A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng, chống bệnh không lây nhiễm trong đại dịch Covid-19

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), những người mắc các bệnh không lây nhiễm hoặc bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, các bệnh hô hấp mãn tính, ung thư v.v…sẽ có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn những người khác. Do đó, phòng chống bệnh không lây nhiễm trong đại dịch Covid-19 là điều vô cùng cần thiết.

Triệu chứng nghiêm trọng hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn

Viêm đường hô hấp cấp do nCoV (Covid-19) là một bệnh mới, có nguy cơ lây lan mạnh, nguy cơ tử vong cao. Bệnh vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Ngày 31/12/2019, WHO công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Việt Nam công bố dịch từ ngày 1/2/2020.

Qua nghiên cứu của WHO cho thấy, những bệnh nhân Covid-19 có bệnh nền đều có các triệu chứng nghiêm trọng hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn. Cụ thể, đối với bệnh tiểu đường, thống kê cho thấy 20% người nhập viện do Covid-19 đều mắc tiểu đường và 26% những người chết do Covid-19 cũng mắc tiểu đường. Đối với những người bệnh Covid-19 mắc các bệnh tim mạch có tỷ lệ tử vong là 10%; trong khi tỷ lệ tử vong do Covid-19 của người khỏe mạnh chỉ có 1%. Có nghiên cứu cho thấy người bị bệnh thận mạn tính có khả năng phát sinh các triệu chứng nghiêm trọng của Covid-19 cao gấp 3 lần so với người khác. Đồng thời, béo phì cũng làm tăng độ nghiêm trọng của Covid-19.

Covid-19 ảnh hưởng mạnh mẽ đến những người mắc bệnh không lây nhiễm

Đối với những người đang mắc những bệnh không lây nhiễm (nhưng chưa mắc Covid-19) thì đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình điều trị. Cụ thể, bệnh nhân sợ bị lây nhiễm nên không đi khám, tiếp cận cơ sở y tế khó khăn do giãn cách xã hội hoặc cơ sở y tế bị cách ly, phong tỏa. Theo thống kê của WHO, vào tháng 6/2020, các dịch vụ y tế bị gián đoạn nhiều nhất bao gồm chẩn đoán và điều trị các bệnh không lây nhiễm (69%), điều trị các bệnh tâm thần (61%) và các bệnh ung thư (55%). Do hệ lụy của Covid-19, người bệnh không còn được chăm sóc chu đáo và sử dụng thuốc đầy đủ như trước.

Bảo vệ bản thân khỏi các tác nhân gây bệnh không lây nhiễm trước đại dịch Covid-19

Hút thuốc làm tổn thương phổi, do vậy người hút thuốc có nguy cơ mắc cao hơn, dễ bị các triệu chứng nghiêm trọng hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn khi mắc Covid-19. Hút thuốc lá có bao gồm hành động tiếp xúc giữa ngón tay vào môi, làm gia tăng khả năng lây nhiễm từ tay đến miệng. Do đó, để bảo vệ bản thân trước đại dịch Covid-19, chúng ta không hút thuốc, hạn chế đồ uống có cồn, ăn uống lành mạnh, tích cực thể dục thể thao. Ngoài ra, người dân cần thường xuyên sàng lọc, chẩn đoán và điều trị các bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường và các hội chứng tim thận.

Bác sỹ Phạm Thị Thủy, Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Nông cho biết: “Trong các tình huống dịch vụ y tế bị hạn chế do Covid-19, bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm có thể sử dụng tư vấn từ xa để đỡ mất thời gian trong việc chẩn đoán; duy trì lịch khám đều đặn với bác sĩ điều trị, hạn chế nội soi và thăm dò hô hấp; sử dụng khám bệnh từ xa để thường xuyên theo dõi và điều trị đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; lập kế hoạch chăm sóc bản thân; mua thuốc và các thiết bị theo dõi tại nhà”.

Đối với những người có người thân mắc các bệnh không lây nhiễm, cần thực hiện các biện pháp phòng tránh Covid-19 như: Đối với người bị ốm, cần rửa tay thường xuyên, ở nhà và cách ly khỏi những người khác, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách ít nhất 1m, giữ cho phòng thông khí, sử dụng phòng tắm riêng. Đối với những người khác, thường xuyên rửa tay, tránh tiếp xúc với người bị ốm, theo dõi sức khỏe cũng như các triệu chứng của mọi người.

Bác sỹ Phạm Thị Thủy cho biết thêm: “Đối với những người chăm sóc người ốm, cần đảm bảo người ốm được ăn uống đủ chất và ngủ nghỉ đúng giờ; đeo khẩu trang y tế đặc biệt khi chăm sóc người ốm; thường xuyên rửa tay; sử dụng bát đĩa riêng cho người bị ốm; thường xuyên rửa và sát trùng các bề mặt hay tiếp xúc”./.

HƯỚNG DẪN CỦA BỘ Y TẾ VỀ BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM TRƯỚC ĐẠI DỊCH COVID-19

1.     Hạn chế tiếp xúc với người khác, đồng thời vẫn phải duy trì đều, ổn định chế độ điều trị hiện tại kết hợp với chế độ dinh dưỡng, luyện tập hợp lý, tránh căng thẳng.

2.     Không tự ý ngừng/bỏ thuốc hoặc dùng thêm thuốc khác. Nên có đủ thuốc trong thời gian dài, ít nhất là 01 tháng.

3.     Khuyến khích tự theo dõi tình trạng bệnh tại nhà nhưng không do dự việc đi khám nếu đã có các bất thường để tránh biến chứng nặng.

4.     Nếu có bất thường trong quá trình tự theo dõi bệnh tại nhà hoặc lịch khám định kỳ bị hoãn do dịch bệnh, nên xin tư vấn từ xa với nhân viên y tế theo đúng hẹn.

5.     Khi bắt buộc phải đi khám chữa bệnh, nên đến tuyến y tế cơ sở và phải đặt lịch hẹn trước và thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm đồng thời giảm tải cho cơ sở y tế.

6.     Khi đến cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt khi nhiễm Covid-19, cần cung cấp đầy đủ thông tin về phác đồ điều trị bệnh hiện tại hoặc các bệnh lý khác để tránh các tương tác thuốc bất lợi và để hiệu chỉnh liều hợp lý các thuốc điều trị khi phải dùng các thuốc điều trị Covid-19 hoặc các bệnh khác.

7.     Tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn về dự phòng lây nhiễm Covid-19 để phòng lây nhiễm.

 


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website