UNICEF sẽ hỗ trợ máy xử lý chất thải y tế lây nhiễm cho Trung tâm Y tế Tuy Đức và Đăk Song
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) là tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc, có tôn chỉ mục đích là bảo vệ và phục vụ các nhu cầu về sự sống còn, tồn tại và phát triển của trẻ em trên toàn thế giới. UNICEF có gần 50 năm kinh nghiệm hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và phát triển trẻ em và đang đi đầu trong hỗ trợ Việt Nam về đảm bảo và phát triển quyền của trẻ em trong phát triển kinh tế xã hội. UNICEF đã có rất nhiều chương trình y tế công cộng chăm sóc sức khỏe ban đầu triển khai thành công tại Việt Nam, trong đó có các nội dung cung cấp trang thiết bị liên quan đến nước sạch vệ sinh môi trường, xử lý nước thải và chất thải thải y tế cho các bệnh viện và cở sở y tế.
BS CKII Huỳnh Thanh Huynh khảo sát máy xử lý chất thải y tế tại TTYT y tế Cư Jut và Đăk Song
Tại tỉnh Đắk Nông, trong những năm qua UNICEF đã hợp tác và hỗ trợ ngành y tế tỉnh triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em thông qua Dự án Vì sự sống còn, phát triển trẻ em và môi trường (CSDE), thực hiện mua sắm, cung ứng miễn phí 26 tủ lạnh chuyên dụng, 44 máy tính xách tay, 27 máy tính để bàn, máy chiếu. Trong năm 2024, UNICEF khảo sát và hỗ trợ máy xử lý chất thải y tế lây nhiễm cho một số cơ sở y tế tỉnh Đắk Nông, góp phần tăng cường năng lực bệnh viện trong việc quản lý xử lý chất thải y tế lây nhiễm, góp phần kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện và bảo vệ môi trường.
Hiện nay, chất thải y tế bao gồm chất thải y tế thông thường và chất thải y tế nguy hại. Trong đó, chất thải y tế thông thường chiếm khoảng 80-90%, chỉ khoảng 10-20% là chất thải y tế nguy hại bao gồm chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm. Tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đa số đang sử dụng lò đốt để xử lý chất thải y tế nguy hại. Quá trình tiêu hủy chất thải y tế bằng công nghệ đốt bộc lộ nhiều nhược điểm, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường. Các lò đốt này đã sử dụng lâu năm, thường xuyên hư hỏng nên cần được nâng cấp, sửa chữa, thay thế mới lò đốt hoặc thiết bị xử lý rác thải y tế lây nhiễm có công nghệ thân thiện với môi trường. Trong đó, có 03 đơn vị gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý rác thải y tế đó là Trung tâm Y tế huyện Đắk Song, Cư Jut và Tuy Đức. Nguyên nhân, do hệ thống xử lý rác thải y tế hoàn toàn hư hỏng, không sử dụng được, phải đưa đi nơi khác để xử lý dẫn đến tốn nhiều chi phí và không đảm bảo trong quá trình vận chuyển. Do đó, các cơ sở y tế rất cần thiết bổ sung máy xử lý chất thải y tế lây nhiễm, góp phần giảm thiểu lây nhiễm, phòng chống dịch bệnh, giảm tỷ lệ chuyển tuyến trên, giảm gánh nặng cho đơn vị và người dân.
Nắm bắt được khó khăn của ngành Y tế tỉnh Đắk Nông, UNICEF đã thực hiện rà soát và đánh giá sơ bộ về việc phát sinh chất thải y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh và dự kiến hỗ trợ, đầu tư máy xử lý rác. Theo đó, phi Dự án tiếp nhận máy xử lý chất thải y tế lây nhiễm cho một số cơ sở y tế tỉnh Đắk Nông do UNICEF tài trợ sẽ triển khai tại Trung tâm Y tế Tuy Đức và Đăk Song vào tháng 12/2024. UNICEF sẽ tài trợ cho 2 đơn vị máy xử lý chất thải lây nhiễm SteriplusTM40 với kinh phí hỗ trợ gần 5 tỷ đồng. Đây là máy xử lý chất thải y tế lây nhiễm có thể dành cho tất cả các cơ sở chăm sóc sức khỏe, bao gồm bệnh viện, phòng khám, trung tâm chạy thận nhân tạo, phòng xét nghiệm, trung tâm tiêm chủng và cơ sở thu gom chất thải. Thiết bị có thể xử lý tất cả các loại chất thải y tế, bao gồm chất rắn, chất lỏng, vật sắc nhọn, dụng cụ kim loại, lọ vắc-xin đã hết hạn và đã qua sử dụng, các bộ phận cơ thể nhỏ và các mẫu nuôi cấy mà không cần phân loại trước. Máy xử lý chất thải y tế giúp tiêu diệt các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi rút, và nấm mốc, từ đó giảm nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế và bệnh nhân. Bên cạnh đó, máy cũng góp phần giảm thiểu nguy cơ rủi ro tiếp xúc với chất thải y tế nguy hiểm, và tuân thủ theo quy định về vệ sinh môi trường.
Máy xử lý chất thải y tế (SteriplusTM 40) áp dụng công nghệ hấp tiệt trùng kèm nghiền cắt nhỏ tiết kiệm điện năng và tiêu thụ ít hơn 1 lít nước khi vận hành vì vậy không đòi hỏi chuẩn bị mặt bằng để cấp nước hoặc thoát nước. Chất thải được tạo ra khô và dễ xử lý hơn sau khi chu trình xử lý hoàn tất. Chất thải sau khi xử lý có thể tái chế thậm chí có thể bán lại để xây dựng hoặc tái chế. Máy không đòi hỏi phải cung cấp vật tư tiêu hao như túi gom rác thải do đó các bệnh viện có thể sử dụng các túi đựng sẵn có cho việc gom rác thải y tế, góp phần tiết kiệm chị phí. Máy phù hợp với bệnh viện tuyến huyện có số giường bệnh nhân dưới 200 giường.
UNICEF tài trợ máy xử lý chất thải y tế lây nhiễm sẽ góp phần bổ sung cho các đơn vị thụ hưởng thiết bị thiết yếu phục vụ cho hoạt động xử lý chất thải y tế, tăng cường cho công tác kiểm soát an toàn nhiễm khuẩn tại bệnh viện. Đồng thời, tăng cường năng lực cho cơ sở y tế, tăng uy tín và tạo niềm tin của người dân khi đến khám chữa bệnh, góp phần phát triển các bệnh viện, trung tâm y tế. Tạo tiền đề thuận lợi cho việc vận động kinh phí về quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế trong tương lai./.