A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày Tránh thai Thế giới 26/9: Hãy lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để không mang thai ngoài ý muốn

Ngày Tránh thai Thế giới 26/9: Hãy lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để không mang thai ngoài ý muốn 25/09/2019 Kế hoạch hóa gia đình là việc thực hiện các biện pháp nhằm tránh có thai, tránh sinh con ngoài ý muốn. Tránh thai và chủ động tránh thai có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thực hiện tốt công tác kế hoạch hóa gia đình. Hướng đến Ngày Tránh thai Thế giới, phóng viên Trang thông tin điện tử Sở Y tế đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Lâm - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình để cùng quý độc giả làm rõ hơn về hoạt động này.

PV:  Xin chào ông! Cảm ơn ông đã nhận lời tham gia trao đổi cùng chúng tôi ngày hôm nay. Thưa ông, ngày 26/9 là Ngày Tránh thai Thế giới. Mặc dù ra đời đã lâu nhưng thực tế có ít người biết và hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa của ngày này. Ông có thể nói rõ hơn về sự kiện quan trọng này?

Ông Nguyễn Xuân Lâm: Vào những năm đầu thế kỷ 21, kết quả các cuộc khảo sát đa quốc gia về thăm dò thái độ của giới trẻ trong quan hệ tình dục tại châu Âu cho thấy mức độ đáng báo động về quan hệ tình dục không được bảo vệ cũng như kiến thức, hiểu biết về các biện pháp tránh thai còn thiếu hụt trong giới trẻ. Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục sức khỏe, giới tính trong hệ thống nhà trường không đủ để cung cấp thông tin một cách toàn diện về vấn đề này. Điều đó dẫn đến hàng năm có tới 1/3 trong số 205 triệu trường hợp mang thai trên thế giới là mang thai ngoài ý muốn; 36% độ tuổi vị thành niên cho biết có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ, trong khi tỷ lệ bệnh lây truyền qua đường tình dục cao nhất ở độ tuổi dưới 25... Trước tình hình đó, liên minh các tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội khoa học và y khoa quốc tế quan tâm đến sức khỏe giới tính và sinh sản đã thống nhất lấy ngày 26/9 hàng năm là Ngày tránh thai Thế giới và phát động lần đầu tiên vào ngày 26/9/2007 tại Châu Âu. Mục tiêu của Ngày tránh thai thế giới nhằm cải thiện nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên/thanh niên, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về tất cả các biện pháp tránh thai để giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt về sức khỏe giới tính và sinh sản.

Đến nay, Ngày tránh thai Thế giới 26/9 có ý nghĩa như một chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích tất cả mọi người đều có thể chủ động trong vấn đề mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.

PV: Ngày Tránh thai Thế giới có nguồn gốc xuất xứ và hàm chứa ý nghĩa vô cùng quan trọng, tác động đến công tác dân số nói riêng và sự phát triển của toàn xã hội nói chung. Hướng tới ngày này, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình sẽ có những họat động gì để phổ biến, phát huy và nâng cao ý nghĩa, mục đích mà chương trình đề ra.

Ông Nguyễn Xuân Lâm: Như mọi người đã  biết, Ngày Tránh thai Thế giới đã được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2007, tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều người chưa nắm hết nguồn gốc, ý nghĩa của ngày này. Vì vậy, chúng tôi có trách nhiệm quảng bá, giới thiệu rộng rãi thông tin, nội dung hoạt động này trong quần chúng nhân dân để từ đó từng bước biến nhận thức người dân thành hành động thiết thực nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống lâu bền. Ngay từ đầu tháng 9, chúng tôi đã cung cấp thông tin đầy đủ về nguồn gốc và ý nghĩa của Ngày tránh thai Thế giới cho các cấp ủy Đảng; Chính quyền, các Ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan liên quan thông qua việc soạn thảo, ban hành kế hoạch hoạt động; các văn bản chuyên môn. Bên cạnh đó, thông qua các cơ quan truyền thông, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền về Ngày tránh thai Thế giới đến mọi đối tượng trong xã hội nhằm cải thiện nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên (VTN), thanh niên (TN), phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về tất cả các biện pháp tránh thai để giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt về sức khỏe giới tính và sinh sản. Bên cạnh giới thiệu về Ngày Tránh thai thế giới, chúng tôi cũng tuyên truyền về lợi ích của việc tránh thai, nhu cầu sử dụng, khả năng đáp ứng các phương tiện tránh thai (PTTT), vấn đề xã hội hóa các PTTT tại Việt Nam, về sức khỏe sinh sản, phương pháp tránh thai an toàn... để nâng cao nhận thức và kiến thức về tránh thai chủ động và phá thai an toàn cho mọi đối tượng trong xã hội.

PV: Vâng, có thể nhận thấy những nỗ lực và tâm huyết mà ông cũng như tập thể ngành Dân số đã gửi gắm thông qua rất nhiều kế hoạch, chương trình hành động đề ra. Ông có thể nói rõ hơn về những hoạt động sẽ được triển khai?

Ông Nguyễn Xuân Lâm: Có rất nhiều hoạt động nhằm quảng bá, hưởng ứng và kỷ niệm Ngày Tránh thai Thế giới. Chúng tôi sẽ tổ chức biên tập, nhân bản các sản phẩm truyền thông, tư vấn như tài liệu, sách, tờ rơi, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, cẩm nang … về chăm sóc sức khỏe sinh sản/Kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ), phòng tránh thai, sau đó thông qua hệ thống y tế cơ sở sẽ phân phối, tuyên truyền để người dân tiếp cận và nắm bắt thông tin. Được sự giúp đỡ về chuyên môn của Tổng cục DS-KHHGĐ, sự phối hợp của các ban, ngành đoàn thể địa phương, chúng tôi cũng tổ chức các sự kiện truyền thông như hội thảo, hội thi, hội diễn, tọa đàm về CSSKSS/KHHGĐ, phòng tránh thai cho VTN/TN, nam, nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn, thông qua đó, thu hút sự tham gia và quan tâm của đông đảo quần chúng. Chúng tôi cũng tiến hành các lớp tập huấn cung cấp thông tin về tránh thai chủ động cho đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên Dân số, đồng thời lồng ghép công tác DS-KHHGĐ với các hoạt động truyền thông khác.

PV: Bản thân Ngày tránh thai Thế giới đã thể hiện rõ nội dung và tầm quan trọng của hành động “tránh thai”. Với những gì ông đã chia sẻ, chúng tôi hiểu “Tránh thai” là biện pháp quan trọng góp phần thực hiện thành công công tác kế hoạch hóa gia đình. Ông còn điều gì muốn nhắn nhủ thêm?

Ông Nguyễn Xuân Lâm: Tình trạng mang thai ngoài ý muốn không chỉ ở các bạn trẻ chưa lập gia đình mà còn xảy ra rất nhiều ở những cặp vợ chồng chưa có kế hoạch tốt. Việc mang thai ngoài ý muốn dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe  và cuộc sống của người phụ nữ. Vì vậy, phụ nữ có biện pháp tránh thai an toàn để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình, chủ động trong việc sinh con, để nuôi con khỏe, dạy con ngoan và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Việc phòng tránh thai hiệu quả, an toàn mang lại rất nhiều lợi ích: Giúp người phụ nữ chủ động trong việc sinh con; tránh được những tai biến sản khoa và bệnh lây truyền qua đường tình dục, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay, mỗi phút có 38 ca phá thai không an toàn, cứ 8 phút lại có 1 ca chết mẹ do phá thai không an toàn. Theo đó, hàng năm có khoảng 85 triệu ca có thai ngoài ý muốn, trong đó có 42 triệu ca kết thúc bằng phá thai; 20 - 22 triệu ca phá thai không an toàn; có tới 47.000 ca tử vong mẹ là do phá thai không an toàn (chiếm 13%). Vì vậy, tôi mong muốn mọi người hiểu và luôn chủ động thực hiện tránh thai vì mục tiêu phát triển đất nước, con người Việt Nam, cũng giống như một trong những chủ đề Ngày Tránh thai Thế giới năm nay: “Hãy lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để không mang thai ngoài ý muốn”.

PV: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ với chúng tôi về những thông tin hữu ích này, nhân kỷ niệm Ngày Tránh thai Thế giới 26/9. Xin chúc ông sức khỏe và công tác tốt!

Chung tay vì sức khỏe sinh sản phụ nữ - một trong những hội thảo hướng dẫn các biện pháp tránh thai an toàn do Chi cục DSKHHGĐ tổ chức


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website