Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đạt nhiều kết quả tích cực
Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em là một trong những nhiệm vụ quan trọng được ngành Y tế chú trọng triển khai thực hiện. Thời gian qua, cùng với sự phát triển của xã hội, ý thức của người dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ngày càng được nâng cao. Hầu hết phụ nữ khi mang thai đã đến các cơ sở y tế để khám thai định kỳ nhằm theo dõi sức khỏe của mẹ và sự phát triển của con.
Việc khám thai và kiểm tra sức khỏe của người mẹ có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi cũng như việc sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ và chăm sóc con sau này. Khám thai định kỳ sẽ giúp cho người mẹ cũng như bác sĩ biết được thai nhi có phát triển bình thường hay không, có nguy cơ bệnh tật xuất hiện trong thời kỳ hay không hoặc chế độ dinh dưỡng đã hợp lý hay chưa và cần bổ sung những khoáng chất gì…
Chị Phạm Thị Trang, nhà ở phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa đang mang thai bé thứ 2 cho biết: “Mang thai lần này tôi cảm thấy sức khỏe yếu hơn so với lần đầu nên tôi thường xuyên đến bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra, theo dõi thai kỳ. Mỗi lần khám tôi đều được bác sĩ kiểm tra sức khỏe bản thân và của thai nhi. Lần khám gần đây, tôi được cảnh báo huyết áp cao và tăng cân nhanh. Các y, bác sĩ đã tư vấn và hướng dẫn tôi điều chỉnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để cải thiện tình hình, đảm bảo sức khỏe cho mẹ và con”.
Hiện nay, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao. Sự hiểu biết và nhu cầu chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em của người dân nói riêng cũng ngày càng được quan tâm. Theo đó, ngành Y tế đã không ngừng nỗ lực, chú trọng triển khai nhiều hoạt động hướng đến đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân. Đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản, ngành Y tế đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chương trình có liên quan nhằm nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng thực hành đúng các biện pháp chăm sóc bà mẹ, chăm sóc trẻ em. Các trung tâm Y tế không ngừng đổi mới phương thức truyền thông phù hợp với từng hoạt động, từng địa phương như: tư vấn trực tiếp; thăm hộ gia đình; truyền thông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó, nhiều phụ nữ đã biết cách chăm sóc sức khỏe sinh sản bản thân, nuôi con khoa học, bảo đảm dinh dưỡng. Những thói quen cũ, thiếu khoa học như không khám thai tại cơ sở y tế trong quá trình mang thai, cho bé ăn dặm sớm, ăn quá nhiều chất, … đã dần được loại bỏ. Đặc biệt, ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân đã hiểu được sinh đẻ tại nhà không có cán bộ y tế đỡ đẻ là không khoa học và vô cùng nguy hiểm đối với cả mẹ và con. Cho con đi tiêm chủng đầy đủ theo đúng quy định là biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho trẻ.
Nhờ triển khai tốt các hoạt động tuyên truyền cũng như đẩy mạnh cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, những năm qua, các chỉ tiêu chuyên môn có liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản trên toàn địa bàn không ngừng được cải thiện, năm sau cao hơn năm trước. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trong 9 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai từ 4 lần trở lên đạt 61% (tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2023); tỷ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ có kỹ năng đỡ đẻ đạt 98,2% (tăng 0,3% so với cùng kỳ).
Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng không ngừng đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, chất lượng chăm sóc bà mẹ, trẻ em cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế từ tỉnh đến tuyến cơ sở. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tổ chức 03 buổi truyền thông, cung cấp kiến thức và thực hành tiếp xúc da kề da, nuôi con bằng sữa mẹ cho 100 phụ nữ mang thai, bà mẹ nuôi con nhỏ và người nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Tổ chức 03 lớp tập huấn cung cấp kiến thức và kỹ năng truyền thông cho 130 y tế thôn bản thuộc các xã khó khăn của huyện Cư Jut. Tổ chức đào tạo cho cán bộ y tế và triển khai thực hiện chương trình chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em; tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ y tế về khám sức khỏe định kỳ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi và chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo.
Đối với cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành Y tế cũng đã quan tâm đầu tư, đổi mới và đưa vào sử dụng có hiệu quả nhiều trang thiết bị hiện đại như: máy siêu âm 4D, máy Xquang, hệ thống kỹ thuật IUI, hệ thống sàng lọc trước sinh, sơ sinh, sinh hóa bán tự động, máy huyết học laser... Ngành Y tế đã tạo mọi điều kiện để phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tiến bộ, an toàn như: dự phòng và kiểm soát ung thư, nhiễm khuẩn đường sinh sản, loại trừ các bệnh lây truyền từ cha mẹ sang con./.