A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm

Trong năm 2022, công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã được Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng và đang mang lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý an toàn thực phẩm.  Toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp/ vụ việc ngộ độc thực phẩm.

Kiểm tra ATTP tại các tiệm tạp hoá trên địa bàn huyện Đăk G'long

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 8.315 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, ngành Y tế quản lý 4.070 cơ sở, ngành Nông nghiệp quản lý 1.289 cơ sở và ngành Công thương quản lý 2.956 cơ sở. Trong năm 2022, ngành Y tế đã cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 722/1004 cơ sở thuộc diện phải cấp, đạt 72%. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận và cấp giấy chứng nhận cho 84 cơ sở (lũy kế 273/289 cơ sở thuộc diện phải cấp) và ngành Công thương tiếp nhận và đề nghị cấp giấy cho 20 cơ sở (lũy kế 53/55 cơ sở thuộc diện phải cấp).

Công tác thanh tra, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm đã được tăng cường triển khai trong các chiến dịch trọng điểm như: tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, Tết trung thu, Tết nguyên đán, đã giúp ngăn chặn và xử lý nhiều vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể, ngành Y tế đã thành lập 295 đoàn kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, tiến hành kiểm tra 3.716 lượt cơ sở. Trong đó, cơ sở đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm 2.775 lượt, chiếm 74,7% và có 941 cơ sở vi phạm, tiến hành xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền 51 cơ sở với số tiền 143 triệu đồng và nhắc nhở 890 lượt cơ sở.

 Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thẩm định, đánh giá, xếp loại theo Thông tư số 38/2018-BNNPTNT ngày 25/12/2018 đối với 210 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến và kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 24 cơ sở xếp loại A (chiếm 11,4%), 183 cơ sở xếp loại B (chiếm tỷ lệ 87,2%) và 03 cơ sở xếp loại C (chiếm 1,4%). Kiểm tra, xử lý vi phạm đối với 11 mẫu sản phẩm vật tư nông nghiệp với số tiền xử phạt hơn 116 triệu đồng; xử lý 22 trường hợp vi phạm kinh doanh thuốc thú y sai nhãn mác với số tiền xử phạt trên 73 triệu đồng.

Ngành Công an đã phát hiện, xử lý 09 vụ với 11 cá nhân có hành vi vi phạm an toàn thực phẩm và tiến hành xử phạt hành chính với số tiền trên 111 triệu đồng. Tang vật thu giữ được gồm có 5.664 thực phẩm chức năng và khoảng 400kg thịt heo các loại. Trong đó, có 170 kg thịt heo thành phẩm đóng gói hút chân không gắn mác thịt nai khô đặc sản Tây Nguyên và hơn 200kg thịt heo tươi nguyên liệu.

Trong năm qua, nhiều mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm đã được triển khai có hiệu quả, bước đầu đã áp dụng thành công các mô hình quản lý tiên tiến ở một số đơn vị sản xuất, chế biến thực phẩm như GAP (Thực hành nông nghiệp tốt), GMP (Thực hành sản xuất tốt), HACCP (Hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn) đã tạo ra những sản phẩm thực phẩm an toàn hơn cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Công tác thông tin tuyên truyền đã được đẩy mạnh giúp thay đổi nhận thức và hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm theo chiều hướng tốt hơn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh được triển khai tích cực và đạt hiệu quả cao. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh.

Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được, công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn nhất định. Đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn có quy mô nhỏ lẻ nên việc áp dụng các mô hình tiên tiến gặp khó khăn. Một số lượng lớn cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm gây khó khăn trong việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm hành chính. Số lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hoạt động trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh thiếu nhiều so với yêu cầu nhiệm vụ. Tình trạng vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên môi trường mạng có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm.

 Trong thời gian tới, để khắc phục những khó khăn, hạn chế và đẩy mạnh công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Trong đó cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm đến mọi đối tượng trong cộng đồng xã hội; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý an toàn thực phẩm cho công chức, viên chức làm công tác an toàn thực phẩm từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở.../.


Tác giả: Nhật Nguyên

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website