A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Năm 2024, tỉnh Đăk Nông sẽ triển khai tiêm vắc xin Rota trong chương trình Tiêm chủng mở rộng

Sau khi xem xét điều kiện cụ thể và tình hình thực tế địa phương, tỉnh Đăk Nông thống nhất năm 2024 sẽ triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh tiêu chảy cấp do vi rút Rota trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, kế hoạch có được thực hiện đúng dự kiến hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó cơ chế, chủ trương và nhiều vấn đề cần được khắc phục, giải quyết.

Hình minh hoạ từ internet

Đăng ký triển khai vào năm 2024

Kế hoạch đưa vắc xin Rota vào tiêm trong chương trình Tiêm chủng mở rộng được Sở Y tế tỉnh Đăk Nông xác nhận với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tại Tờ trình số 1039/SYT-NVYD vào ngày 27/4/2023. Tại Tờ trình này, Sở Y tế đăng ký năm 2024 sẽ bắt đầu triển khai tiêm và thực hiện theo phương án 2 - sẽ tự cung ứng 100% số lượng vắc xin theo tinh thần công văn số 527/VSDTTƯ-TCQG của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Theo đó, công văn của Viện VSDTTƯ nêu rõ 02 phương án mà các địa phương có thể lựa chọn đối với việc triển khai tiêm chủng mở rộng vắc xin Rota. Phương án 1, triển khai vào quý IV năm 2023, và trong năm 2023 sẽ được tiếp nhận 20% số lượng vắc xin do Liên minh toàn cầu vắc xin và tiêm chủng (Gavi) tài trợ, còn lại 80% số lượng vắc xin do địa phương tự cung ứng, từ năm 2024 các tỉnh chủ động cung ứng 100% số lượng vắc xin. Phương án 2, triển khai tiêm từ năm 2024 địa phương sẽ tự cung ứng 100% số lượng vắc xin theo nhu cầu.

Việc Sở Y tế lựa chọn thời điểm năm 2024 bắt đầu tổ chức tiêm Rota trong chương trình Tiêm chủng mở rộng trên địa bàn và thực hiện theo phương án 2 được coi là phương án phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế địa phương. Nếu triển khai theo phương án 1- triển khai vào quý IV/2023 thì sẽ không kịp do công tác chuẩn bị chưa hoàn thiện trong khi thời gian đã cận kề. Theo Sở Y tế, mặc dù xác định đưa vắc xin phòng tiêu chảy cấp vào chương trình Tiêm chủng mở rộng sớm ngày nào tốt ngày đó, tuy nhiên khi không đảm bảo các điều kiện thì việc thực hiện sẽ không khả thi, thậm chí đối mặt với nhiều rủi ro, thất bại như thiếu vắc xin làm gián đoạn lộ trình, hoặc dồn ứ gây hết hạn vắc xin…

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, mỗi năm toàn tỉnh có hơn 10.000 trẻ em dưới 01 tuổi có nhu cầu tiêm vắc xin Rota. Khi chưa có vắc xin tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ trẻ tham gia tiêm dịch vụ vắc xin Rota chỉ từ 3-5% tổng số trẻ trong độ tuổi cần được tiêm phòng bệnh tiêu chảy cấp. Con số này là rất khiêm tốn so với ý nghĩa quan trọng mà vắc xin phòng bệnh mang lại. Qua theo dõi, số trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng ngày càng cao, đặt ra yêu cầu ngày càng lớn về việc đưa vắc xin Rota vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Năm 2023, đối tượng này là 13.700 trẻ tương ứng tổng kinh phí gần 400 triệu đồng mua vắc xin hàng năm. Nếu thực hiện theo phương án 1 – triển khai vào quý IV/2023 thì theo quy định của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, 20% kinh phí mua vắc xin do Gavi tài trợ (gần 100 triệu đồng), 80% còn lại do ngân sách địa phương tự chi trả (tương ứng khoảng gần 300 triệu). Tuy nhiên, đến thời điểm này, kinh phí mua vắc xin cũng chưa được tỉnh phân bổ để ngành triển khai nhiệm vụ. Mặt khác, để triển khai tiêm vắc xin cần có sự hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế về quy chuẩn, độ tuổi, liều lượng tiêm đối với trẻ, tuy nhiên hiện tại đã gần đến thời gian thực hiện nhưng vẫn chưa có văn bản nào quy định việc này. Bên cạnh đó, để có nguồn vắc xin phục vụ tiêm chủng cho gần 14.000 trẻ em, ngành  Y tế cần tiến hành mua sắm với các thủ tục đấu thầu nhiều bước tốn nên mất rất nhiều thời gian, chưa kể khả năng xảy ra sai sót trong quá trình mua sắm, đấu thầu.

Thời điểm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ban hành văn bản yêu cầu các địa phương đăng ký thời gian tiêm vắc xin Rota trong chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế thực hiện chủ trương phân cấp ngân sách, nghĩa là giao các địa phương chủ động bố trí kinh phí mua sắm, cung ứng vắc xin chương trình tiêm chủng mở rộng, bao gồm cả vắc xin Rota. Tuy nhiên, hiện nay, với nhiều bất cập có thể xảy ra khi thực hiện phân cấp ngân sách, khả năng việc cung ứng vắc xin sẽ do Bộ Y tế tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, lộ trình triển khai tiêm vắc xin Rota trong chương trình Tiêm chủng mở rộng của các địa phương có thể sẽ bị chậm lại do thay đổi cách thức thực hiện.

Cần thiết triển khai tiêm trong chương trình Tiêm chủng mở rộng

Vi rút Rota là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp cho trẻ nhỏ. Kết quả giám sát điểm tại Việt Nam trong các năm 2016-2021 cho thấy vi rút Rota là nguyên nhân của 33,1% trẻ dưới 5 tuổi mắc tiêu chảy cấp. Theo ước tính của WHO giai đoạn 2000-2013, vi rút Rota là nguyên nhân của 3,4 - 8,3% số tử vong ở trẻ < 5 tuổi ở Việt Nam tương đương với tỷ lệ 16,5-56,4/100.000 trẻ dưới 5 tuổi. Trong giai đoạn này, ước tính số tử vong do vi rút Rota là 31.934 trẻ. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các quốc gia cần đưa vắc xin Rota vào chương trình Tiêm chủng mở rộng. Đến nay trên thế giới có 122 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng vắc xin Rota trong chương trình Tiêm chủng mở rộng cho trẻ nhỏ.

Hiện nay có 03 loại vắc xin Rota đã được cấp giấy phép lưu hành tại Việt Nam bao gồm vắc xin nhập khẩu (Rotarix, RotaTeq) và vắc xin trong nước (Rotavin) do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và Sinh phẩm y tế (POLYVAC) sản xuất. Hầu hết các loại vắc xin Rota đều có giá thành cao so với đại đa số mặt bằng đời sống và thu nhập của người dân Việt Nam.


Tác giả: Hồ Long

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website