A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác ATTP và PCTHTL trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn và thách thức

Ban chỉ đạo (BCĐ) về an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh Đăk Nông được thành lập theo Quyết định số 431/QĐ-UBND ngày 02/04/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh. Trải qua nhiều lần kiện toàn, đến nay, BCĐ ATTP tỉnh Đăk Nông là tổ chức phối hợp liên ngành, giúp UBND tỉnh chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố trong công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh.

Đoàn kiểm tra công tác vệ sinh tại khu vực bếp nấu Loged resot

Thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới, đến nay, 100% BCĐ liên ngành ATTP từ tỉnh đến huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đã kiện toàn do Chủ tịch UBND là Trưởng ban.  Về nhân lực, số lượng cán bộ, viên chức chuyên trách công tác ATTP thuộc 3 ngành: Y tế, Nông nghiệp và Công Thương là 141 người. Trong đó: tuyến tỉnh 24 người; tuyến huyện gồm 46 công chức, viên chức thuộc Trung tâm Y tế; Phòng Y tế hoặc UBND cấp huyện; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế hạ tầng. Riêng tuyến xã hiện nay không có biên chế chuyên trách về an toàn thực phẩm mà chỉ có 71 viên chức kiêm nhiệm.

Từ tháng 12 năm 2023, BCĐ được kiện toàn thành BCĐ liên ngành ATTP, phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) tỉnh Đăk Nông theo Quyết định số 1767/ QĐ-UBND của chủ tịch UBND tỉnh. Theo đó, BCĐ có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai và kiểm tra việc thực hiện công tác ATTP và PCTHTL.

Trong những năm qua, công tác ATTP và PCTHTL nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các huyện, thành phố. Hệ thống văn bản chỉ đạo của các ngành từ Trung ương đến địa phương đã được ban hành tương đối đầy đủ và kịp thời. Sự phối hợp giữa các Sở, Ban, ngành trong công tác quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh được thực hiện thường xuyên và xuyên suốt có hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác ATTP và PCTHTL trên địa bàn tỉnh còn gặp phải nhiều khó khăn thách thức. Sự phối hợp triển khai bảo đảm ATTP ở một số địa phương, đặc biệt là tuyến xã, phường, thị trấn chủ yếu tập trung trong dịp trọng điểm. Kinh phí hỗ trợ cho công tác bảo đảm ATTP của một số địa phương bố trí rất ít, gây khó khăn trong triển khai hoạt động.

Số lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hoạt động trong lĩnh vực ATTP trên địa bàn tỉnh thiếu nhiều so với yêu cầu nhiệm vụ. Ở tuyến huyện, thành phố chưa có biên chế chuyên trách quản lý ATTP thuộc ngành Công Thương; ở tuyến xã chưa có biên chế chuyên trách làm công tác ATTP. Cán bộ làm công tác ATTP tuyến xã, phường, thị trấn hầu hết là kiêm nhiệm, thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc còn thiếu trên tất cả các tuyến, các ngành; đặc biệt là phòng kiểm nghiệm, trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện phục vụ công tác lấy mẫu, kiểm nghiệm, kiểm tra nhanh những chỉ tiêu ATTP đối với sản phẩm thực phẩm còn rất hạn chế.

 Vấn đề kiểm soát ATTP hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Hoạt động sản xuất nông nghiệp của địa phương hiện nay chủ yếu còn nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, chưa đáp ứng được yêu cầu về hồ sơ pháp lý, điều kiện vệ sinh, dụng cụ, trang thiết bị. Một số lượng lớn các cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP nên việc áp dụng các mô hình tiên tiến gặp khó khăn trong triển khai thực hiện cũng như việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm hành chính. Việc quy hoạch các vùng sản xuất thực phẩm an toàn chưa liên kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ, chưa xây dựng được thương hiệu, xuất xứ sản phẩm; số lượng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn còn ít. Việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng thực phẩm tại các chợ truyền thống; Hội chợ thương mại còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhận thức về điều kiện đảm bảo ATTP của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế.

 Tình trạng vi phạm về quảng cáo thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên môi trường mạng có xu hướng gia tăng, cũng là một trong những khó khăn, thách thức lớn cho các cơ quan quản lý về ATTP.

Về công tác PCTHTL, hiện nay chủ yếu là tuyên truyền nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc sử dụng thuốc lá, phổ biến Luật PCTHTL và các quy định liên quan. Góp phần nâng cao nhận thức của người dân về việc PCTHTL, từng bước đưa Luật PCTHTL đi vào cuộc sống.

Việc kiện toàn BCĐ là một trong những động thái nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của công tác ATTP và PCTHTL trên địa bàn tỉnh. Công tác phối hợp liên ngành giữa các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã và đang mang lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý ATTP, PCTHTL .Qua đó, kêu gọi tinh thần trách nhiệm, sự chung tay của các cấp, các ngành, hội, đoàn thể xã hội trong việc thực hiện hiệu quả công tác ATTP và PCTHTL./.


Tác giả: Thương Thương

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website