Hơn 100 quốc gia ghi nhận ca bệnh Đậu mùa khỉ
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến ngày 13/10/2024, có thêm 16 quốc gia có ca mắc Đậu mùa khỉ, nâng tổng số nước trên thế giới xuất hiện ca bệnh lên hơn 100 quốc gia. Hai quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất gồm Cộng hòa Congo (hơn 6.000 ca bệnh với 25 ca tử vong); Burundi (hơn 980 ca nhiễm). Tại Việt Nam, ca đậu mùa khỉ đầu tiên được phát hiện vào tháng 10/2022. Theo báo cáo của Viện Pasteur, đến nay Việt Nam đã có 202 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 8 ca tử vong, tập trung chủ yếu ở khu vực phía nam.
Bệnh đậu mùa khỉ lây qua tiếp xúc, giọt bắn, quan hệ tình dục, lây từ mẹ sang con. Đậu mùa khỉ (monkey pox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con. Bệnh có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong.
Bệnh được chia thành 3 thể:
Thể không triệu chứng: Người nhiễm virus đậu mùa khỉ không có bất kể triệu chứng lâm sàng nào.
Thể nhẹ: Các triệu chứng thường hết sau 2 đến 4 tuần mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị đặc hiệu nào.
Thể nặng: Thường gặp trên nhóm đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch,...), có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh. Người bệnh có thể gặp tình trạng nhiễm khuẩn da, với các biểu hiện sốt kéo dài, nốt phỏng có dịch đục hoặc nốt phỏng bị vỡ chảy dịch đục.
Một số trường hợp có thể bị viêm phổi (ho, tức ngực, khó thở), viêm não (ý thức suy giảm, co giật, lú lẫn, hôn mê), nhiễm khuẩn huyết (sốt kéo dài, tổn thương đa phủ tạng).
Điều trị bệnh đậu mùa khỉ
Người có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ nên thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị. Trong trường hợp bệnh nhân được phép chữa trị đậu mùa khỉ tại nhà theo phác đồ điều trị của bác sĩ, cần tuân thủ nghiêm ngặt những điều sau: Chăm sóc và bảo vệ những vùng bị tổn thương để bóng nước tự vỡ, tự xẹp, tự khô. Nên cách ly tại phòng riêng, tránh tiếp xúc với người thân trong gia đình; Sử dụng phòng tắm riêng và vệ sinh sau mỗi lần sử dụng; Làm sạch các bề mặt thường xuyên chạm vào với xà phòng hoặc chất khử khuẩn gia dụng. Tránh quét hoặc hút bụi vì có thể làm lây lan virus, khiến người khác bị nhiễm bệnh; Sử dụng vật dụng riêng như khăn tắm, jap giường, đồ điện tử; Tự giặt giũ quần áo, khăn mặt,…; Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, dung dịch rửa tay có cồn.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh đậu mùa khỉ. Tiêm vắc xin đậu mùa có thể phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên hiệu quả vắc xin đậu mùa giảm dần theo thời gian. Cách điều trị bệnh đậu mùa khỉ tùy thuộc vào tình trạng bệnh và thể trạng của từng bệnh nhân. Khi phát hiện triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ, người dân nên báo ngay cho các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng phác đồ, tránh nguy cơ lây lan và bùng phát thành đại dịch./.