Bệnh viêm tai giữa mạn
Viêm tai giữa mạn tính, là bệnh tương đối phổ biến ở trẻ em. Đây là một bệnh dai dẳng, mủ tai chảy từng đợt và kéo dài nhiều năm liền. Nếu để lâu không điều trị, bệnh trở thành viêm tai xương chũm, có những biến chứng nguy hiểm (bệnh nhân có khả năng tử vong).
Ảnh minh họa từ internet
Bệnh viêm tai giữa mạn lúc nào cũng bắt đầu từ viêm tai giữa cấp. Bệnh nhân bị sốt cao, nhức tai và nghe kém. Nếu điều trị đúng cách, bệnh sẽ khỏi trong vòng vài ngày. Nếu không điều trị đúng cách, bệnh sẽ chuyển sang viêm tai giữa mạn. Tai bắt đầu chảy mủ. Mủ có thể chảy liên tục hay từng đợt. Nếu điều trị với kháng sinh, nhỏ tai, bệnh có thể khỏi trong vòng một thời gian dài, nhưng sau đó lại tái phát. Ban đầu mủ tai chảy ra là dịch đục không hôi. Đây là thời kỳ chỉ viêm tai giữa mạn đơn thuần mà thôi. Một thời gian sau, nước chảy ra là mủ, có mùi hôi. Đây là thời kỳ viêm tai giữa đã lan dần vào trong và gây viêm tai xương chũm. Cuối cùng, nước chảy ra là mủ có mùi thối khẳm như mùi cóc chết. Đây là thời kỳ tai có chứa một “khối mềm” gọi là Cholesteratome. Chính “khối mềm” to dần và gây biến chứng chết người.
Những biến chứng do “khối mềm” gây nên thường là áp xe đại não, viêm xoang tĩnh mạch bên và viêm màng não. Giữa tình trạng bệnh thông thường và tình trạng biến chứng có giai đoạn chuyển tiếp, còn gọi là "hội chứng hồi viêm". Lúc đầu, bệnh nhân vẫn sinh hoạt như thường, tai chảy mủ khi nhiều khi ít. Đột nhiên bệnh nhân sốt cao 38- 390C, tai bên bệnh nhức nhiều hơn, nghe kém hơn, mủ trong tai có khi chảy ra rất nhiều, đôi khi mủ tai bị kẹt lại không chảy ra được.
Hội chứng hồi viêm này là triệu chứng chỉ điểm, báo trước trong vòng 12 hoặc 24 giờ sau là có biến chứng nguy hiểm. Trong trường hợp gia đình không biết để đưa đi điều trị sớm, biến chứng tất yếu sẽ xảy ra.
Mỗi biến chứng đều có một triệu chứng chính:
- Trong biến chứng áp xe đại não, bệnh nhân bị động kinh toàn thân, hoặc động kinh một phần cơ thể, và yếu chi bên đối diện của tai bệnh.
- Trong biến chứng áp xe tiểu não, bệnh nhân bị chóng mặt, đứng không vững, nhất là khi bệnh nhân đứng chụm chân, nhắm mắt.
- Trong biến chứng viêm xoang tĩnh mạch bên, bệnh nhân bị rét run, sốt cao 40-410C. Triệu chứng này xuất hiện nhiều lần trong ngày.
- Trong biến chứng viêm màng não, cổ bệnh nhân bị cứng, bệnh nhân không thể nào cúi đầu xuống cho cằm chạm ngực được.
Một khi biến chứng xảy ra, nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có khả năng tử vong trong vài ngày sau đó.
Người bị chảy mủ tai cần phải được chăm sóc chu đáo. Phải đi khám định kỳ để giảm sự phát triển của bệnh. Trong trường hợp dịch tai chảy ra là mủ không hôi, bệnh chưa có khả năng gây biến chứng. Tuy nhiên, phải điều trị tích cực. Trong trường hợp dịch chảy ra là mủ có mùi nặng, phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện chụp X-quang, đánh giá tình trạng xương chũm. Bệnh nhân có thể được mổ sớm, lấy “khối mềm” ra và tránh được biến chứng.
Trong trường hợp “hội chứng hồi viêm” xuất hiện, phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện và mổ cấp cứu. Không được chần chừ một giây phút nào. Càng kéo dài thời gian, tử vong do biến chứng càng gần kề. Tại bệnh viện, gặp trường hợp có hội chứng hồi viêm này, bệnh nhân được mổ cấp cứu để tránh biến chứng nguy hiểm.
Trong trường hợp trễ, đã xuất hiện các triệu chứng của biến chứng, phải tức tốc đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay để xin mổ tối cấp. Chậm trễ trong tình trạng này, bệnh nhân sẽ bị tử vong.
Bệnh viêm tai giữa mạn là bệnh thường bị coi là nhẹ. Tuy nhiên, diễn biến bên trong phức tạp và có thể gây tử vong cho bệnh nhân.