A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

75% các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là các bệnh lây truyền từ động vật sang người

Theo tổ chức Y tế thế giới WHO, có tới 75% các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là các bệnh lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gen từ bệnh của động vật. Trong đó có thể kể đến một số dịch bệnh nguy hiểm lây truyền từ động vật sang người như: cúm A(H5N1), đậu mùa khỉ, dại, than, dịch hạch, sốt xuất huyết, ký sinh trùng... Hơn 20 năm qua, nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi có nguồn gốc liên quan đến động vật đã xảy ra trên toàn thế giới như dịch hạch, cúm A (H5N1), đại dịch cúm A(H1N1),… và gần đây nhất là đại dịch Covid-19, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người cũng như tác động lớn đến kinh tế, xã hội của các quốc gia.

Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024 ​

Các vật nuôi/ động vật có thể mang ký sinh trùng và lây truyền ký sinh trùng sang người, bằng nhiều phương thức như: Con người có thể nhiễm phải bệnh từ động vật nếu vô tình nuốt phải thức ăn hoặc nước uống nhiễm phân/ chất thải của động vật đang nhiễm bệnh; do ăn phải thịt động vật nhiễm bệnh còn sống, chưa được nấu chín đúng cách; hoặc lây truyền bệnh thông qua vết tổn thương trên da tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết của động vật nhiễm bệnh.

Theo tổ chức y tế thế giới, hiện nay có 14/45 bệnh truyền nhiễm phải báo cáo là bệnh lây truyền từ động vật. Trong đó có 10 bệnh phải báo cáo trong vòng 24 giờ khi phát hiện ca bệnh. Việt Nam là 1 trong những điểm nóng về dịch bệnh truyền nhiễm. Hiện nay, tại Việt Nam  ghi nhận 05 bệnh lây truyền từ động vật sang người ưu tiên phòng chống theo Thông tư Liên tịch số 16/TTLT-BYT- BNNPTNT ngày 27 tháng 5 năm 2013 giữa Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn bao gồm: cúm gia cầm độc lực cao, dại, than, liên cầu lợn và xoắn khuẩn vàng da.

 Trong những năm qua, bệnh cúm gia cầm và bệnh dại thường xuyên xảy ra tại Việt Nam. Trong đó, bệnh dại một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong cao nhất. Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao. Từ năm 2023 đến nay, tình hình bệnh dại tại Việt Nam diễn biến phức tạp. Trong năm 2024, số ca mắc vẫn tiếp tục gia tăng đột biến với 27 trường hợp tử vong do dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm 2023.

 Với cúm A(H5N1), sau 08 năm kể từ năm 2014 không ghi nhận ca mắc mới, trong tháng 8/2022 và tháng 3/2024 đã ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc mới, trong đó có 1 trường hợp tử vong.   

Đối với các bệnh truyền nhiễm có nguồn bệnh lây truyền từ động vật, việc kiểm soát nguồn lây gặp phải nhiều khó khăn. Chính vì thế, công tác phòng, chống và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người không thể chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ của ngành y tế hoặc ngành thú y mà cần sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, chặt chẽ, thường xuyên và đồng bộ. Để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương các cấp, các bộ, ban ngành liên quan và đặc biệt là sự tham gia chủ động của người dân, cộng đồng.

Trong thời gian qua, ngành y tế và ngành thú y đã có sự phối hợp chặt chẽ và đạt được một số thành quả nhất định. Năm 2013, hai ngành đã phối hợp xây dựng và tổ chức thực hiện Thông tư Liên tịch số 16/TTLT-BYT-BNNPTNT-2013 và đặc biệt là đồng chủ trì Khung Đối tác Một sức khỏe, phối hợp xây dựng và triển khai kế hoạch chiến lược quốc gia về Một sức khỏe từ năm 2016 đến nay, tập trung vào phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người; xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia phòng, chống dịch bệnh Dại, giai đoạn 2022-2030.

Nhận định trong thời gian tới, nguy cơ các ổ dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người vẫn tiếp tục xảy ra. Ngày 27 tháng 3 năm 2024, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tổ chức “Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024. Thông qua hội nghị, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời chỉ đạo chính quyền địa phương huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Các địa phương cần quan tâm, bố trí kinh phí, nguồn nhân lực cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, trong đó chú trọng hai dịch bệnh tái nổi gồm dại và cúm gia cầm. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ đàn vật nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm gia cầm an toàn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và đẩy mạnh xuất khẩu gia cầm và sản phẩm từ gia cầm./.


Tác giả: Thương Thương

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website