A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành y tế tích cực thực hiện công tác chuyển đổi số

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số đã có tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của ngành y tế trên địa bàn tỉnh. Ở từng cơ sở y tế, công tác chuyển đổi số đã được ứng dụng phù hợp với thực tiễn từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiều giải pháp, cách làm mới đã và đang được các đơn vị triển khai thực hiện nhằm hưởng ứng chương trình chuyển đổi số y tế quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Năm 2024, ngành y tế tỉnh Đắk Nông xác định cải cách hành chính và chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt. Trong đó, chuyển đổi số là nhiệm vụ hàng đầu, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ cũng như hiệu quả công tác quản lý của ngành. Các đơn vị y tế trong toàn tỉnh đã tích cực triển khai, đưa ra nhiều giải pháp trong chuyển đổi số nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng khám chữa bệnh.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, chủ trương chuyển đổi số đã được đơn vị triển khai. Theo đó, bệnh viện ứng dụng công nghệ số vào công tác chăm sóc sức khỏe người dân phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bác sĩ CKI Bùi Chí Trung - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh  cho biết thêm: “Để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, các hoạt động của bệnh viện đã gắn liền với việc chuyển đổi số. Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã triển khai hệ thống chữ ký số cho đội ngũ bác sĩ, tạo điều kiện cho bác sĩ làm việc nhanh, gọn và tiện lợi hơn, đồng thời góp phần hoàn thiện vào đề án chuyên đổi số của tỉnh, của quốc gia”.

Việc kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước, tích hợp thông tin về thẻ BHYT vào căn cước công dân đã giúp người dân thuận lợi hơn khi tham gia khám, chữa bệnh. Bệnh viện cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện. Nhờ vậy, mọi thủ tục, giấy tờ bệnh án của bệnh nhân cơ bản được tích hợp trên môi trường mạng. Bệnh án điện tử và chữ ký số bước đầu được triển khai và mang lại những hiệu quả tích cực.

Bác sĩ Vũ Thị Nhịn – Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: “Trong thời gian qua, việc triển khai công nghệ số đã đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực đối với bệnh nhân. Nhờ đó trong quá trình thăm khám, người bệnh không phải đem nhiều giấy tờ thủ tục liên quan đến chẩn đoán, xét nghiệm, kết quả cận lâm sàng. Các kết quả này đã được lưu trên máy giúp cho việc tra cứu lại rất thuận tiện cho cả bệnh nhân và y bác sĩ”.   

Anh Bùi Công Đạt - xã Quảng Thành - TP Gia Nghĩa cho biết: “Trước đây nếu mất giấy tờ, bệnh nhân chúng tôi cần phải thực hiện lại các quá trình thăm khám theo chỉ định của bác sĩ. Hiện nay, khi bệnh viện thực hiện chuyển đổi số, các dữ liệu đã được lưu trữ trên máy tính nên rất thuận lợi cho bệnh nhân”.

Tại Khoa Phục hồi chức năng - Y học cổ truyền, hiện đang là một trong những chuyên khoa có thế mạnh của Trung tâm y tế huyện Đắk R’lấp. Những năm qua, đội ngũ cán bộ y bác sĩ của đơn vị đã không ngừng nâng cao năng lực và tay nghề để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Việc ứng dụng công nghệ số đã được triển khai khi khoa kết nối trực tuyến với các đơn vị đầu ngành về phục hồi chức năng trên toàn quốc. Qua những lần hội chẩn và trao đổi kinh nghiệm đã giúp cho cán bộ y bác sĩ đơn vị học hỏi được nhiều hơn kiến thức, đặc biệt là điều trị các ca bệnh khó về phục hồi chức năng. Bs, Đào Kim Nghiệp PGĐ - Trung tâm Y tế Đắk R’lấp cho biết: “Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp  kết nối với tuyến trên để tham gia tập huấn trực tuyến rất tiện lợi. Và cũng nhờ chuyển đổi số mà chúng tôi có thể học hỏi và trao đổi với các Bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực qua các phần mềm gọi điện trực tuyến. Thông qua đó, chúng tôi đã trao dồi, học hỏi thêm về các bệnh lý khó trong phục hồi chức năng”.  

Chuyển đổi số đã được các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tập trung vào hầu hết các lĩnh vực hoạt động, dịch vụ, hình thành nền y tế thông minh với 3 nội dung chính gồm: phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản lý y tế thông minh. Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực và kết nối với các ngành chức năng để phục vụ cho công tác chuyển đổi số đã được ngành y tế chú trọng thực hiện trong nhiều năm qua. Nhiều công nghệ mới đã được áp dụng vào khám chữa bệnh, hệ thống quản lý cơ sở y tế và quản lí bệnh nhân được thực hiện trên nền tảng công nghệ số. Các đơn vị đã và đang tập trung nhiều giải pháp để ứng dụng công nghệ số mang lại hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Chuyển đổi số đã tác động trực tiếp đến các đối tượng và các dịch vụ cung cấp của ngành y tế, thay đổi cách tiếp nhận các dịch vụ y tế truyền thống sang các dịch vụ y tế số mà nền tảng là dữ liệu số. Hiện nay, ngành y tế tỉnh đã và đang tập trung nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ. Trong đó tiếp tục đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống thông tin điện tử trong toàn ngành, đặc biết là các công nghệ thông tin đối với y tế cơ sở để phục vụ cho công tác quản lý cũng như giám sát dịch bệnh tại cộng đồng. Triển khai hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điển tử của người dân trên toàn tỉnh, để thực hiện công tác quản lý sức khỏe người dân cũng như việc thực hiện khám chữa bệnh từ xa, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận những thông tin, các dịch vụ của ngành y tế để quản lý sức khỏe người dân và triển khai khám chữa bệnh cho người dân tốt hơn./.


Tác giả: Quốc Khánh

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website