Đăk Nông chủ động phòng chống bệnh dại
Hiện nay, tình hình bệnh Dại trên cả nước đang diễn biến ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng ca mắc. Cụ thể, năm 2023 cả nước ghi nhận 82 người chết vì mắc bệnh dại tại 30 tỉnh, thành phố (tăng 12 trường hợp so với năm 2022), nhiều nhất là tại các tỉnh Gia Lai, Bình Phước, Bến Tre, Nghệ An, Điện Biên. Năm 2024, tính từ ngày 01/01 đến ngày 26/2, cả nước đã ghi nhận 17 ổ dịch bệnh dại trên động vật với 18 ca tử vong trên người do bệnh dại ở 14 tỉnh, thành phố (tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, Đăk Lăk là tỉnh được thống kê có số ca tử vong do dại nhiều nhất với 04 ca tính đến ngày 26/2/2024.
Tại tỉnh Đăk Nông, theo báo cáo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh Đăk Nông đã ghi nhận 02 trường hợp tử vong do mắc bệnh dại. Trong năm 2024, từ 01/01 đến 11/3 trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ổ dịch hay trường hợp nào mắc bệnh dại. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Đăk Nông đang trong thời kỳ nắng nóng kéo dài nên có nguy cơ cao bùng phát nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là bệnh dại. Để phòng ngừa nguy cơ bùng phát bệnh dại dẫn đến tử vong do dại trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật.
Cụ thể, đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập tổ công tác kiểm tra, đôn đốc việc quản lý đàn chó; tổ chức tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo tại các địa phương; Phối hợp với UBND các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh từ cơ sở, giám sát công tác tiêm phòng Dại cho đàn chó, mèo; chuẩn bị đầy đủ vắc xin, vật tư hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Tiếp tục tăng cường lấy mẫu giám sát, tổ chức điều tra ca bệnh Dại nghi ngờ trên chó, mèo, đưa ra cảnh báo kịp thời cho cộng đồng và đề xuất biện pháp cấp bách tổ chức phòng, chống khi ổ bệnh Dại phát sinh. Chia sẻ thông tin, phối hợp với ngành Y tế điều tra, xử lý ổ dịch bệnh Dại khi có ca bệnh phát sinh.
Đối với Sở Y tế, cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động giám sát, phát hiện người có phơi nhiễm với bệnh Dại, thống kê, lập danh sách số đã tiêm và chưa tiêm theo hệ thống báo cáo dịch hàng ngày. Ngành Y tế chủ động phát hiện, điều tra và xử lý các ổ dịch Dại trên người; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y nắm bắt và cung cấp thông tin về tình hình chó, mèo mắc bệnh Dại trên địa bàn để có biện pháp xử lý kịp thời; Cung cấp đủ vắc xin, kháng huyết thanh để điều trị cho người bi phơi nhiễm với bệnh dại. Chỉ đạo các cơ sở y tế tích cực tư vấn cho người bị phơi nhiễm điều trị dự phòng kịp thời; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sử dụng các kỹ thuật y chưa được công nhận (bài thuốc đông y, thuốc cổ truyền, thuốc gia truyền) để khám và điều trị cho người mắc bệnh Dại hoặc người bị chó, mèo cắn, cào; cung cấp địa chỉ các điểm tiêm phòng vắc xin Dại cho người dân. Tăng cường hoạt động truyền thông trên hệ thống truyền thanh xã, các buổi họp sinh hoạt cộng đồng về sự nguy hiển của bệnh Dại và các biện pháp phòng bệnh; khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cắn cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, tiêm phòng Dại kịp thời, tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa tại nhà...
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học phối hợp với cơ quan y tế tại địa phương tổ chức chiến dịch tuyên truyền các thông tin về bệnh Dại và các biện pháp phòng, chống cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, cha mẹ học sinh; hướng dẫn học sinh truyền thông về phòng, chống bệnh Dại tới các thành viên khác trong gia đình và cộng đồng; giáo dục học sinh cần hạn chế tiếp xúc với vật nuôi (chó, mèo) nơi công cộng. Yêu cầu các cơ sở giáo dục, trường học không nuôi chó, mèo trong khuôn viên trường học, nếu nuôi phải tiêm phòng bệnh Dại định kỳ theo hướng dẫn của cơ quan thú y, phải nuôi nhốt không được thả rông, không cho học sinh tiếp xúc gần với vật nuôi. Báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y tại địa phương để xử lý khi con vật bị mắc bệnh dại, nghi ngờ bị mắc bệnh dại.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Đắk Nông phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại trên chó, mèo; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dại theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tuyên truyền các quy định về việc đăng ký, quản lý chó, mèo nuôi, tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi để nâng cao nhận thức của người dân, học sinh và cộng đồng trong việc phòng chống bệnh Dại.
UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch phòng chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2022-2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 481/QĐ-UBND ngày 07 tháng 3 năm 2022 và các văn bản chỉ đạo khác; Chỉ đạo UBND cấp xã rà soát, thống kê, lập danh sách số hộ nuôi chó, tổng đàn chó trên địa bàn; có sổ theo dõi của từng hộ gia đình nhằm quản lý và hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc xin Dại. Hướng dẫn, yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, xích, nhốt, đeo rọ mõm khi cho chó ra đường, nơi công cộng, vận động người dân chủ động tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo nuôi. Căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương để quyết định thành lập đội bắt chó, mèo thả rông, chó không đeo rọ mõm, nghi mắc bệnh Dại, cưỡng chế tiêm vắc xin Dại cho chó, mèo, đặc biệt tại các khu vực đô thị, nơi tập trung đông dân cư; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên hệ thống loa phát thanh của xã, phường để nâng cao nhận thức cho người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, các dấu hiệu nhận biết về động vật mắc bệnh Dại và các biện pháp phòng chống bệnh hiệu quả để người dân tự bảo vệ bản thân, bảo vệ cộng đồng và chủ động trong công tác phòng, chống, khai báo dịch bệnh. Khi phát hiện chó, mèo có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh hoặc chết do bệnh Dại cần báo ngay cho cơ quan Thú y gần nhất để được hướng dẫn theo dõi, xử lý theo quy định. ./.