A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Phụ nữ mang thai cần đến cơ sở y tế tầm soát dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba đường lây truyền của HIV thường gặp và cần được kiểm soát tốt. Nếu được can thiệp sớm, chăm sóc và điều trị dự phòng thích hợp thì mỗi năm tại Việt Nam sẽ phòng ngừa được lây truyền HIV từ mẹ sang con và có hàng ngàn trẻ được cứu thoát khỏi HIV. Hưởng ứng Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Trung tâm Kiểm soát bênh tật (KSBT) tỉnh Đắk Nông khuyến cáo các bà mẹ chuẩn bị mang thai, đang có thai nên đến các cơ sở y tế để được khám và xét nghiệm tầm soát, phòng ngừa để giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Tỉnh Đắk Nông hiện đang ghi nhận luỹ tích 646 bệnh nhân HIV/AIDS, trong đó có 233 bệnh nhân đã tử vong. 8/8 huyện, thành phố và 68/71 xã, phường, thị trấn đã phát hiện người nhiễm HIV. Số bệnh nhân HIV/AIDS còn sống và đang quản lý là 267 trường hợp; trong đó có 27 trường hợp là phụ nữ đang mang thai, được quản lý và điều trị. Được biết, phần lớn trẻ em bị nhiễm HIV là do mẹ mang thai nhiễm HIV truyền sang trẻ trước, trong và sau khi sinh. Lây truyền HIV từ mẹ sang con chủ yếu qua bánh nhau khi đang mang thai, qua máu và dịch âm đạo trong quá trình chuyển dạ, qua sữa khi cho con bú. Khả năng người mẹ bị nhiễm HIV có thai có thể truyền HIV cho con là 20 – 30%. Sự lây nhiễm HIV từ mẹ sang con có thể ngăn ngừa được. Rất nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng thuốc điều trị HIV kết hợp với các chiến lược khác đã giúp giảm nguy cơ lây HIV từ mẹ sang con xuống dưới 1%.

Yếu tố nguy cơ quan trọng nhất ảnh hưởng đến lây truyền HIV từ mẹ sang con là tải lượng vi rút trong máu của người mẹ. Tải lượng vi rút cao có thể do người mẹ nhiễm HIV hoặc người mẹ nhiễm HIV đang trong giai đoạn AIDS tiến triển. Lượng HIV trong máu phụ nữ mang thai tỷ lệ thuận với tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con ở cả phụ nữ đã được điều trị và ở phụ nữ chưa được điều trị ARV. Đặc biệt, những người phụ nữ mang thai ở giai đoạn mới nhiễm HIV có tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con cao vì tải lượng HIV trong huyết thanh còn rất cao. Do đó, việc xét nghiệm, tầm soát dự phòng HIV trong thời kỳ mang thai là rất cần thiết.

Hiện nay, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vẫn chủ yếu tập trung vào những phụ nữ mang thai, phụ nữ đã nhiễm HIV. Để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có hiệu quả thì việc chẩn đoán tình trạng HIV cho tất cả phụ nữ mang thai cần phải được chú trọng. Trong tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Trung tâm KSBT đẩy mạnh công tác truyền thông, thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm góp phần thực hiện mục tiêu “Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030. Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, cũng như những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai, cũng cấp thuốc ARV điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho con, chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV…

Để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có hiệu quả, phụ nữ mang thai, phụ nữ nhiễm HIV mang thai nên đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hoặc các trung tâm y tế huyện, thành phố để được tư vấn hướng dẫn chăm sóc thai, điều trị dự phòng cho mẹ và dự phòng cho con sau sinh nếu xét nghiệm có nhiễm HIV./.


Tác giả: Minh Nhạn

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website