A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình trên địa bàn tỉnh Đăk Nông hiện nay

Trên cơ sở Đề án bác sĩ gia đình (BSGĐ) giai đoạn 2013 - 2020 theo Quyết định số 935/QĐ-BYT ngày 09/1/2013 của Bộ Y tế, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 483/QĐ-UBND ngày 06/4/2018 phê duyệt Kế hoạch xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2018 – 2020; Kế hoạch số 571/KH-UBND về việc Nâng cao năng lực y tế cơ sở trong tình hình mới gắn liền với phát triển công tác khám, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình (YHGĐ) trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đến năm 2025. Đến nay, công tác khám chữa bệnh theo nguyên lý YHGĐ trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Huynh – Phó Giám đốc Sở Y tế trao đổi cùng phóng
viên.

Những kết quả đạt được

Nhất quán quan điểm, phát triển khám, chữa bệnh theo nguyên lý YHGĐ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho mạng lưới y tế cơ sở, thời gian qua, ngành y tế đã đầu tư nâng cấp, cải tạo trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện, trạm y tế xã (TYT), mua sắm các trang thiết bị y tế (TTBYT). Các cơ sở khám, chữa bệnh được đầu tư TTBYT hiện đại, triển khai các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu, đảm bảo cơ bản nhiệm vụ khám chữa bệnh theo phân tuyến, từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Thông qua Dự án Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế (HPET), Dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên” (ADB) giai đoạn 2… nhân lực y tế được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản đáp ứng triển khai thực hiện công tác khám, chữa bệnh theo nguyên lý YHGĐ. Cụ thể, có 88 bác sĩ, 89 y sĩ, 76 dược sĩ, 113 nữ hộ sinh, 146 điều dưỡng đã tham gia các khóa đào tạo định hướng YHGĐ, 15 bác sĩ chuyên khoa I về bác sĩ gia đình, 78 cán bộ là trưởng/phó trạm y tế được đào tạo kỹ năng quản lý…

Đến nay, toàn tỉnh có 100% TYT có bác sĩ đã được đào tạo định hướng về YHGĐ; 15/71 TYT có Bs.CK1 về YHGĐ; 100% viên chức TYT xã đã được đào tạo và cấp phép hành nghề về YHGĐ; 100% TYT xã đảm bảo điều kiện cấp phép hành nghề khám, chữa bệnh theo nguyên lý YHGĐ. 100% thôn, bon, tổ dân phố có nhân viên y tế thôn/ bon hoạt động; trên 85% nhân viên y tế thôn/bon được đào tạo ở trình độ sơ cấp theo quy định của Bộ Y tế. 100% TYT cơ bản đảm bảo về nhân lực để triển khai mô hình TYT hoạt động theo nguyên lý YHGĐ.

 100% các TTYT đã sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện (VNPT-HIS; Hopspitech…) quản lý hoạt động khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế;  50% các cơ sở khám chữa bệnh triển khai thực hiện cập nhật thông tin dữ liệu vào hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử. 100% các TYT trên địa bàn tỉnh sử dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh và phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử. Các TYT đảm bảo cập nhật, trích xuất dữ liệu khám, chữa bệnh về cổng dữ liệu của Bộ Y tế, duy trì hoạt động liên thông và thanh toán dữ liệu điện tử trên Cổng giám định bảo hiểm xã hội Việt Nam…

Bác sĩ Huỳnh Thanh Huynh – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Sở y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là các Trạm y tế xã tăng cường quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng theo Hướng dẫn 831của Bộ Y tế về việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân. Đồng thời triển khai đề án Nâng cao chất lượng y tế cơ sở gắn với YHGĐ và quản lý các bệnh không lây nhiễm. Đến nay, các nội dung liên quan khám sàng lọc, quản lý bệnh mãn tính tại tuyến xã bước đầu tiến hành khá hiệu quả, có lộ trình, giải pháp, cập nhật đầy đủ thông tin trên hồ sơ sức khỏe điện tử. Một số bệnh mãn tính như bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý về tim, phổi, tâm thần… được quản lý, điều trị theo nguyên lý YHGĐ. Bên cạnh đó, Ngành y tế cũng phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, các hội nghề nghiệp nhằm tăng cường tuyên truyền về các nội dung liên quan đến công tác khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình trên địa bàn tỉnh Đăk Nông hiện nay.

Một số vấn đề còn tồn tại

Công tác khám, chữa bệnh theo nguyên lý YHGĐ trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn vẫn bộc lộ một số tồn tại, bất cập.

Hồ sơ sức khỏe điện tử là một cấu phần quan trọng để phát triển công tác khám, chữa bệnh theo nguyên lý YHGĐ. Tuy nhiên, việc tạo lập, cập nhật phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn tỉnh còn nhiều vướng mắc như: hạ tầng công nghệ thông tin ở một số trạm y tế chưa đáp ứng được yêu cầu; việc cập nhật số liệu dân số chưa đầy đủ, chính xác; việc tích hợp, đồng bộ cơ sở dữ liệu gặp nhiều khó khăn; việc cập nhật, hoàn chỉnh thông tin hồ sơ sức khỏe cá nhân chưa được tiến hành thường xuyên, số lượng hồ sơ sức khỏe cá nhân được tạo lập còn thấp; lãnh đạo một số đơn vị chưa quyết tâm trong công tác chỉ đạo, triển khai việc thu thập và tạo hồ sơ sức khỏe cá nhân; việc liên thông phần mềm quản lý khám, chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến tuyến xã chưa được thực hiện nên việc cập nhật thông tin dữ liệu cá nhân vào Hồ sơ sức khỏe điện tử còn nhiều bất cập…

Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 vừa qua đã gây ảnh hưởng lớn đến nhiều hoạt động y tế - xã hội. Trong đó có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đồng bộ hóa dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân. Công tác truyền thông, phổ biến các nội dung, hoạt động y tế cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.

Thực tiễn công tác khám, chữa bệnh theo nguyên lý YHGĐ hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn gặp phải những hạn chế như: thiếu kinh phí trong triển khai thực hiện khám sàng lọc, thu thập dữ liệu đối tượng mắc các bệnh mãn tính; chưa có cơ chế tài chính dành cho việc thanh toán bảo hiểm y tế đối với mô hình bác sĩ gia đình; kinh phí thực hiện việc nhập liệu, quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử… Ngoài ra, quy trình, cách thức quản lý, điều trị người bệnh vẫn chưa được xác định cụ thể, thống nhất.

Những khó khăn, vướng mắc nêu trên đã và đang trở thành những lực cản cho việc triển khai công tác khám, chữa bệnh theo nguyên lý YHGĐ trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.

  Một số giải pháp cơ bản

Trước thực trạng trên, ngành y tế đã đưa ra một số giải pháp cơ bản nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho mạng lưới y tế ở sở, góp phần phát triển công tác khám chữa bệnh theo nguyên lý YHGĐ trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.

Theo đó, trong giai đoạn 2023-2025, ngành y tế hướng đến tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao sức khỏe nhân dân. Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến nhận thức của các tầng lớp nhân dân, tạo sự chuyển biến về ý thức tự chăm sóc sức khỏe, thói quen khám, chữa bệnh. Qua đó đánh giá đúng về vị trí, vai trò của hệ thống y tế cơ sở, bác sĩ gia đình trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.

 Bên cạnh đó, Ngành y tế không ngừng củng cố, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, gắn với phát triển công tác khám, chữa bệnh theo nguyên lý YHGĐ; triển khai thành lập phòng khám bác sĩ gia đình tại một số Trung tâm Y tế; khuyến khích, đẩy mạnh phòng khám bác sỹ gia đình tại các cơ sở khám bệnh tư nhân; chú trọng thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho từng người dân. Đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế; tiếp tục tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng, có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ ở y tế cơ sở; duy trì và tăng cường các chương trình, đề án hợp tác y tế với các địa phương; chú trọng đào tạo, chuyển giao kỹ thuật...

Để đáp ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ, trong thời gian tới, ngành y tế tập trung tin học hóa hoạt động y tế cơ sở. Tiếp tục đồng bộ và kết nối hệ thống thông tin y tế; hoàn thiện bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử tại các cơ sở y tế.

   Để bảo đảm tài chính cho hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở đáp ứng  việc triển khai khám, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình trên địa bàn tỉnh, ngành y tế xây dựng và đề xuất cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế đối với phòng khám bác sĩ gia đình, hoạt động khám chữa bệnh theo NLYHGĐ. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân; tăng cường xã hội hóa và hợp tác công - tư trong lĩnh vực y tế phù hợp với từng đơn vị nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động y tế. Ngoài ra, Ngành y tế cũng tổ chức thí điểm phương thức phân bổ ngân sách nhà nước, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế và các nguồn lực khác cho y tế cơ sở theo hướng dựa trên kết quả hoạt động và các chỉ tiêu đầu ra, làm cơ sở để đề xuất đổi mới phương thức phân bổ ngân sách nhà nước cho y tế cơ sở.

  Với những ý nghĩa thực tiễn mang lại, công tác khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình chính là giải pháp thiết thực góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở theo hướng toàn diện, liên tục./.


Tác giả: Thương Thương

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website