A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cẩn trọng với chó, mèo để phòng chống bệnh dại

Bệnh Dại là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra. Bệnh lây truyền sang người qua vết cắn, vết cào của động vật bị mắc bệnh dại như chó, mèo…  Hiện nay, trên thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dại. Người đã phát bệnh dại hầu hết đều tử vong. Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần tiêm vắc xin phòng dại cho thú nuôi trong nhà như chó, mèo; đặc biệt cẩn trọng khi tiếp xúc với chó, mèo, không để chó mèo cào, cắn. Nếu đã bị chó mèo cắn, cần nhanh chóng xử lý vết thương và đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông có 1.156 trường hợp bị chó, mèo cắn phải tiêm vắc xin phòng dại. Trong đó, 151 trường hợp có vết cắn nguy hiểm, phải tiêm huyết thanh kháng dại. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có 7 trường hợp tử vong do bị chó dại cắn, trong đó có 01 trẻ em dưới 15 tuổi. Trong 7 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 05 ổ dịch bệnh dại, ghi nhận 02 trường hợp tử vong do chó cắn.

          Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1947, trú tại thôn Nam Rạ, xã Đăk Nia, Tp. Gia Nghĩa. Năm nay đã 76 tuổi, bà Liên đã có một ký ức kinh hoàng khi bị một con chó không rõ chủ chạy vào sân và cắn xé bàn tay, gây rách mu bàn tay, đứt động mạch ở ngón tay. Bà được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh trong tình trạng mất máu, phần mu bàn tay bị xé nát, lộ cả xương, phải khâu hơn 20 mũi, tiêm huyết thanh kháng dại, vắc xin phòng dại và phải nằm viện điều trị hơn 1 tuần vết thương mới ổn định.

          Anh Nguyễn Minh L, sinh năm 1988, trú tại thôn 7, xã Quảng Khê, bị chó cắn khi đi giao hàng, dù vết thương nhỏ nhưng không chủ quan, anh vẫn đến phòng tiêm chủng dịch vụ thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để tiêm phòng vắc xin. Tại đây, anh được bác sỹ tư vấn đầy đủ về việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại, các mũi tiêm và thời gian tiêm. Được biết, anh L công tác tại Bưu điện huyện Đắk G'long. Công việc buộc anh phải đến nhiều nhà khách hàng để giao hàng. Và chỉ một chút lơ là, anh đã bị chó cắn.

          Đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp bị chó cắn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, cẩn trọng trong việc nuôi và tiếp xúc với chó, mèo để tránh những hậu quả đáng tiếc. Khi bị chó, mèo cào, cắn không nên chủ quan, cần đến ngay cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám, tư vấn và xử lý kịp thời. Được biết, toàn tỉnh ta có tổng đàn chó trên 61.600 con, trong đó chỉ có 19% được tiêm vắc xin phòng dại. Người dân vẫn giữ thói quen nuôi chó thả rông, không rọ mõm, không cột xích, dẫn đến không ít trường hợp để chó cắn người. Để chủ động phòng chống bệnh Dại, người dân cần cẩn trọng khi tiếp xúc với chó, mèo. Đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp: Tiêm phòng cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; vật nuôi phải được xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

Khi bị chó mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70°, bôi thuốc sát trùng, khử khuẩn. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Hạn chế làm dập vết thương, sau đó cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất đề được tư vấn và điều trị kịp thời. Hiện nay bệnh Dại vẫn chưa có thuốc đặc trị, chính vì vậy tiêm phòng được xem là biện pháp giúp ngăn ngừa bệnh dại hiệu quả. Người dân tuyệt đối không tự chữa tại nhà bằng thuốc lá, thuốc nam, bởi không những không mang lại hiệu quả điều trị mà còn khiến người bệnh mât đi cơ hội được cứu chữa./.

Chỉ một chút lơ là, chó có thể gây những vết thương kinh hoàng cho người.


Tác giả: Minh Nhạn

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website