Triển khai nhiều giải pháp phòng chống bệnh Whitmore
Ngày 19/4/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh ghi nhận thông tin chia sẻ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk về trường hợp mắc bệnh Whitmore đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Đây là nam bệnh nhân sinh năm 1957, trú tại xã nam Dong, huyện Cư Jút. Bệnh nhân có tiền sử bị bệnh đái tháo đường type II và mổ cắt lách (hiện vết dẫn lưu thỉnh thoảng vẫn rỉ dịch và mủ). Bệnh nhân được lấy mẫu làm xét nghiệm đến ngày 19/4/2023 có kết quả dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (vi khuẩn gây bệnh Whitmore). Sau khi ghi nhận ca mắc Whitmore đầu tiên trên địa bàn, ngành Y tế đã nhanh chóng triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát dịch tễ và phòng, chống bệnh.
Thường xuyên vệ sinh khu vực chuồng trại chăn nuôi là biện pháp phòng bệnh Whitmore hiệu quả
Theo BS Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ngay khi nhận được thông tin về ca mắc Whitmore đầu tiên trên địa bàn tỉnh, Trung tâm đã nhanh chóng tổ chức điều tra, phân tích dịch tễ, phân tích nguy cơ và triển khai các biện pháp phòng chống bệnh. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc và các biện pháp phòng chống bệnh Whitmore để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cũng đã kịp thời ban hành văn bản, chỉ đạo các Trung tâm Y tế triển khai các giải pháp nhằm chủ động phòng, chống hiệu quả bệnh Whitmore, hạn chế thấp nhất tử vong xảy ra. Theo đó, các đơn vị tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Whitmore tại cơ sở y tế và tại cộng đồng, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ và các đối tượng nguy cơ cao để phát hiện sớm các trường hợp mắc và xử lý điều trị, nhất là tại địa phương đã có ca bệnh Whitmore; yêu câu các địa phương Khi phát hiện có ca mắc hoặc nghi mắc bệnh Whitmore phải thông báo ngay cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế, đồng thời tổ chức ngay công tác điều tra, phân tích về dịch tễ, phân tích nguy cơ và triển khai các biện pháp phòng chống bệnh Whitmore. Các Trung tâm Y tế cần chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, trang thiết bị, tổ chức thu dung, cấp cứu bệnh nhân, điều trị tích cực để hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do bệnh Whitmore. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc và các biện pháp phòng chống bệnh Whitmore để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống.
Như trường hợp mắc bệnh Withmore vừa ghi nhận trên địa bàn thì bệnh nhân sinh hoạt bằng nguồn nước giếng đào. Chuồng bò được xây dựng ở sát phía sau nhà, không đảm bảo vệ sinh. Trước khi mắc bệnh, bệnh nhân thỉnh thoảng ra dọn chồng bò nhưng không mang bảo hộ (không đi ủng, găng tay, khẩu trang…). Khu vực chuồng bò không có lối thoát nước, phân bò không được thu gom hàng ngày. Vì vậy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm y tế huyện Cư Jút đã lồng ghép hướng dẫn người nhà cách phòng bệnh và khử khuẩn vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, chuồng trại và vệ sinh cá nhân trong quá trình điều tra, giám sát dịch tễ.
Whitmore là bệnh không thường gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh thường tiến triển nặng, có tỉ lệ tử vong cao. Đây là một bệnh truyền nhiễm ở người và động vật. Vi khuẩn B. pseudomallei sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua da có vết thương hở khi tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bị nhiễm khuẩn B. pseudomallei. Đến nay, chưa có bằng chứng về việc lây truyền vi khuẩn từ người sang người hoặc từ động vật sang người. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đặc biệt ở những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch,… Theo các chuyên gia y tế, các biện pháp phòng bệnh Whitmore chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh. Bệnh được điều trị bằng cách sử dụng các kháng sinh có nhạy cảm với các chủng B. pseudomallei và điều trị các triệu chứng, biến chứng kèm theo, đồng thời chăm sóc, điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bệnh. Hiện, chưa có vaccine phòng bệnh Whitmore.