A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Viêm tai giữa cấp ở trẻ em

Viêm tai giữa cấp ở trẻ em là một bệnh thường gặp. Tuy là bệnh cấp, nhưng dễ điều trị. Dùng thuốc đúng cách trong 10 ngày là bệnh có thể khỏi. Triệu chứng: Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ từ 18 tháng đến 3 tuổi. Trước đó, trẻ có bị sổ mũi, nghẹt mũi, ho thoáng qua. Chính bệnh viêm mũi họng này đã đưa vi khuẩn vào tai giữa qua một đường tự nhiên, đó là vòi nhĩ. 1-2 ngày sau khi vi khuẩn đã vào, tai giữa bị viêm cấp, trẻ sốt 38-39 độ C. Có trẻ bị động kinh hoặc rối loạn tiêu hoá, nôn, trớ, tiêu chảy. Ngoài ra, tai bị nhức rất nhiều, trẻ đau liên tục nên khóc thường xuyên. Nhiều bé quá nhỏ, không chỉ được nơi đau nhức, nên gia đình không biết được nguyên nhân khóc liên tục của bé.

Ảnh minh họa từ internet

Ngoài hai triệu chứng trên, còn một triệu chứng nữa rất khó phát hiện ở trẻ em, đó là nghe kém và tai bị viêm. Phát hiện một trẻ nghe kém không phải dễ vì trẻ có thể nghe tai bên kia bù trừ. Nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách, mủ phát triển nhiều trong tai giữa, gây thủng nhĩ, tai chảy mủ ra ngoài. Mủ màu vàng, có khi đặc, có khi lỏng, không hôi. Khi mủ ứ trong tai tuôn được ra ngoài, triệu chứng nhức và sốt giảm hẳn, trẻ nghe kém nhiều hơn, nhưng rất khó phát hiện. Tuy triệu chứng (nhức tai và sốt) có giảm nhưng màng nhĩ lại thủng, vi khuẩn từ ngoài có thể tự do vào hòm nhĩ và viêm tai giữa cấp dần chuyển thành viêm tai giữa mạn. Vài năm sau, bệnh chuyển thành viêm tai xương chũm và có thể gây biến chứng nội sọ nguy hiểm. Điều quan trọng là phải nhận biết được bệnh viêm tai giữa cấp đang còn trong thời kỳ chưa thủng màng nhĩ. Nếu được điều trị tích cực, bệnh sẽ khỏi hẳn.

Định bệnh viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ không phải dễ. Khi em bé khóc vô cớ, chứng tỏ em bị đau nhức nhiều ở một bộ phận nào đó trong cơ thể. Ở trẻ nhỏ thường có hai nơi bị đau nhức nhiều, đó là đau bụng và đau tai. Trong bệnh này, nếu sờ vào bụng, em bé không khóc ré thêm thì triệu chứng đau bụng có thể chưa nghĩ đến. Lắc nhẹ vành tai trẻ, vành tai bên nào bị lắc làm cho trẻ khóc thét hay khóc ngất thêm thì chứng tỏ tai bên đó đang bị đau nhức. Nhức tai có kèm theo sốt nên nghĩ đến trường hợp trẻ bị viêm tai giữa cấp, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Điều trị viêm tai giữa cấp tương đối dễ một khi đã định được bệnh. Giảm sốt bằng cách cho em bé uống Paracethamol. Điều quan trọng là phải diệt khuẩn ở tai giữa. Thuốc thường dùng ở đây là thuốc phối hợp giữa Amoxycillin và Clavulanic acid (Augmentin, Ciblor...) Phải điều trị kháng sinh ít nhất 10 ngày. Bệnh có thể khỏi. Tuy là bệnh cấp nhưng viêm tai giữa có thể phòng ngừa được. Trước nhất là phải giữ mũi họng cho sạch, năng tắm rửa, rửa tay thường xuyên, nhất là trước bữa ăn. Nên cho trẻ ăn đủ các nhóm chất dinh dưỡng để trẻ có sức đề kháng tốt. Mỗi khi trẻ ho, sổ mũi thì phải điều trị ngay, đừng để chuyển sang viêm tai giữa cấp. Một khi phát hiện bệnh viêm tai giữa cấp, thì gia đình, người thân cần liên hệ các cơ sở khám điều trị chuyên khoa Tai – Mũi – Họng để có hướng xử trí đúng và tránh được viêm tai giữa mạn, viêm tai xương chũm sau này.


Tác giả: BS ÊBan Sơn

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website