Hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2022
Sáng ngày 20/1/2022, Bô Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác y tế năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2022. Tại điểm cầu Trung ương có sự tham dự của các đồng chí Lãnh đạo Chính Phủ, Văn phòng Chính Phủ, văn phòng Quốc Hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí là thành viên Ban chỉ đao quốc gia phòng, chống dịch Covid - 19; các đồng chí lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương.
Tại điểm cầu Đăk Nông, có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, các đồng chí là thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid – 19 tỉnh, thành phố, cùng lãnh đạo các khoa phòng chức năng Sở Y tế, các đơn vị trực thuộc sở y tế. Bà Mai Thị Xuân Trung - Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - TUV - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người tỉnh; bác sĩ Trần Quang Hào - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế đồng chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Đăk Nông
Trong năm 2021, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, hệ thống y tế Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự hỗ trợ của khối đại đoàn kết dân tộc đã hoạt động vượt mức giới hạn, vừa thực hiện các hoạt động mang tính cấp bách trong phòng chống dịch, vừa thực hiện và nghiên cứu hoàn thiện các chiến lược đổi mới trung và dài hạn của Ngành y tế.
Tính đến ngày 31/12/2021, Việt Nam ghi nhận 1.731.257 trường hợp mắc, 32.394 trường hợp tử vong do Covid-19. Cả nước đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch. ở mỗi đợt dịch có quy mô và mức độ lây nhiễm phức tạp hơn. Việt Nam có số ca mắc Covid-19 xếp thứ 144/223 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, xếp thứ 09/11 quốc gia thuộc khu vực ASEAN. Số ca tử vong xếp thứ 131/223 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tỉ lệ tử vong/ số ca mắc là 1,9%, xếp thứ 58/223 quốc gia, vùng lãnh thổ, 03/11 quốc gia thuộc khu vực ASEAN. Hiện nay Việt Nam đã ghi nhận 108 ca nhiễm biến thể Omicron. Nguy cơ biến thể này lây lan trên diện rộng là rất cao. Trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố có thể sẽ còn tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng do biến chủng Omicron và thậm chí sẽ có những biến thể mới.
Để góp phần kiểm soát, thích ứng với tình hình dịch bệnh, Việt Nam đã tổ chức chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử với phương châm nhanh nhất và an toàn nhất. Tính đến ngày 31/12/2021, Việt Nam đã tiếp cận và có hợp đồng mua, cam kết viện trợ và tài trợ là hoen 227,4 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Hiện tại đã tiếp nhận hơn 192 triệu liều. việc tiếp nhận, phân bổ vắc xin được thực hiện công khai, minh bạch, phù hợp với diễn biến dịch bệnh. tính đến ngày 13/01/2022, cả nước đã thực hiện tiêm hơn 164,5 triệu liều vắc xin; trong đó tiêm mũi 1 là 78,4 triệu liều, mũi 2 là 71,7 triệu liều và mũi 3 là 14,3 triệu liều. Tỉ lệ bao phủ mũi 1 cho người đủ từ 18 tuổi trở lên đạt 100%, tỉ lệ tiêm đủ mũi 2 đạt 93,4% và tỉ lệ tiên nhắc lại đạt 13,1%. Theo đánh giá của tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam hiện có tỉ lệ bao phủ vắc xin đứng hàng đầu thế giới. Dự kiến đến hết quý I năm 2022, Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm chủng bao phủ mũi 3 và thực hiện tích cực việc tiêm chủng cho trẻ em từ 5-12 tuổi.
Trong năm 2021, Ngành y tế cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021. Bên cạnh việc phòng, chống dịch Covid-19, ngành Y tế cũng tập trung phòng, chống các dịch bệnh khác, không để xảy ra tình trạng “dịch chồng dịch”. Tập trung tăng cường năng lực y tế cơ sở, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ kép, thực hiện các chính sách nhằm thích nghi với giai đoạn bình thường mới.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Bộ, Ngành, địa phương đã trình bày báo cáo tham luận về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, về công tác tiêm chủng và công tác y tế năm 2021, phương hướng nhiệm vụ trong năm 2022.
Nhận định trong thời gian tới, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện các biến chủng mới phức tạp hơn, khó lường hơn. Trong năm 2022, Ngành Y tế xác định tiếp tục ưu tiên công tác phòng, chống dịch Covid-19; tập trung hoàn thiện thể chế, thực hiện hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo trong công tác y tế; nâng cao năng lực y tế cơ sở và chất lượng khác chữa bệnh, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn năng lực y tế và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của ngành y tế trong việc khống chế, đẩy lùi đại dịch Covid-19, góp phần ổn định xã hội, sớm đưa Việt Nam bước sang giai đoạn bình thường mới, thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả với Covid-19. Thủ tướng mong muốn trong thời gian tới, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Việt Nam sẽ phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và tinh thần tự lực, tự cường, huy động hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước, tăng cường hợp tác và tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa ổn định xã hội, phát triển kinh tế. Thủ Tướng chính phủ cũng đề nghị Bộ Y tế có những chính sách, giải phát quyết liệt hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh, nhằm đảm bảo công tác chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đồng thời tranh thủ đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2022./.