Đưa vào tiêm chủng vắc xin SII, tránh tình trạng thiếu hụt vắc xin 5 trong 1
Để tránh tình trạng thiếu vắc xin làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác Tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng đồng thời hai loại vắc xin Combe Five và vắc xin DPT-VGB-Hib (SII). Để hiểu rõ hơn về vắc xin SII, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Tôn Thị Kim Kiều – Phụ trách Chương trình Tiêm chủng mở rộng – Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đăk Nông.
PV: Thưa bác sĩ, gần đây chương trình tiêm chủng mở rộng đã đưa vắc xin Combe Five vào sử dụng thay thế vắc xin Quinvaxem vốn đã được áp dụng từ lâu. Đến nay tại các cơ sở y tế lại xuất hiện thêm loại vắc xin mới đang được sử dụng để tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ. Bác sĩ có thể nói rõ về vấn đề này?
BS Tôn Thị Kim Kiều: Năm 2018, Bộ Y tế đã quyết định sử dụng vắc xin Combe Five thay thế vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đây là loại vắc xin phối hợp “5 trong 1” do Ấn Độ sản xuất, phòng 05 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn Hib và viêm gan B, được Bộ Y tế nghiệm thu và cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Để chủ động nguồn cung ứng vắc xin, tránh tình trạng thiếu vắc xin trong tiêm chủng, Bộ Y tế đã khuyến khích thêm các nhà sản xuất khác đăng ký sản phẩm có thành phần DPT – VGB – Hib tương tự. Qua đánh giá, lựa chọn cho thấy vắc xin DPT – VGB – Hib do Viện huyết thanh Ấn Độ (SII) sản xuất với thành phần, lịch tiêm chủng và hiệu quả phòng bệnh tương đương như vắc xin Combe Five và Quinvaxem đã được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Vì vậy, Bộ Y tế đã cho phép sử dụng đồng thời 2 loại vắc xin DPT – VGB – Hib (5 trong 1) là vắc xin Combe Five và vắc xin DPT – VGB – Hib (SII) trong chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay. Việc sử dụng đồng thời hai vắc xin có thành phần tương tự trong tiêm chủng mở rộng sẽ đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu sử dụng vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, tránh thiếu vắc xin đặc biệt đối với những vắc xin nhập khẩu, cần nhiều thời gian để tiến hành các thủ tục mua và tuân thủ nghiêm ngặt việc kiểm định chất lượng vắc xin.
PV: Vắc xin (SII) có khác gì so với vắc xin Combe Five về thành phần, hiệu quả và tính an toàn hay không thưa bác sĩ?
BS Tôn Thị Kim Kiều: Vắc xin SII cũng có thành phần, hiệu quả tương tự như vắc xin Combe Five nhằm phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib (DPT – VGB – Hib). Thành phần của vắc xin SII bao gồm: Giải độc tố vi khuẩn bạch hầu, giải độc tố vi khuẩn uốn ván, vi khuẩn ho gà bất hoạt (hoàn tế bào), kháng nguyên vi rút viêm gan B và kháng nguyên vi khuẩn Haemophilus influenxae týp b (Hib). Vắc xin 5 trong 1 do SII sản xuất đã được cấp phép lưu hành và sử dụng tại Ấn Độ từ năm 2010, đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2010. Đến nay, vắc xin này đã được sử dụng trên 600 triệu liều tại 79 quốc gia, trong đó có Ấn Độ.
PV: Vậy việc triển khai sử dụng Vắc xin SII trên địa bàn hiện nay như thế nào, thưa bác sĩ?
BS Tôn Thị Kim Kiều: Trước khi đưa vắc xin SII vào sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã có văn bản chỉ đạo và hướng dẫn trung tâm Y tế các huyện/thị xã điều chuyển hoặc nhận vắc xin Combe Five từ các trạm Y tế còn dư qua các trạm Y tế cần bổ sung, để thống nhất chủng loại vắc xin trong đợt tiêm. Điều này để tránh trường hợp một điểm tiêm sử dụng đồng thời hai loại vắc xin sẽ ảnh hưởng đến quá trình giám sát, theo dõi, đánh giá hiệu quả của vắc xin. Theo đó, kể từ tháng 8/2019, chúng tôi đã cung cấp 3.885 liều vắc xin SII cho 28 trạm Y tế thực hiện tiêm chủng cho trẻ em tại địa bàn. Và với tinh thần đó, các Trung tâm Y tế sau khi rà soát, sắp xếp ổn định tình hình tiêm chủng tại các trạm thuộc địa phương mình sẽ tiến hành tiêm chủng song song hai loại vắc xin này.
PV: Việc đưa vắc xin SII vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã được triển khai trên địa bàn tỉnh ta. Vậy bà có đánh giá như thế nào về kết quả sử dụng loại vắc xin mới này?
BS Tôn Thị Kim Kiều: Sau 1 tháng triển khai tiêm vắc xin SII, trên địa bàn tỉnh Đăk Nông, chúng tôi vẫn chưa ghi nhận trường hợp trẻ bị phản ứng nặng sau khi tiêm vắc xin mới. Các phản ứng sau tiêm ghi nhận được chủ yếu là sốt mức độ nhẹ đến trung bình, không ghi nhận trường hợp nào tai biến nặng sau tiêm chủng. Theo đánh giá của cán bộ y tế tuyến cơ sở, tiêm vắc xin SII “êm” hơn vắc xin Combe Five. Đây cũng là dấu hiệu đáng mừng cho chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh ta, góp phần nâng cao tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt chỉ tiêu giao.
Vắc xin SII có thành phần ho gà toàn tế bào, phản ứng sau tiêm đối với vắc xin sẽ tương tự như vắc xin Combe Five hay Quinvaxem vì vậy để đảm bảo an toàn tiêm chủng, các địa phương cần tuân thủ công tác khám sàng lọc trước tiêm chủng. Tư vấn cho bà mẹ nhằm giúp các bà mẹ theo dõi phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm, các dấu hiệu bất thường về sức khỏe của trẻ để có hướng xử lý và đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.
Cảm ơn bác sĩ đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này./.
Ảnh minh họa từ internet