A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Phấn đấu xây dựng điểm tiêm chủng điều trị dự phòng bệnh Dại tại các địa phương

Giai đoạn 2017-2022, trung bình mỗi năm toàn tỉnh ghi nhận 2 trường hợp tử vong do Dại khiến Đăk Nông xếp thứ 13 cả nước về tỉnh có nguy cơ cao về bệnh bệnh Dại. Theo kết quả điều tra, đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 100% trường hợp tử vong do mắc Dại đều không tiêm vc xin điều trị dự phòng bệnh Dại sau phơi nhiễm. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm phòng Dại sau phơi nhiễm hàng năm trên toàn địa bàn hiện thấp, dao động từ 3 - 31% tại các địa phương. Bệnh Dại đang là vấn đề đáng báo động cần được quan tâm phòng, chống của các cấp ngành chức năng cũng như của từng người dân.

Ngành Y tế vừa ban hành kế hoạch Phòng, chống bệnh Dại trên người tại tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2024 – 2030. Kế hoạch hướng đến mục tiêu chung nhằm kiểm soát, phòng ngừa bệnh Dại trên người, giảm số người phơi nhiễm với bệnh Dại, phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030, góp phần bảo vệ sức khoẻ của người dân và cộng đồng. Một trong những mục tiêu cụ thể quan trọng mà ngành Y tế đề ra là các huyện, thành phố sẽ kiện toàn hoặc xây dựng ít nhất 1 điểm tiêm vắc xin Dại và huyết thanh kháng Dại cho người, được triển khai hoạt động thường xuyên để tạo điều kiện, giúp người dân dễ tiếp cận.

Kế hoạch tập trung vào việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi người dân; chú trọng nâng cao năng lực hệ thống phòng, chống bệnh Dại cho đội ngũ cán bộ các cấp; tổ chức điều trị dự phòng sau phơi nhiễm vi rút Dại; điều tra, ứng phó, xử lý ổ dịch Dại và giám sát bệnh Dại trên người.

Đối với công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thái độ và thay đổi hành vi trong phòng, chống bệnh Dại, toàn ngành tập trung phổ biến thông tin, kiến thức nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại và các biện pháp phòng, chống bệnh Dại ở người; hướng dẫn người bị chó, mèo cắn xử lý y tế ban đầu ngay sau khi bị chó, mèo cắn và đến các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời. Tuyệt đối không sử dụng thuốc đông y (thuốc nam, thuốc bắc) hoặc các loại thuốc khác không theo quy định của ngành Y tế thay thế vắc xin để điều trị dự phòng bệnh Dại khi bị chó, mèo cắn. Việc tuyên truyền, vận động sẽ được thực hiện đa dạng về cách thức, phong phú về nội dung nhằm truyền tải cao nhất chủ trương, chính sách và quy định về quản lý nuôi chó, mèo và tiêm vắc xin Dại cho chó, mèo, các nội dung và tổ chức thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại giai đoạn 2022 – 2030. Việc thông tin, tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, đặc biệt tại các khu vực đông dân cư và có nuôi nhiều chó, mèo, khu vực có nguy cơ cao về bệnh Dại, khu vực ổ dịch (có người tử vong do bệnh Dại).

Về công tác nâng cao năng lực hệ thống phòng, chống bệnh Dại trên người, ngành Y tế sẽ chủ trì thực hiện hoặc phối hợp với các đơn vị tuyến trên tổ chức tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống bệnh Dại trên người cho cán bộ y tế hệ dự phòng, hệ điều trị và các cán bộ tại các điểm tiêm vắc xin về các kiến thức khám, chẩn đoán; điều tra, giám sát, chẩn đoán xác định bệnh Dại; tư vấn, chỉ định và tiêm vắc xin Dại; kỹ năng xử trí vết cắn …

Đối với bệnh Dại, việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm là hoạt động vô cùng quan trọng. Vì vậy, ngành sẽ xây dựng kế hoạch cung ứng, sử dụng vắc xin phòng Dại cho người bị chó, mèo cắn, người có nguy cơ cao phơi nhiễm bệnh Dại đồng thời kiện toàn và mở rộng số lượng các điểm tiêm vắc xin và huyết thanh kháng Dại. Giai đoạn 2024-2030 sẽ phấn đấu đảm bảo mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 điểm tiêm có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư và nguồn nhân lực cho điều trị dự phòng trong đó đảm bảo có đủ trang thiết bị, vắc xin và huyết thanh kháng Dại đã được cấp phép sử dụng. Trên cơ sở đó sẽ tổ chức hỗ trợ điều trị dự phòng cho người nghèo tại các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, người có công với cách mạng, người tham gia công tác phòng chống dịch và các đối tượng đặc biệt khác theo quy định.

Ngoài ra, công tác điều tra, ứng phó, xử lý ổ dịch Dại trên người cũng được chú trọng. Hàng năm, các đơn vị chức năng sẽ tổ chức điều tra, thu thập thông tin liên quan đến trường hợp ca bệnh Dại trên người và các trường hợp phơi nhiễm với vi rút Dại; tổ chức thu thập, lấy mẫu xét nghiệm để đánh giá lưu hành vi rút Dại, lập bản đồ dịch tễ bệnh Dại trên người, xác định khu vực có nguy cơ cao về bệnh Dại trên người nhằm ưu tiên tập trung các nguồn lực trong công tác phòng chống bệnh Dại.

Đánh giá của Cục Y tế dự phòng, riêng năm 2023 cả nước ghi nhận 82 trường hợp tử vong do bệnh Dại, tăng 12 trường hợp so với năm 2022. Bệnh xảy ra ở tất cả các tháng trong năm, trong đó tập trung nhiều vào các tháng 3,4,8. Khu vưc miền Bắc là khu vưc có số người tử vong do bệnh dại cao nhất trong cả nước (38,6%); khu vưc miền Trung là 13,4%, miền Nam và Tây Nguyên có số tử vong bằng nhau (24,4%). Chó vẫn là nguồn lây truyền chủ yếu chiếm 80% các trường hợp tử vong, 18% do mèo, 0,1% do dơi và 2% là do các động vật khác như chuột, khỉ. Bệnh Dại phân bố ở 30/63 tỉnh/TP, tăng so với năm 2022 (28 tỉnh). Trong đó, khu vưc miền Băc có 14/28 tỉnh, khu vưc miền Nam 8/20 tỉnh, khu vưc Tây Nguyên 3/4 tỉnh, khu vưc miền Trung xảy ra ở 5/11 tỉnh. Các tỉnh có số ca bệnh dại tử vong cao nhất trong năm 2023 là Gia Lai 14 ca, Nghệ An 7 ca, Bình Phước 7 ca (năm 2022 không có), Điện Biên 6 ca, Bến Tre 5 ca, Đăk Lăk và Bình Thuận 4 ca.


Tác giả: Hồ Long

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website