A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tác hại của thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá số 09/2012/QH13 ngày 18/6/2012 của nước ta quy định rõ cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá và cơ sở giáo dục là một trong những địa cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên, bởi thuốc lá có nhiều tác hại đối với sức khỏe thể chất và tinh thần học sinh. Tuy nhiên, hiện nay trong cộng đồng thuốc lá đang tiếp cận mạnh mẽ vào đối tượng chưa đủ 18 tuổi tại các trường học và gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của học sinh.

Ảnh minh họa từ internet

Năm 2023, Đại Học Y tế công cộng đã có nghiên cứu về tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh từ lớp 6 đến lơp 12 ở các trường học tại 11 tỉnh thành gồm Đắk Nông, Hải Phòng, Ninh Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Bến Tre, An Giang. Qua kết quả nghiên cứu, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh tại các địa phương được nghiên cứu chiếm 7%, trong đó, tỷ lệ học sinh nam sử dụng thuốc lá điện tử chiếm 9,9% và học sinh nữ chiếm 4,3%. Trong các địa phương, tỉnh Đồng Nai có tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử chiếm cao nhất với 12%, tiếp đến là tỉnh Hải Phòng 9% và tỉnh Nghệ An 8,4%.

Theo các đối tượng sử dụng thuốc lá điện tử giữa học sinh nam và học sinh nữ thì tỉnh Đồng Nai có tỷ lệ học sinh nam sử dụng thuốc lá điện tử cao nhất, chiếm 16%, tiếp đến là tỉnh Hải Phòng có tỷ lệ học sinh nam sử dụng thuốc lá điện tử chiếm 13,3% và tỉnh Nghệ An 12,8%. Đối với tỷ lệ học sinh nữ sử dụng thuốc lá điện tử, tỉnh Đồng Nai chiếm tỷ lệ cao nhất 8,5%, tiếp đến tỉnh Phú Thọ chiếm tỷ lệ 5,3%, tỉnh Quảng Trị 5,2%. Theo kết quả nghiên cứu, Đắk Nông là địa phương có tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử còn khá thấp so với các địa phương khác. Cụ thể, tỷ lệ chung học sinh sử dụng thuốc lá điện tử chiếm 5%, trong đó, tỷ lệ học sinh nam sử dụng thuốc lá điện tử chiếm 6,6% và tỷ lệ học sinh nữ chiếm 2,5%.

Hút thuốc lá có nguy cơ cao gây ung thư, do trong thuốc lá có đến 7.000 chất hóa học độc hại, trong đó có nhiều chất gây ung thư. Khi hút thuốc đồng nghĩa với việc hít những chất độc này vào cơ thể. Các chất độc hại này dần phá hủy các tế bào của cơ thể, gây nên những nguy hiểm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, hút thuốc lá còn ảnh hưởng đến hệ hô hấp, điển hình như gây ra các bệnh lý liên quan đến phổi gồm ung thư phổi, tràn dịch màng phổi, viêm phế quản phổi làm suy giảm chức năng phổi. Hút thuốc lá còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tim, đột quỵ và các vấn đề về huyết áp.

Ở độ tuổi học sinh, cơ thể đang trong quá trình phát triển, cơ thể của các em sẽ bị các chất độc tàn phá nhanh chóng. Thuốc lá ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ và hoạt động học tập của học sinh. Nguyên nhân do chất nicotine trong thuốc lá có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, điều này ảnh hưởng đến khả năng học tập, tập trung, tư duy của học sinh. Hơn nữa, những học sinh hút thuốc lá thường có khả năng học kém hơn và thường xuyên vắng học hơn so với học sinh không hút thuốc. Điều này có thể làm suy giảm sự linh hoạt và khả năng tham gia vào các hoạt động học tập các môn thể dục, thể thao hay vận động thể chất ở học sinh. Việc hút thuốc lá có thể gây stress và ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh, nó có khả năng gây nguy cơ mắc các vấn đề về tinh thần như trầm cảm, lo âu. Đồng thời, hút thuốc lá có thể tạo ra các rào cản trong mối quan hệ xã hội của học sinh, do nhiều người không ưa mùi khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.

Thuốc lá gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh, nhiều trường học đã xây dựng những quy định nghiêm cấm học sinh hút thuốc lá và tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục về tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, việc học sinh hút thuốc lá ngày càng gia tăng đang là một hồi chuông báo động cho các bậc phụ huynh và nhà trường. Để giảm thiểu các tổn thất về sức khỏe học sinh, tạo môi trường học tập lành mạnh các cơ sở giáo dục cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng môi trường không khói thuốc. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại các cơ sở giáo dục./.


Tác giả: Nhật Nguyên

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website