A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

KẾ HOẠCH Triển khai thi hành Nghị định số 55/2020/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thi hành án hình sự về thi hành án đối với pháp nhân thương mại

Thực hiện Nghị định số 55/2020/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thi hành án hình sự về thi hành án đối với pháp nhân thương mại (sau đây gọi tắt là Nghị định số 55/2020/NĐ-CP), Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch triển khai như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt, phổ biến, tuyên truyền Nghị định số 55/2020/NĐ-CP để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong công tác thi hành án đối với pháp nhân thương mại.

          2. Phân công rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp đối với các cơ quan, đơn vị có liên quan đến việc thực hiện có hiệu quả công tác thi hành án đối với pháp nhân thương mại, đáp ứng yêu cầu thực tế của từng đơn vị, địa phương.

II. NỘI DUNG VÀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Công tác tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền Nghị định số 55/2020/NĐ-CP

- Đơn vị thực hiện:

+ Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công an tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Thi hành án hình sự và Nghị định số 55/2020/NĐ-CP.

+ Căn cứ tình hình thực tế, các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức tuyên truyền, quán triệt, phổ biến nội dung của Nghị định số 55/2020/NĐ-CP cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và nhân dân thuộc thẩm quyền quản lý.

+ Công an tỉnh tổ chức tập huấn chuyên sâu cho cán bộ Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh và các đơn vị có liên quan trực tiếp đến thi hành án đối với pháp nhân thương mại các quy định của Luật Thi hành án hình sự về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại; Nghị định số 55/2020/NĐ-CP và Nghị định số 44/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại.

- Thời gian thực hiện: Trong năm 2020.

2. Tổ chức thi hành án và cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại

- Đơn vị thực hiện: Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh chủ trì; các cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp.

- Hình thức thực hiện: tiếp nhận bản án, quyết định thi hành án; xác định cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại có trách nhiệm trong thi hành án; triệu tập người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại để thông báo, yêu cầu thi hành án; lập hồ sơ thi hành án; công bố quyết định thi hành án, giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp; kiểm tra, giám sát việc chấp hành án của pháp nhân thương mại trong thời gian chấp hành án; cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, giấy chứng chận chấp hành xong các biện pháp tư pháp. Trường hợp pháp nhân thương mại tổ chức lại thì tiếp hành chuyển giao nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại Chương III của Nghị định số 55/2020/NĐ-CP; trường hợp phải cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại thì tiến hành kê biên, phong tỏa tài khoản, tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử, tạm giữ hoặc thu hồi con dấu của pháp nhân thương mại theo quy định tại Nghị định số 44/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại.

- Thời gian thực hiện: khi có bản án, quyết định thi hành án đối với pháp nhân thương mại có hiệu lực pháp luật.

3. Tham gia xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về việc thi hành án đối với pháp nhân thương mại

- Đơn vị thực hiện: Công an tỉnh chủ trì; các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố phối hợp.

- Hình thức thực hiện: Tổ chức nghiên cứu, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương, cấp có thẩm quyền bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án đối với pháp nhân thương mại; góp ý xây dựng dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án đối với pháp nhân thương mại theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.

- Thời gian thực hiện: Thực hiện thường xuyên.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ Kế hoạch này, các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm phối hợp với Cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại trong thi hành án đối với pháp nhân thương mại.

2. Kinh phí thực hiện các hoạt động thi hành án đối với pháp nhân thương mại được sử dụng trong kinh phí thường xuyên của các cơ quan, đơn vị.

3. Giao Công an tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các Sở, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thi hành án đối với pháp nhân thương mại, góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật tại địa phương./.

 


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website