Kết quả bước đầu triển khai Đề án “Khám chữa bệnh từ xa”
Ngày 02/8/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 920/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2024-2025 định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Đến nay, Đề án đã dần khẳng định vai trò và đạt được một số kết quả đáng ghi nhân.
Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn tỉnh thực hiện các giải pháp về chuyển giao kỹ thuật, truyền thông, quản lý, giám sát các đơn vị khám, chữa bệnh thực hiện các nội dung theo Đề án. Phối hợp thực hiện các giải pháp về nguồn lực, thiết bị, phần mềm để triển khai Đề án đảm bảo hiệu quả. Theo đó, các đơn vị y tế đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “khám, chữa bệnh từ xa”; xây dựng Kế hoạch triển khai khám chữa bệnh từ xa ở tuyến cơ sở; từng bước hoàn thiện cơ bản hệ thống cơ sở vật chất, nhân lực để đáp ứng cho công tác triển khai khám chữa bệnh từ xa tại đơn vị.
Thông qua Đề án “khám chữa bệnh từ xa” các bệnh viện đã được tham gia các chương trình chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, đào tạo trực tuyến để cập nhật kiến thức mới trong công tác khám, chữa bệnh. Đề án đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và năng lực chuyên môn của y tế tuyến cơ sở, tạo sự công bằng trong nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân vùng sâu, vùng xa đều được tiếp cận với các phương pháp khám chữa bệnh hiện đại và thầy thuốc có trình độ chuyên môn cao.
Đề án “khám chữa bệnh từ xa” đã góp phần tạo sự liên thông trong hệ thống y tế, hỗ trợ tạo điều kiện cho việc thực hiện chuyển tuyến đúng về chuyên môn và an toàn người bệnh. Giảm chi phí khám, chữa bệnh cho người dân. Thực hiện biện pháp giảm tập trung đông người tại bệnh viện, giảm số lượng người dân phải đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hiện nay, Đề án đã triển khai các nội dung liên quan đến công tác hỗ trợ, tư vấn cho người bệnh. Việc kết nối với các bệnh viện tuyến trung ương qua hình thức trực tuyến trong chương trình hội thảo, hội chẩn, giúp các bác sĩ tiếp cận nhanh với các phác đồ cũng như kiến thức mới áp dụng hiệu quả trong công tác khám chữa bệnh.
Đến nay, Đề án đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Hiện đã có 03 cơ sở tuyến huyện tham gia kết nối mạng lưới khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến trên. BVĐK tỉnh và 04 TTYT huyện có phòng hội chẩn/khám chữa bệnh từ xa đạt chuẩn công nghệ thông tin. Toàn tỉnh đã tổ chức được 21 lớp tuyến tỉnh, 100 lớp tuyến huyện về đào tạo trực tuyến chuyển giao kỹ thuật từ xa cho 777 nhân viên y tế các tuyến. Ngoài ra, ngành Y tế đã tổ chức 61 buổi đào tạo trực tuyến theo các chuyên đề, 82 nhân viên y tế được đào tạo thực hành.
Đối với hoạt động hội chẩn, hỗ trợ chuyên môn từ xa, đến nay đã có 100 lượt cơ sở y tế tham dự chẩn đoán hình ảnh từ xa, 100 lượt cơ sở y tế tham dự Hội chẩn xét nghiệm từ xa (huyết học, truyền máu, vi sinh, hóa sinh, miễn dịch, giải phẫu bệnh,…) và 100 lượt cơ sở y tế tham dự hội chẩn tư vấn điều trị từ xa. Ngành Y tế cũng đã triển khai 20 đoàn công tác của bệnh viện tuyến trên thực hiện đánh giá, giám sát, hỗ trợ chuyên môn và có 68 cơ sở y tế tuyến dưới của địa phương được đánh giá, giám sát, hỗ trợ chuyên môn
Thời gian tới, để tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “khám chữa bệnh từ xa”, ngành Y tế sẽ tập trung quan tâm hơn nữa việc đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc trang thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn để đáp ứng nhu cầu khám và chữa bệnh của nhân dân. Thông qua nhiều kênh khác nhau, các đơn vị tổ chức truyền thông về năng lực, khả năng cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám, chữa bệnh, thuyết phục người dân tuân thủ các quy định khám bệnh, chữa bệnh theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế.