A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Tính đến hết ngày 31/5/2024 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ghi nhận 15/44 bệnh truyền nhiễm (BTN) với 1.334 trường hợp mắc. Ghi nhận 01 trường hợp tử vong do bệnh Dại tại huyện Đắk Mil. Toàn tỉnh ghi nhận 48 ổ dịch tại 07 huyện, thành phố. Trong đó, sốt xuất huyết 26 ổ dịch; thuỷ đậu 09 ổ dịch; tiêu chảy 08 ổ dịch; tay chân miệng 05 ổ dịch. Các dịch bệnh truyền nhiễm khác được kiểm soát.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Huynh – Phó Giám đốc Sở Y tế cung cấp thông tin về công tác y tế tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 5/2024

So với cùng kỳ năm 2023 số ca mắc bệnh truyền nhiễm giảm 892 ca. Trong đó, các bệnh truyền nhiễm có số ca mắc giảm, bệnh Covid-19 giảm (657 ca), bệnh Thuỷ đậu giảm (180 ca), bệnh Tiêu chảy giảm (107 ca), bệnh Viêm gan vi rút B giảm (58 ca), bệnh Viêm gan vi rút C giảm (7 ca), bệnh Lỵ trực trùng giảm (5 ca), bệnh uốn ván sơ sinh giảm (5 ca), bệnh Sốt rét giảm (4 ca). Bên cạnh đó còn một số bệnh truyền nhiễm có ca mắc tăng cao: Sốt xuất huyết 463 ca, tăng 164 ca so với cùng kỳ năm 2023; bệnh Tay chân miệng 164 ca, tăng 132 ca so với cùng kỳ năm 2023; bệnh Lao phổi 65 ca, tăng 15 ca so với cùng kỳ năm 2023; bệnh Cúm 43 ca, tăng 04 ca.

 

Nhằm tăng cường công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm, không để bùng phát thành dịch diện rộng. Sở Y tế đã đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo các Sở, ngành phối hợp trong công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh như: Kế hoạch 161/KH-UBND ngày 13/3/2024 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm tỉnh Đắk Nông năm 2024, Công văn số 1823/UBND-KGVX ngày 03/4/22024 của UBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại; Công văn số 556/SYT-NVYD ngày 06/3/2024 của Sở Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh; Công văn số 763/SYT-NVYD ngày 24/3/2024 của Sở Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc xin; Công văn số 1084/SYT-NVYD ngày 17/4/2024 của Sở Y tế về việc tăng cường phòng chống Sốt xuất huyết và hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống Sốt xuất huyết; …

             Đồng thời, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai các đợt giám sát phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm thường quy và nhiều đợt giám sát hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh. Trong đó, chú trọng bệnh Sốt xuất huyết Dengue, Tay chân miệng, Dại… tại các huyện, thành phố; hỗ trợ xử lý các ổ dịch bệnh truyền nhiễm tại các điểm nóng trên địa bàn toàn tỉnh và tại các địa phương có số ca mắc bệnh truyền nhiễm cao, đặc biệt các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ tử vong cao. Chủ động triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch ngay sau khi phát hiện, khống chế không để dịch bệnh lan rộng.

Phát biểu tại hội nghị giao ban báo chí tháng 5/2024, diễn ra ngày 05/6, Bác sĩ Huỳnh Thanh Huynh – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong thời gian tới,  ngành y tế iếp tục chỉ đạo theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh. Hiện nay địa bàn tỉnh bước vào mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sản, phát triển nên nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ bùng phát trong thời gian tới là rất lớn. Tuy nhiên, người dân vẫn còn thờ ơ, chưa tự giác thực hiện hoạt động vệ sinh môi trường,  xử lý các ổ lăng quăng/bọ gậy cũng như loại bỏ các dụng cụ có nguy cơ chứa nước ngay tại hộ gia đình,…. Để phòng ngừa sốt xuất huyết, ngành y tế thực hiện theo dõi, chỉ đạo đánh giá tình hình dịch bệnh thường xuyên, liên tục để phát hiện sớm các ổ dịch; thực hiện khoanh vùng, xử lý theo đúng quy định ngay sau khi ghi nhận ổ dịch để hạn chế sự lây lan trên diện rộng và giảm thiểu tối đa các trường hợp nặng và tử vong. Bên cạnh đó, Sở y tế cũng thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát, kiểm tra hỗ trợ địa phương và chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh Sốt xuất huyết; chỉ đạo thực hiện các biện pháp truyền thông có chủ đích, chủ điểm tùy theo từng đối tượng, địa phương, phát huy vai trò truyền thông trên mạng xã hội.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Huynh cũng cho biết thêm, ngành y tế tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh Tay chân miệng trên địa bàn nói chung và tại các ổ dịch đã ghi nhận nói riêng. Thực hiện cập nhật hằng ngày về diễn biến tại ổ dịch. Đồng thời tăng cường công tác giám sát chủ động các ca bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở y tế trên địa bàn (kể cả các phòng khám tư nhân) và tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm ca mắc/ổ dịch, triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, khoanh vùng và xử lý dịch. Tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trên các trang mạng xã hội (facebook, zalo,…), khuyến cáo người dân khi phát hiện các trường hợp mắc Tay chân miệng hoặc gia đình có người mắc bệnh cần thông báo cho Trạm Y tế trên địa bàn để được tư vấn, hướng dẫn điều trị, cách ly theo quy định.

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí tham dự hội nghị, Bác sĩ Huỳnh Thanh Huynh cho biết, hiện nay ngành y tế đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu mua sắm vật tư y tế, thực hiện các biện pháp linh hoạt trong toàn ngành nhằm đảm bảo cung ứng đủ vắc xin, thuốc và các vật tư tiêu hao cần thiết, đảm bảo hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn tỉnh được diễn ra hiệu quả, thông suốt./.


Tác giả: Thương Thương

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website