A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Những điều cần biết về bệnh gout

Hiện nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam, mô hình bệnh tật đã phần nào được thay đổi. Một số bệnh lây nhiễm đã được đẩy lùi và thay vào đó là các bệnh mắc phải do thói quen sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng cũng như chế độ nghỉ ngơi, luyện tập. Số người mắc các bệnh lý chuyển hóa như bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ, rối loạn chuyển hóa acid uric ngày càng tăng và trở thành một vấn đề quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nói chung. Bệnh Guot trong thời gian gần đây có tỷ lệ mắc trong cộng đồng cũng khá cao chiếm 0,3 dân số người lớn.

Ảnh internet

Bệnh guot là bệnh do các rối loạn về chuyển hóa acid uric làm cho acid uric và muối của nó (urate) tăng cao trong máu, ứ đọng tinh thể monosodium urate tại khớp và mô liên kết. Biểu hiện lâm sàng thường là hội chứng viêm một hoặc nhiều khớp cấp tính, tái diễn và một số biến chứng ở cơ quan khác. Khi triệu chứng lâm sàng xuất hiện là bệnh nhân đã có tăng acid uric trong máu một thời gian dài. Tuy nhiên, không phải cứ có axit uric cao trong máu là đã bị bệnh Gout. Nếu chỉ có axit uric máu cao đơn thuần, thì được gọi là tình trạng tăng axit uric máu không triệu chứng. Bênh Gout chỉ xảy ra khi tình trạng tăng axit uric máu gây ra các triệu chứng và hậu quả không tốt cho cơ thể.

Bệnh thường gặp ở nam giới (trên 95%), có cuộc sống vật chất sung túc, đầy đủ dinh dưỡng, bệnh này ít phổ biến ở nữ giới, và chỉ xuất hiện ở những phụ nữ ở tuổi mãn kinh. Số người mắc bệnh đang ngày một gia tăng ở các nước phát triển trong vòng 30 năm qua. Việc điều trị hiện không có trở ngại, song nếu để xảy ra biến chứng thì người bệnh sẽ khó tránh bị tổn thương khớp, thận và một số cơ quan khác của cơ thể.

Hậu quả trước mắt là các đợt viêm khớp gout cấp, ở giai đoạn đầu các đợt viêm này thường không kéo dài, không thường xuyên và rất dễ điều trị. Nếu bệnh không được điều trị đúng và đủ, các đợt viêm khớp sẽ xuất hiện thường xuyên hơn và kéo dài hơn, khó điều trị hơn và hậu quả lâu dài của bệnh sẽ là viêm nhiều khớp, xuất hiện nhiều u cục quanh khớp, cứng khớp, biến dạng khớp, hạn chế vận động, sỏi hệ tiết niệu, đặc biệt là sỏi thận và nguy hiểm hơn cả là suy chức năng thận. Đây là nguyên nhân chính làm giảm tuổi thọ của các bệnh nhân gout.

Triệu chứng của bệnh Gout:

Bệnh khởi phát cấp tính, thường vào nửa đêm gần sáng, với tính chất sưng tấy, nóng, đỏ mọng, đau dữ dội và đột ngột ở một khớp (không đối xứng). Thường gặp nhất ở khớp ngón chân cái, kế đó là khớp bàn chân, khớp cổ chân, các ngón chân khác, khớp gối, bàn tay, các khớp và các vùng gần khớp khác.

Có thể có kèm một số triệu chứng toàn thân như sốt cao, lạnh run, ớn lạnh...Thậm chí, một số trường hợp gây nhức đầu, ói mửa, cổ gượng hoặc cứng (do phản ứng màng não).

Điều cần thiết để phát hiện bệnh là cần phải xét nghiệm acid uric máu và nước tiểu khi có những triệu chứng đau khớp đầu tiên.

Hiện tượng viêm cấp tuy rất rầm rộ nhưng cũng chỉ kéo dài 5-10 ngày, rồi khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng gì tại khớp. Nếu được dùng thuốc sớm, đúng thuốc, đúng liều lượng bệnh sẽ hết rất nhanh (dưới 5 ngày)

Bệnh tái phát từng đợt với xu hướng càng ngày càng nhiều đợt viêm hơn, các đợt viêm khớp ngày càng dài ra, càng lâu khỏi hơn, càng có nhiều khớp bị viêm hơn...

Với những hiểu biết hiện nay về bệnh gout, cùng với những phương tiện và thuốc men hiện có, bệnh gout được coi là bệnh dễ chẩn đoán, có thể chẩn đoán sớm và điều trị đạt hiệu quả cao.

Chẩn đoán bệnh Gout:

 (Theo tiêu chuẩn NewYork 1966)

Khi có 2/4 tiêu chuẩn sau:

-  Viêm cấp 1 khớp  có tái diễn

-  Viêm khớp bàn-đốt ngón chân 1

-  Tophy

-  Đáp ứng với điều trị bằng Colchicin.

Điều trị Bệnh Gout:

 
 

Bệnh Gout tuy được biết đến từ rất lâu nhưng thực tế việc điều trị bệnh vẫn còn nhiều bất cập. Điều trị cơn gout cấp thường không khó nhưng dự phòng tái phát bệnh, tránh những đợt viêm khớp tái phát và ngăn chặn bệnh chuyển sang mạn tính lại không đơn giản.

Cơn gout cấp, một khi đã được chẩn đoán, cho dù là gout nguyên phát hay thứ phát, cần được điều trị càng sớm càng tốt.

Mục tiêu điều trị:

Chấm dứt quá trình viêm cấp (Kháng viêm không steroid, colchicin, corticoid)

Phòng ngừa cơn cấp tái phát thường xuyên (colchicin)

Phòng ngừa sự lắng đọng thêm cũng như làm giải quyết các hạt tophi tích tụ sẵn có với các biện pháp làm giảm acid uric trong máu. Ngoài ra, cũng cần điều trị các bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và béo phì.

Điều trị triệu chứng:

- Colchicin: là thuốc kinh điển trong điều trị cơn gout cấp vì có hiệu quả rất tốt trên quá trình viêm khớp do tinh thể lắng đọng, đặc biệt là bệnh gout. Chính vì thế mà nó được dùng như một tiêu chuẩn chẩn đoán kể từ năm 1966. Trong những ngày đầu, liều sử dụng Colchicin thường không vượt quá 4mg/ngày đầu, giảm xuống dần và bắt đầu duy trì từ ngày thứ tư với liều 0,6-1mg/ngày.

- Các thuốc kháng viêm không steroid: cũng có tác dụng kháng viêm, giảm đau rất tốt trong viêm khớp cấp do gout. Người ta thường chọn lựa các loại có tác dụng nhanh.

- Corticoid thường cho kết quả rất tuyệt vời trong những cơn gout cấp với liều 20-30mg prednison/ngày, tuy nhiên bệnh sẽ tái phát ngay khi ngưng thuốc, đưa đến những hậu quả xấu của việc lệ thuộc corticoid. Corticoid được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân có bệnh thận, gan hay tiêu hóa, không dung nạp được colchicin hay kháng viêm không steroid. Corticoid có thể dùng đường toàn thân nếu viêm đa khớp, dùng tại chỗ nếu là viêm một khớp và được khuyến cáo chỉ sử dụng trong đợt cấp và không kéo dài.

Điều trị cơ bản:

- Mục tiêu chính của điều trị cơ bản là giảm lượng acid uric máu xuống ≤ 60 mg/L

- Thuốc tăng thải acid uric qua đường niệu (benzbromarone, probenecid, urate oxydase), cần thận trọng vì có thể gây sỏi niệu. Vì thế, không nên dùng khi bệnh nhân có tiền căn sỏi niệu, hay có lượng urat/nước tiểu vượt quá 4,8 mmol/ngày.

- Thuốc ức chế tổng hợp acid uric (allopurinol, tisopurine)

- Nước rất quan trọng nhằm mục đích phòng ngừa ứ đọng tinh thể urat tại thận, nên bệnh nhân thường được khuyên uống nhiều nước, hoặc truyền dịch nhằm đảm bảo lượng nước tiểu trong ngày đạt đến 2000ml/24 giờ.

- Chế độ ăn:

Giảm tối đa thức ăn cung cấp nhiều đạm gốc purin.

Giảm calorie.

Giảm chất béo

- Kiềm hóa nước tiểu: nước pha bicarbonat (ít dùng), acetazolamid, nước suối Vichy, trái cây không chua…

- Phẫu thuật: chỉ định khi các tophi quá lớn ảnh hưởng đến chức năng hay chèn ép gây biến chứng.

 Phòng bệnh Gout

Gout là một bệnh liên quan rất nhiều đến chế độ ăn uống, sinh hoạt

Chế độ ăn cho bệnh nhân gout là ăn giảm đạm (100-150g thịt/ngày), ăn giảm calo, giữ trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý. Đảm bảo uống đủ nước để thận có thể lọc tốt (2-2,5 l/ngày). Những thực phẩm không nên ăn: tránh thức ăn giàu purin (phủ tạng động vật như gan, óc, tim, lòng, bầu dục, một số loại nấm, tôm, cua, cá da trơn, cá hộp, thịt bê, đậu hạt các loại...). Có thể ăn trứng, sữa, hoa quả. Bỏ thức uống có cồn  như rượu, bia... Tránh lao động quá mức, tránh các yếu tố có thể khởi phát cơn gout  như chấn thương... Khi cần phải phẫu thuật hoặc mắc một bệnh toàn thân nào đó, phải chú ý theo dõi sát lượng acid uric máu để điều chỉnh kịp thời. Nếu chế độ ăn đạt hiệu quả, tức là không có các cơn thường xuyên, acid uric máu ≤ 60 mg/L, không xuất hiện hạt tophi và tổn thương thận, thì người bệnh chỉ cần duy trì chế độ sinh hoạt và ăn uống như trên là đủ. Nếu không, người bệnh phải dùng thêm các thuốc làm giảm acid uric máu. 


Tác giả: BS ÊBan Sơn

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website