Thu gom và xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế không đúng quy định sẽ bị xử phạt hành chính
Hoạt động khám, chữa bệnh phát sinh chất thải nguy hại rất lớn có ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, vì vậy, công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế phải tuân thủ theo các quy định hiện hành. Theo Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế, cụ thể, chất thải y tế nguy hại bao gồm chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm.
Chất thải lây nhiễm bao gồm chất thải lây nhiễm sắc nhọn như kim tiêm, bơm liền kim tiêm, đầu sắc nhọn của kim truyền, kim chọc dò, kim châm cứu, lưỡi dai mổ, đinh, cưa dùng trong phẫu thuật, các ống tiêm, mảnh thủy tinh vỡ, các vật sắc nhọn khác đã qua sử dụng thải bỏ có dính máu, chứa máu của cơ thể hoặc chứa vi sinh vật gây bệnh; chất thải lây nhiễm không sắc nhọn bao gồm bông, băng gạc, găng tay, các chất thải không sắc nhọn khác thấm, dính, chứa máu của cơ thể, chứa vi sinh vật gây bệnh; vỏ lọ vắc xin thuộc loại vắc xin bất hoạt hoặc giảm độc lực thải bỏ; chất thải lây nhiễm dạng lỏng; chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao bao gồm mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm thải bỏ từ các phòng xét nghiệm tương đương an toàn sinh học cấp II trở lên. Các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly, khu vực lấy mẫu xét nghiệm người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A, nhóm B.
Các chất thải nguy hại không lây nhiễm bao gồm hóa chất thải bỏ có thành phần, tính chất nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc có cảnh bảo nguy hại trên bao bì từ nhà sản xuất; dược phẩm thải bỏ thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc có cảnh báo nguy hại trên bao bì từ nhà sản xuất; vỏ chai, lọ đựng thuốc hoặc hóa chất, các dụng cụ dính thuốc hoặc hóa chất thuộc nhóm gây độc thế bào hoặc có cảnh báo nguy hại trên bao bì từ nhà sản xuất; thiết bị y tế bị cỡ, hỏng đã qua sử dụng thải bỏ có chứa thủy ngân, cadimi, pin, ắc quy thải bỏ, vật liệu tráng chì sử dụng trong ngăn tia xạ thải bỏ...
Thông tư 20/2021/TT-BYT cũng nêu rõ việc thu gom chất thải lây nhiễm tại các cơ sở y tế phải quy định luồng đi và thời điểm thu gom chất thải lây nhiễm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và khu vực khác trong cơ sở y tế. Các dụng cụ thu gom chất thải phải đảm bảo kín, không rò rỉ dịch thải trong quá trình thu gom. Chất thải lây nhiễm phải thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải tạm thời trong cơ sở y tế. Trước khi thu gom, túi đựng chất thải phải được buộc kín miệng, thùng dựng chất thải phải có nắp đậy kín...; Chất thải có nguy cơ lây nhiễm phải xử lý sơ bộ ở gần nơi phát sinh chất thải để loại bỏ mầm bệnh bằng thiết bị khử khuẩn hoặc gom vào túi đựng chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao đối với cơ sở không có thiết bị khử khuẩn chất thải, buộc kín miệng túi và dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ LÂY NHIỄM CAO”; chất thải dạng lỏng thu gom vào hệ thống thu gom nước thải y tế của cơ sở y tế theo đúng quy định về quản lý nước thải y tế.
Đối với chất thải nguy hại không lây nhiễm sẽ được thu gom, lưu giữ riêng tại khu lưu giữ chất thải trong cơ sở y tế; thiết bị y tế bị vỡ, hỏng đã qua sử dụng thải bỏ có chứa thủy ngân được thu gom và lưu giữ riêng trong các hộp bằng nhựa hoặc các vật liệu phù hợp, bảo đảm không rò rỉ, phát tán dưới dạng khí ra môi trường như thủy ngân. Chất thải rắn thông thường sử dụng để tái chế và chất thải rắn thông thường không sử dụng tái chế được thu gom riêng. Chất thải lỏng không nguy hại được thu gom vào hệ thống thu gom nước thải của cơ sở y tế và quản lý theo quy định về quản lý nước thải y tế...
Hoạt động gom và xử lý chất thải y tế đã được quy định rõ tại Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ Y tế, quy định về việc quản lý chất thải trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế. Nếu hoạt động thu gom và xử lý rác thải, chất thải tại các cơ sở y tế không thực hiện nghiêm sẽ bị xử phạt hành chính, được quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, các cơ sở y tế không xử lý chất thải y tế theo quy định là một trong những nội dung trong tâm và được quy định tại điểm C, Khoản 4, Điều 29 của Nghị định 176 và sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng./.