A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát hiện và điều trị trầm cảm & động kinh để giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội

Phát hiện và điều trị trầm cảm & động kinh để giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội 17/10/2019 Trầm cảm và động kinh là hai trong số nhiều dạng bệnh tâm thần thường gặp. Xã hội càng phát triển, số người mắc các dạng bệnh tâm thần càng tăng. Người mắc bệnh sẽ bị hạn chế cả về mọi mặt, từ hành vi, năng lực đến tinh thần. Việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời bệnh nhân tâm thần nói chung, trầm cảm và động kinh nói riêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp bệnh nhân ổn định về sức khỏe tinh thần, đồng thời giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay Việt Nam có khoảng trên 3 triệu người bị rối loạn trầm cảm, chiếm 4% dân số. Nguyên nhân của trầm cảm khá phức tạp, gây ra bởi nhiều yếu tố xã hội tác động đến tâm sinh lý. Bệnh thường xảy ra ở những người bị căng thẳng tâm lý sau khi gặp những vấn đề khó khăn trong cuộc sống như: mâu thuẫn gia đình, mất người thân, đổ vỡ quan hệ, thất nghiệp, thất bại trong cộng việc, học tập. Có 3 nhóm tuổi dễ mắc trầm cảm cao hơn hẳn các nhóm tuổi khác gồm: học sinh/thanh thiếu niên; phụ nữ trước và sau khi sinh; người cao tuổi. Trầm cảm là căn bệnh hoàn toàn có thể dự phòng được, thông qua việc tạo môi trường sống, học tập, làm việc lành mạnh và được quan tâm chia sẻ.

          Bệnh động kinh là một bệnh mạn tính với những biểu hiện đặc trưng là các cơn co giật, co cứng, mất ý thức tạm thời. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường xuất hiện ở trẻ em từ sơ sinh cho đến 12 tuổi và người lớn trên 65 tuổi. Với một số dạng động kinh, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh vẫn có khả năng chữa khỏi, người bệnh có thể hồi phục và nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường. Động kinh chiếm tỷ lệ 0,4 - 0,5% dân số. Là một bệnh mạn tính có nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc trưng là sự lặp đi lặp lại các cơn co giật do sự gia tăng quá mức các xung điện giữa các tế bào thần kinh não bộ. Bệnh nhân bị động kinh cũng có khả năng bị trầm cảm, dẫn đến những hành vi tiêu cực.

Tại Đăk Nông, chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần luôn được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) chú trọng. Hiện, Trung tâm đang quản lý, điều trị 590 bệnh nhân trầm cảm và 1.200 bệnh nhân động kinh. Đặc biệt, vừa qua, tại Trạm Y tế phường Nghĩa Trung (thị xã Gia Nghĩa), Trung tâm KSBT phối hợp với Bệnh viện Tâm thần Trung ương II  tổ chức khám sàng lọc, phát hiện và điều trị bệnh nhân cho 2 bệnh trầm cảm và động kinh đã thu hút đông người dân đến khám và tư vấn. Trong 2 ngày 2-3/10, ước tính đã có gần 600 người dân đến khám, được tư vấn và nhận thuốc miễn phí điều trị bệnh trầm cảm và động kinh. Đối với đa phần người dân, bệnh trầm cảm vẫn là một căn bệnh khá xa lạ, mơ hồ. Mặc dù có những dấu hiệu như: mất ngủ, lo lắng, tim đập nhanh, đau vai gáy v.v... nhưng hầu như mọi người đều không nghĩ đến căn bệnh trầm cảm. Đến khi được bác sỹ ở BV Tâm thần TW II tư vấn thì người dân mới hiểu hơn về căn bệnh này.

          Không chỉ khám, sàng lọc, BV Tâm thần TW II còn triển khai mô hình "Xã điểm phòng chống bệnh trầm cảm và động kinh" tại Trạm Y tế phường Nghĩa Trung. Với mô hình này, bệnh nhân trầm cảm và động kinh trên địa bàn phường và các địa phương lân cận đến khám đều được lưu trữ bệnh án để theo dõi, quản lý và điều trị hoàn toàn miễn phí.

          Trầm cảm và động kinh là những bệnh mãn tính, cần được sớm phát hiện và điều trị. Để dự phòng và kiểm soát bệnh trầm cảm, động kinh, người dân cần có nhận thức đúng về hai căn bệnh này và tự giác đến cơ sở y tế để được khám tư vấn, điều trị kịp thời. Ngoài ra, các cơ sở y tế cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền để  người dân không kỳ thị, phân biệt đối xử với người mắc bệnh trầm cảm và động kinh; hỗ trợ, giúp đỡ, tạo môi trường cho người bệnh hòa nhập cộng đồng./.

 


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website