A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Bị chó dại cắn, 2 anh em cùng một gia đình thương vong

Từ thông báo của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Vùng Tây Nguyên, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đăk Mil đã tiến hành điều tra, xác minh ghi nhận 02 trường hợp bị chó dại cắn 4 tháng trước gây hậu quả 01 người bị nhiễm vi rút dại dẫn đến tử vong và 01 người bị phơi nhiễm vi rút dại. Điều đáng nói, sau khi bị chó cắn, nạn nhân đã không báo cho gia đình biết, để dẫn đến hậu quả đau lòng.

Điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại là biện pháp duy nhất phòng chống bệnh dại

Theo báo cáo của TTYT huyện Đăk Mil, vào lúc 22 giờ 50 phút ngày 27/04/2024, Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil nhận được thông báo của BVĐK Vùng Tây Nguyên về 01 trường hợp bị bệnh Dại tại Thôn Tân Bình, xã Đăk Săk, huyện Đắk Mil. Ngay lập tức TTYT huyện Đắk Mil đã phối hợp cùng với các đơn vị liên quan triển khai điều tra, xác minh thông tin.

Kết quả điều tra ghi nhận 02 trường hợp là anh em cùng một gia đình bị chó dại cắn dẫn đến 01 người bị nhiễm vi rút và 01 người bị phơi nhiễm vi rút dại. Con chó đã chết cách đây tầm 45 ngày, chủ không theo dõi được các dấu hiệu bất thường của chó trước khi chết.

Trường hợp bị nhiễm vi rút là cháu N.H.B.Q, sinh năm 2013, dân tộc Kinh. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, vào tháng 01/2024 bị con chó nhà hàng xóm cắn rách da chân trái gây một vết thương sâu, chảy nhiều máu. Khi bị chó cắn bệnh nhân đã tự xử trí, rửa vết thương dưới vòi nước chảy khoảng 10 phút và không được xử trí gì thêm.

Ngày 26/04/2024, bệnh nhân đi xe đạp thị bị trượt ngã, đau khớp háng và 2 đùi. Đến tối cùng ngày, bệnh nhân sốt cao 39°C, mức độ đau tăng dần, bí tiểu nên gia đình cho nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil. Kết quả siêu âm tại đây cho thấy bệnh nhân bị tràn dịch khớp háng và được chẩn đoán sốt chưa rõ nguyên nhân/tràn dịch khớp háng 2 bên. Đến ngày 27/04/2024, bệnh nhân được chuyển lên BVĐK Vùng Tây Nguyên với triệu chứng đau nhức chân, khó uống nước, sợ hãi. Tại đây bác sỹ BVĐK Vùng Tây Nguyên chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh Dại và tư vấn cho về nhà lúc 23 giờ cùng ngày. Đến ngày 30/4/2024, bệnh nhân tử vong.

Về trường hợp bị phơi nhiễm là N.H.B.Q, sinh năm 2017, là em gái của bệnh nhân N.H.B.Q. Cùng thời điểm tháng 01/2024, Q cũng bị chính con chó nhà hàng xóm nói trên cắn gây rách da chân. Bé được anh trai rửa vết thương dưới vòi nước nhưng không báo cho bố mẹ biết. Hiện tại bé N.H.B.Q tiếp xúc tốt, vết thương đã lành và không thấy dấu vết. Trung tâm Y tế Đăk Mil đã tiến hành các biện pháp giám sát, hướng dẫn người dân tiêm vắc xin phòng bệnh Dại theo quy định. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường thì đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khai báo và điều trị.

Trường hợp tử vong nói trên tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh nguy cơ mắc dại do bị chó, mèo cắn nhưng không tiến hành các biện pháp điều trị dự phòng kịp thời. Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm cho chó mèo theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo. Khi bị chó, mèo cắn cần: Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương; Kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị;

Hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo cắn./.


Tác giả: Hồ Long

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website