A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn đạt được một số kết quả nhất định

Trong thời gian qua, công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đã được các Sở, ban, ngành triển khai nhiều hoạt động và đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, về công tác chỉ đạo, UBND tỉnh ban hành công văn số 1823/UBND-KGVX, ngày 03/4/2024 về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại và công văn số 1627/UBND-NNTNMT ngày 27/3/2024 về việc tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật. Sở Y tế ban hành kế hoạch số 49/KH-SYT ngày 19/3/2024 về việc phòng, chống bệnh dại trên người tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2024 -2030 và một số văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh.

Khi bị chó, mèo cắn cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vắc xin/ huyết thanh phòng bệnh dại

Ngành Y tế đã phối hợp các ban, ngành, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác điều tra, giám sát, xác minh các trường hợp mắc vi rút dại và phơi nhiễm với vi rút dại, xử lý các ổ dịch bệnh dại tại cộng đồng theo quy định. Sở Y tế và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động điều tra, giám sát và xét nghiệm mẫu phát hiện bệnh dại.

Trong công tác phòng, chống bệnh dại, Sở Y tế thường xuyên quán triệt, tăng cường phòng, chống bệnh dại trong các cuộc họp, giao ban định kỳ, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức công tác giám sát thường xuyên và nhiều đợt kiểm tra tại các huyện, thành phố. Qua đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã phối hợp với trung tâm Y tế các huyện, thành phố điều tra, rà soát, thống kê và lập danh sách tất cả các trường hợp người bị hoặc nghi bị phơi nhiễm với vi rút dại nhằm tư vấn sớm và khuyến cáo việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm để kịp thời hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Đồng thời, ngành y tế cũng  đẩy mạnh công tác truyền thông tăng cường phòng, chống bệnh dại; tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống bệnh dại lồng ghép với các đợt điều tra, xác minh các trường hợp phơi nhiễm vi rút dại nhằm khuyến cáo người dân, hộ gia đình thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại; tuyên truyền cho những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi rút dại thực hiện điều trị dự phòng bằng vắc xin, huyết thanh kháng dại theo hướng dẫn của Bộ Y tế…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được công tác phòng, chống bệnh dại vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn và thách thức. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tính từ ngày 01/01/2024 đến ngày 30/4/2024, trên địa bàn tỉnh Đăk Nông có 15 trường hợp bị phơi nhiễm với vi rút dại và 01 trường hợp tử vong do bệnh dại. Cụ thể, huyện Đăk Mil 10 trường hợp phơi nhiễm với vi rút Dại, Đăk R’Lấp 02 trường hợp, Tuy Đức 02 trường hợp và Đăk Song 01 trường hợp. Trường hợp tử vong do bệnh dại là bệnh nhân N.H.B.Q, sinh năm 2013, có địa chỉ cư trú tại huyện Đăk Mil. Công tác tiêm phòng vắc xin phòng chống Dại tính từ ngày 01/1/2024 đến 30/3/2024, trên địa bàn tỉnh đã có 910 trường hợp tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Trong đó, nam tiêm vắc xin 516 người và nữ 394 người. Tỷ lệ các trường hợp do chó cắn 751 người, chiếm 82,5% và trường hợp do mèo cắn 140 trường hợp, chiếm 15,4%, những trường hợp do động vật khác cắn chiếm 2,1%.

Hoạt động tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên động vật trong năm 2023, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo còn thấp, chỉ đạt 64,2%. Địa phương có tỷ lệ tiêm vắc xin cho chó, mèo đạt cao nhất mới đạt 84,7% (Đăk Glong) và địa phương đạt thấp nhất chỉ có 41,2% (Tuy Đức). Năm 2024, chưa được triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh, chỉ một số địa phương triển khai tiêm nhưng đạt tỷ lệ chưa cao. Hiện nay do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết nắng nóng kéo dài là môi trường thuận lợi cho vi rút phát triển, nguy cơ cao bùng phát nhiều ca bệnh dại.

Trong thời gian tới, để chủ động phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh ngành Y tế tiếp tục giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp bị phơi nhiễm với vi rút dại; điều tra và xử lý các ổ dịch bệnh dại trên động vật và trên người theo quy định; duy trì và mở rộng các điểm tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho người tại các huyện/thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ;  đảm bảo cung ứng đủ vắc xin và huyết thanh để điều trị dự phòng cho người bị phơi nhiễm với bệnh dại trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ở khu vực có nguy cơ cao. Đồng thời, ngành Y tế cũng tiếp tục triển khai các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân để tích cực tham gia công tác phòng, chống bệnh dại tại cộng đồng; tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, các chính sách của nhà nước về phòng, chống bệnh dại; tham mưu cho UBND tỉnh trình hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ cho người bị phơi nhiễm với dại thuộc các đối tượng nguy cơ, dễ bị tổn thương như người nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi, cán bộ y tế làm công tác phòng, chống bệnh dại...

Ngành Y tế kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường rà soát và nâng tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo hằng năm đạt trên 70% tổng đàn. Đặc biệt, chú trọng nâng cao tỷ lệ tại các khu vực có chó, mèo dại và địa phương có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên tổng đàn chó, mèo năm 2023 đạt thấp; đẩy mạnh các biện pháp xây dựng vùng an toàn với bệnh dại ở quy mô cấp huyện, thành phố đảm bảo đúng tiến độ đề ra; phối hợp với cơ quan y tế tiến hành điều tra, giám sát lấy mẫu xét nghiệm dại trên động vật cắn người đến điều trị dự phòng dại tại các điểm tiêm chủng vắc xin nhằm kịp thời phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch dại./.


Tác giả: Nhật Nguyên

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website