Nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế góp phần giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng tại cộng đồng
Suy dinh dưỡng (SDD) cấp tính nặng là tình trạng cơ thể không nhận đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng thiết yếu theo nhu cầu. Trẻ bị suy dinh dưỡng có nguy cơ tử vong cao gấp 5-20 lần so với trẻ bình thường. Nguyên nhân dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính do bữa ăn nghèo nàn về dưỡng chất; khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng kém do bệnh lý đường tiêu hóa hoặc sau một đợt bệnh nặng, trẻ ănkhông ngon miệng, khống muốn ăn; trẻ sơ sinh không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên, không bú đủ sữa mẹ hoặc cho trẻ ăn dặm quá sớm, quá muộn…
Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tập huấn hướng dẫn suy dinh dưỡng cấp tính cho cán bộ chuyên trách tại tỉnh Đăk Nông
Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, vùng Tây Nguyên bao gồm 4 tỉnh, Gia Lai , Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắc gồm 50 huyện, thị xã, thành phố và 577 xã, phường, thị trấn. Dân số tập trung 44 thành phần dân tộc cùng chung sống, chiếm 47% dân số của vùng; hộ nghèo chiếm tỉ lệ cao, phong tục tập quán còn lạc hậu, địa hình miền núi hiểm trở, khoảng cách từ các hộ dân đến Trạm Y tế xa, do đó khó tiếp cận các dịnh vụ y tế như chăm sóc sức khỏe, tư vấn dinh dưỡng…Thêm vào đó, hàng năm tình trạng hạn hán và lũ lụt vẫn thường xuyên xảy ra. Theo ghi nhận hàng năm, tại Tây Nguyên tỉ lệ SDD cấp tính chiếm khoảng 6-7% trên tổng số trẻ dưới 5 tuổi, trong đó SDD cấp tính nặng xấp xỉ 1%. Năm 2016, sau khi sàng lọc trẻ dưới 5 tuổi để triển khai điều trị RUFT (cho trẻ ăn các thực phẩm điều trị ăn liền cho đến khi trẻ tăng đủ cân) tại cộng đồng của dự án Unicef. Tại tỉnh Gia Lai, huyện Krông Pa đã phát hiện 72 trẻ SDD cấp tính nặng trong tổng 8.500 trẻ từ 6-59 tháng tuổi, huyện Kông Chro được phát hiện 25 trẻ SDD cấp tính nặng trong tổng 4.500 trẻ từ 6-59 tháng tuổi. Năm 2022, tại tỉnh Gia Lai chương trình Unicef đã tổ chức khám sàng lọc cho 300 trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng và cung cấp sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ. Sau khi khám sàng lọc đã phát hiện 22 trẻ SDD cấp tính nặng, trong đó100% trẻ là dân tộc thiểu số.
Hiện nay, các chương trình can thiệp trẻ SDD cấp tính của Unicef chỉ tập trung vào tỉnh Kon Tum và tỉnh Gia Lai, tại 02 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông vẫn còn bỏ ngỏ, dẫn đền việc các chuyên trách dinh dưỡng tuyến huyện và xã vẫn chưa thuần thục các vấn đề liên quan đến quản lý trẻ SDD cấp tính nặng. Việc giám sát, sàng lọc trẻ SDD cấp tính nặng là một điều rất cần thiết, để có thể kịp thời đề xuất hỗ trợ các sản phẩm giàu năng lượng, giúp trẻ có thể thoát khỏi tình trạng SDD cấp và giúp trẻ phát triển một cách bình thường. Vì vậy, trong thời gian qua, đội ngũ cán bộ Y tế chuyên trách chương trình dinh dưỡng các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng đã được Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đào tạo nâng cao năng lực, kịp thời bổ sung kiến thức, kỹ năng cho cán bộ các tuyến về quản lý điều trị trẻ SDD cấp tính nặng trong cộng đồng. Với mục tiêu giảm tỉ lệ SDD, nâng cao nhận thức của cồng đồng về tầm quan trọng của dinh dưỡng. Đội ngũ cán bộ chuyên trách đã đánh giá được tình trạng dinh dưỡng của trẻ, các kỹ thuật cân, đo chiều cao; được bổ sung các kiến thức cơ bản về suy dinh dưỡng cấp tính nặng, các bước quản lý trẻ SDD cấp tính và quản lý trẻ SDD cấp tính không biến chứng; cách đánh giá thể phù và thể thèm ăn ở trẻ; lựa chọn các phương pháp nuôi dưỡng phù hợp đối với trẻ SDD cấp tính nặng.
Đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng chống suy dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa ngành Y tế và các đối tượng SDD cấp tính tại cộng đồng, góp phần giảm tỷ lệ trẻ bị SDD trên địa bàn tỉnh Đăk Nông./.