A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đăk Nông hướng đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035

Thực hiện mục tiêu của Chương trình chống lao Quốc gia, đến năm 2035 cơ bản chấm dứt bệnh lao trên toàn quốc, trong tháng 3/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật triển khai kế hoạch khám sàng lọc lao và lao tiềm ẩn tại tại 18 xã, phường, thị trấn thuộc huyện Đăk Mil và thành phố Gia Nghĩa.

Truyền thông trước chiến dịch sàng lọc lao tại TTYT huyện Đăk Mil

Chương trình triển khai khám sàng lọc các đối tượng nghi ngờ mắc lao phổi, lao kháng thuốc, có các biểu hiện như: Ho kéo dài trên 2 tuần (bao gồm ho khan, ho có đờm, ho ra máu), gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi “trộm” ban đêm, đau ngực, đôi khi khó thở.

Tất cả người dân đến khám được phỏng vấn, tu vấn nâng cao hiểu biết về bệnh lao và Chụp X- Quang phổi. Sau khi có kết quả nghi ngờ mắc lao sẽ tiến hành lấy mẫu đờm xét nghiệm. Ngoài ra, người dân còn được lấy mẫu đờm xét nghiệm Gene Xpert nếu có dấu hiệu ho khạc đờm từ 2 tuần trở lên và thực hiện thử phản ứng lao tố (tiêm Muantuox dưới da) cho những trường hợp tiếp xúc hộ gia đình và mắc bệnh mãn tính; Đái tháo đường, COPD, Hen phế quản…

Cũng qua đợt khám, Trung tâm còn hướng dẫn cho nhân viên y tế tuyến xã các quy trình thao tác chuẩn về sàng lọc, quản lý điều trị, chăm sóc dinh dưỡng đối với bệnh nhân lao, lao kháng thuốc; các biện pháp hạn chế lây chéo từ bệnh nhân ra cộng đồng xung quanh.

Nghiên cứu gần đây cho thấy 40% số người mắc lao tại Việt Nam không có các triệu chứng lao điển hình, như là ho, sốt hay đổ mồ hôi đêm. Do vậy việc phát hiện và sàng lọc X-quang bệnh lao trong nhóm người này là rất cần thiết. Bác sĩ Nguyễn Anh Giáp - Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết, hiện nay, tình trạng kỳ thị bệnh nhân lao vẫn còn tồn tại trong cộng đồng. Chính vì vậy, việc tăng cường truyền thông để cộng đồng có sự nhìn nhận chính xác về bệnh lao là rất cần thiết. Ngoài ra, đối với gia đình có bệnh nhân lao, chúng tôi chủ động tiếp cận để tư vấn các thành viên gia đình xét nghiệm phát hiện lao tiềm ẩn và tư vấn điều trị sớm.

Cũng giống như COVID-19, bệnh lao được chẩn đoán tốt nhất bằng xét nghiệm PCR. Một trong những xét nghiệm PCR được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị sử dụng để chẩn đoán bệnh lao là xét nghiệm GeneXpert. Tuy nhiên, xét nghiệm này rất tốn kém và không thể thực hiện đại trà cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người không có triệu chứng lao. Vì vậy, Chương trình Chống lao Quốc gia đã thí điểm phương pháp chẩn đoán lao 2-X (X-Quang và Xpert). Theo đó, X-quang sẽ được sử dụng để sàng lọc người có tổn thương phổi nghi lao để chuyển làm xét nghiệm Xpert chẩn đoán. Chiến lược 2-X đang được nhân rộng trên toàn địa bàn tỉnh Đăk Nông.

Chương trình sàng lọc lao và lao tiềm ẩn nhằm nâng cao nhận thức, từng bước làm thay đổi hành vi tích cực của người dân về phòng, chống bệnh lao và các bệnh về hô hấp, góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân tỉnh Đăk Nông, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế. Phát hiện sớm người mắc bệnh lao, điều trị sớm ngăn chặn nguồn lây bệnh, hạn chế kháng thuốc và giảm tỉ lệ mắc lao trong cộng đồng.

Chị Võ Thị Thu Vân - cán bộ chuyên trách chương trình lao, TTYT huyện Đăk Mil cho biết, thông qua chiến dịch, tôi nhận thấy người dân đã có thêm nhiều hiểu biết về bệnh lao. Trong quá trình khám sàng lọc bệnh, các cán bộ y tế đã luôn tận dụng cơ hội để chuyển tải các thông điệp về bệnh lao đến người dân như các dấu hiệu triệu chứng nghi lao, đường lây truyền…Các thông điệp như “Nếu có bất kỳ triệu chứng nghi lao nào, hãy đến cơ sở y tế để được khám sàng lọc phát hiện bệnh lao”, “bệnh lao có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm”… luôn được nhấn mạnh. Các thông điệp này còn giúp cho người dân giảm kỳ thị đối với người bệnh lao”.

Chiến dịch sàng lọc lao và lao tiềm ẩn tại cộng đồng đã thu được kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, gần 2.000 lượt người dân đã được sàng lọc, 1.512 người được chụp X-quang phổi, có 254 phim tổn thương phổi, chiếm tỷ lệ 16.7%. Tổng số người được lấy mẫu xét nghiệm Gene Xpert là 327 người. Trong đó, số người có kết quả dương tính là 10 người; 01 người dương tính kháng thuốc; Số người thu dung điều trị lao là 11 người./.


Tác giả: Ngọc Vân

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website