mệt mỏi, lừ đừ, nhức đầu; Đau cơ, đau họng, đau hốc mắt; Buồn nôn, nôn; Viêm hô hấp trên, viêm họng, sổ mũi;  Tiêu chảy; Phát ban hoặc xung huyết da.

- Giai đoạn sốt xuất huyết Dengue (giai đoạn nguy hiểm): Có thể còn hoặc giảm sốt nhưng không có nghĩa là bệnh đã khỏi và đang bước vào thời kỳ hồi phục. Chảy máu cam, xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng. Vết xuất huyết dưới da có thể là mảng bầm tím hoặc các đốm nhỏ ở mặt trong cánh tay, mặt trước cẳng chân, đùi, bụng,...  Chảy máu nội tạng, xuất huyết tiêu hóa, tràn dịch màng bụng hoặc màng phổi, xuất huyết não. Đây là giai đoạn cần được theo dõi cẩn thận để phát hiện dấu hiệu xuất huyết, có phương án xử trí kịp thời.

- Giai đoạn hồi phục:  Thường xuất hiện sau giai đoạn nguy hiểm 24 - 48 giờ.  Cơ thể người bệnh có dấu hiệu tái hấp thu dần dịch từ mô kẽ vào lòng mạch. 

Bệnh lý này có thể lây lan qua những con đường sau:

+Muỗi vằn Aedes: Khi muỗi vằn Aedes đốt người lành nó sẽ lây truyền virus sốt xuất huyết qua vết đốt. Chỉ muỗi cái mới có khả năng lây truyền bệnh. Bắt đầu từ thời điểm muỗi vằn đốt, virus ủ bệnh trong cơ thể khoảng 8 - 12 ngày, tuần hoàn trong máu 2 - 7 ngày. Đây cũng là khoảng thời gian nếu bị muỗi Aedes cái đốt, virus máu trong người bệnh sẽ được truyền sang cho muỗi.

+ Mẹ lây truyền cho con: Người mẹ nhiễm sốt xuất huyết có thể lây truyền cho thai nhi trong khi mang thai hoặc khi sinh. Cũng đã có trường hợp ghi nhận bệnh có khả năng lây qua sữa mẹ.

+ Phơi nhiễm với máu: Mặc dù đây là trường hợp hiếm nhưng vẫn ghi nhận sốt xuất huyết có thể lây qua phơi nhiễm với máu hoặc tiếp xúc với máu trong phòng xét nghiệm. Ít khi thấy sốt xuất huyết lây truyền qua kim tiêm, ghép tạng.

          PV: Vậy về phía Trung tâm Kiểm soát bệnh tật có những biện pháp gì để tăng cường giám sát ca bệnh, chủ động phòng chống Sốt xuất huyết trên địa bàn?

          BS ÊBan Thanh Sơn: Để chủ động phòng chống SXH trên địa bàn, Trung tâm KSBT đã tiến hành giám sát tại các huyện/thành phố hoạt động vệ sinh môi trường và phun hóa chất chủ động diện rộng trên toàn xã tại huyện Đắk Glong, Tuy Đức, Krông Nô, Cư Jut, thành phố Gia Nghĩa, Đắk Song, Đắl Mil.  Giám sát phun hóa chất xử lý ổ dịch tại các. Từ đầu tháng 8 đến nay, Trung tâm đã triển khai các đợt phun hóa chất chủ động tại trên 600 hộ gia đình và xử lý dịch kết hợp vệ sinh môi trường diệt lăng quăng/bọ gậy tại 24 thôn thực hiện với 1.700 hộ gia đình. Triển khai các đợt giám sát véc tơ chủ động tại khu vực ổ dịch cũ và khu vực nguy cơ cao tại 8 huyện/thành phố. Tham gia lớp tập huấn nâng cao năng lực giám sát và phòng chống Sốt xuất huyết do Viện vệ sinh dịch tễ Tây nguyên tập huấn. Việc chủ động giám sát ca bệnh, điều tra muỗi, loăng quăng giúp ngành Y tế nắm sự biến động bất thường của các chỉ số vectơ truyền bệnh tại các vùng trọng điểm, kịp thời xử lý những ổ dịch nhỏ để ngăn chặn sự bùng phát dịch một cách kịp thời, hiệu quả.  

          PV: Qua những gì BS chia sẻ, có thể thấy được việc chủ động của ngành Y tế tỉnh nhà trong việc phòng chống SXH. Tuy nhiên, để phòng chống SXH một cách hiệu quả nhất, ngoài nỗ lực của ngành Y tế vẫn cần sự chung tay của người dân. Vậy xin BS cho biết một số khuyến cáo để người dân chủ động phòng chống SXH cho bản thân, gia đình và cộng đồng?

          Theo Tổ chức Y tế Thế giới, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi. Muỗi Dengue đẻ trứng ở các lu/vại/thùng chứa nước bên trong nhà và các khu vực xung quanh nơi ở (bao gồm chai lọ, lọ hoa, thùng/xô/chậu/bình, rác thải, lốp hỏng… chứa nước đọng). Trứng muỗi nở khi gặp nước. Trứng muỗi có thể chịu được điều kiện rất khô và sống trong nhiều tháng. Muỗi trưởng thành thường đậu trong nhà ở các xó tối (phòng đựng đồ, dưới gầm giường, sau rèm cửa). Tại các khu vực này, muỗi không bị gió, mưa và kẻ thù của chúng tiêu diệt, khiến vòng đời và cơ hội sống của chúng đủ dài để chúng mang mầm bệnh truyền từ người này sang người khác. Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh chìa khóa để phòng, chống sốt xuất huyết là sự tham gia của cộng đồng. Do đó, khi mọi gia đình có ý thức làm giảm mật độ các vật trung gian gây bệnh, thì tỷ lệ lây truyền bệnh sẽ giảm hoặc thậm chí được ngăn chặn. Ngoài ra, để bảo vệ bản thân không bị muỗi đốt, người dân cần thực hiện các biện pháp như như: Mặc quần áo che kín tay chân và bôi thuốc chống muỗi; lắp tấm lưới chắn muỗi ở cửa sổ, cửa ra vào và bật điều hòa; ngủ trong màn (mùng) kể cả ban ngày; phun thuốc diệt muỗi, đốt nhang/hương trừ muỗi hoặc các loại thuốc/tinh dầu.

          PV: Vâng, xin chân thành cảm ơn những chia sẻ hết sức thiết thực của BS. Mong rằng, cùng với sự nỗ lực của ngành y tế và sự chung tay của người dân, SXH sẽ sớm được ngăn chặn, không lây lan trong cộng đồng./.


Tác giả: Minh Nhạn

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website