A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Huy động sức mạnh cộng đồng trong phòng chống bệnh lao

Theo Báo cáo bệnh lao toàn cầu của WHO năm 2022, số lượng tử vong do bệnh lao đã tăng lên trong 2 năm liên tiếp và lần đầu tiên ước tính số lượng người mới mắc bệnh lao hàng năm cũng đã tăng lên sau hơn một thập kỷ. Đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến công tác chẩn đoán và điều trị lao trong những năm vừa qua. Toàn bộ những tiến độ đã đạt được tính đến năm 2019 bị chậm lại, đình trệ, hoặc hoàn toàn đảo ngược, mục tiêu thanh toán bệnh lao toàn cầu đã bị chệch hướng.

Tổ chức chiến dịch sàng lọc lao tại cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh

Sau 2 năm diễn ra dịch COVID-19, công tác phòng, chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch. Năm 2020, số lượng và tỉ lệ tử vong do lao ở Việt Nam được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8%.

Hằng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỉ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện, hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo. Tỉ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, gần 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.

Để thực hiện được những mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng, chống lao quốc gia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Chính phủ phê duyệt, Chương trình chống lao cần tăng cường vận động để nhận được sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm hỗ trợ công tác phòng, chống lao, thể hiện qua việc cụ thể hóa và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy nói chung về khám chữa bệnh và văn bản riêng về công tác phòng, chống lao. Sự ủng hộ cũng được thể hiện qua việc kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới phòng, chống lao từ Trung ương tới địa phương. Đồng thời, huy động sự hưởng ứng của cả cộng đồng với công tác phòng, chống lao, tăng cường tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế, chủ động tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh lao.

Cần có các chiến dịch, chương trình truyền thông, huy động cộng đồng tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống lao, nâng cao nhận thức của người dân, giảm mặc cảm, kỳ thị bệnh lao; vận động đầu tư đa nguồn cho công tác phòng, chống lao bao gồm ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương, tài trợ quốc tế, bảo hiểm y tế, xã hội hoá…

Tình hình bệnh lao tại tỉnh Đắk Nông trong năm qua mặc dù không có nhiều biến động nhưng môi trường sống và điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhận thức về bệnh tật của người dân còn nhiều hạn chế do đó không ít bệnh nhân đã tự ý bỏ điều trị giữa chừng hoặc điều trị không đúng phác đồ về thời gian hoặc liều lượng, dẫn đến bệnh ngày càng trầm trọng. Đây là nguyên nhân chính làm xuất hiện các vi khuẩn lao đa kháng thuốc, gây khó khăn cho công tác phòng, chống lao trên địa bàn. Bên cạnh đó, cùng với sự gia tăng của bệnh nhân nhiễm HIV thì số lượng người đồng nhiễm HIV - Lao cũng ngày càng nhiều. Trong 6 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh thu nhận và điều trị cho 120 bệnh nhân lao các thể, trong đó có 95 bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học. 

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống lao, thời gian tới, Chương trình chống lao tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các Ban, Ngành, Đoàn thể thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân đến khám sàng lọc tại các điểm khám đặc biệt vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận. Triển khai tầm soát, đánh giá tình hình dịch tễ những địa phương có nguy cơ cao về bệnh lao, nhằm đưa ra giải pháp phù hợp. Tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ Y tế thôn, bon trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện khám sàng lọc.

Năm 2023 là năm quan trọng trong tiến trình thanh toán bệnh lao nên việc sàng lọc bệnh nhân nghi mắc lao, mắc lao tiềm ẩn được thực hiện song song và mở rộng quy mô thực hiện nhằm phát hiện, điều trị sớm người bệnh lao và lao tiềm ẩn để ngăn chặn nguồn lây lan trong cộng đồng. Năm 2023 là một năm rất quan trọng để chúng ta cùng vào cuộc. Đây được coi là “năm của hy vọng” để nhận được sự chung tay, tập hợp sức mạnh của toàn cầu trong tiến trình thanh toán bệnh lao.


Tác giả: Ngọc Vân

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website