A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Sàng lọc lao chủ động góp phần phát hiện sớm bệnh lao và lao tiềm ẩn

Năm 2022, Đăk Nông tiếp tục triển khai sàng lọc bệnh lao chủ động tại cộng đồng. Hoạt động này góp phần phát hiện, chẩn đoán sớm bệnh lao và lao tiềm ẩn sớm đưa vào quản lý, điều trị.

Nhiều trường hợp lao tiềm ẩn đã được phát hiện

Năm 2022 là năm thứ 2 Đăk Nông triển khai sàng lọc chủ động lao tại cộng đồng. Trong năm 2021, trước bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã kịp thời triển khai 01 đợt sàng lọc chủ động tại 13 xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Gia Nghĩa và huyện Đăk Mil. Tổng số lượt người được sàng lọc là 1.871 lượt. Trong đó, 1.726 người được chụp X-quang, số film có tổn thương là 100 (39 tổn thương nghi lao, 33 tổn thương cũ và 28 tổn thương khác). Xét nghiệm Gene Xpert (bằng kỹ thuật sinh học phân tử) phát hiện 09 trường hợp dương tính với lao. Kết quả thử phản ứng mantoux đối với các trường hợp có nguy cơ lao tiềm ẩn phát hiện 16 trường hợp dương tính.

Năm 2022, ngay từ những tháng đầu năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã chủ động xây dựng Kế hoạch và triển khai khám sàng lọc tại cộng đồng. Đầu tháng 5, Trung tâm đã tổ chức sàng lọc đợt 1 tại 20 xã thuộc 2 huyện Đăk Song và Đăk R’Lấp.

Nhờ làm tốt công tác truyền thông, tại mỗi điểm khám đều nhận được sự quan tâm, đồng thuận của đông đảo người dân. Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, tổ 2 - thị trấn Kiến Đức - Đăk R’Lấp cho biết, thời gian gần đây, chị thường xuyên bị ho kéo dài kèm theo tình trạng có đờm ở cổ. Nghe thông tin có đoàn y bác sĩ tổ chức đợt khám tầm soát bệnh lao và các bệnh hô hấp nên chị thu xếp thời gian đến khám. Chị cho biết, khi đến đây khám, điều chị ấn tượng không chỉ bới các y, bác sĩ nhiệt tình, tư vấn cho chị cụ thể về tình trạng bệnh mà còn được chụp Xquang phổi miễn phí.  

Những người ho khạc kéo dài trên 2 tuần, người tiếp xúc gần với nguồn lây bệnh lao, người bệnh lao cũ (bệnh nhân mắc lao trong năm 2020 - 2021) và những người có triệu chứng nghi lao, người có nguy cơ mắc lao cao (người nhiễm HIV, người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân lao kháng thuốc, bệnh nhân tiểu đường, người có dấu hiệu ho khạc đàm kéo dài,..) đều được ưu tiên khám sàng lọc.

Sàng lọc lao: Chủ động đến với người dân bằng chiến lược 2X

Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 - 2035 giảm được 17% số bệnh nhân lao mỗi năm, Việt Nam cần phải có công cụ mới, có vaccine, có cách tiếp cận lao tiềm ẩn. “Trước đây, chúng ta đợi người dân có triệu chứng đến khám để phát hiện lao thì nay chúng ta phải chủ động đến với người dân bằng chiến lược 2X. Chúng tôi sẽ xây dựng bản đồ để biết nhà nào đã được tầm soát lao. Đây sẽ là chiến dịch tầm soát như phòng, chống Covid-19”, PGS, TS Nguyễn Viết Nhung -  Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia chia sẻ về mục tiêu của Chương trình chống lao trong giai đoạn mới.

Chiến lược 2X là chiến lược mới nhằm chẩn đoán bệnh lao bằng phương pháp chụp X-Quang ngực và xét nghiệm GeneXpert - phương pháp phát hiện vi khuẩn lao. Quy trình triển khai 2X quốc gia được xây dựng dựa trên quy trình, kinh nghiệm triển khai và hỗ trợ kỹ thuật của dự án USAID SHIFT.

Để tối ưu hóa nguồn lực, chương trình đã triển khai xét nghiệm cho nhóm đối tượng bệnh nhân nguy cơ cao tại các đơn vị y tế tuyến cơ sở. Tại cơ sở y tế, chương trình đã tập trung vào nhóm đối tượng là bệnh nhân tiểu đường, hô hấp, viêm phổi.

Chiến lược 2X đã phát huy được tính chủ động trong công tác phát hiện bệnh lao sớm, tiến tới điều trị sớm, hiệu quả, giảm thời gian lây nhiễm trong cộng đồng, giảm nhanh số người mắc lao.

Hiện nay, Chiến lược 2X đang triển khai tại hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Đối với các tỉnh đã có Bệnh viện Phổi thì sẽ được cấp xe X-quang lưu động. Đối với 15 tỉnh còn lại thì Bệnh viện Phổi Trung ương, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe (CEHS) sẽ hỗ trợ trang thiết bị trong quá trình thực hiện.


Tác giả: Ngọc Vân

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website