A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Y tế tăng cường công tác phòng, chống bệnh đau mắt đỏ

Theo thống kế chưa đầy đủ của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Nông, tính đến ngày 21/09/2023, trên địa bàn tỉnh Đăk Nông ghi nhận 2638 trường hợp mắc bệnh Đau mắt đỏ. Số trường hợp mắc bệnh Đau mắt đỏ chủ yếu ở học sinh 2161/2638 ca, chiếm 81,92%. Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ gia tăng trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã phối hợp cùng các trung tâm Y tế huyện / thành phố đẩy mạnh hoạt động giám sát ca bệnh tại cộng đồng để phát hiện sớm triệu chứng, xác định đối tượng tiếp xúc gần nhằm cách ly kịp thời; tổ chức  khử khuẩn môi trường, đặc biệt là tại các trường học có ca bệnh trên địa bàn. Tại các Bệnh viện đa khoa tỉnh và cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện đã tăng cường  đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế. Tổ chức tốt việc khám, phát hiện, tư vấn và  điều trị, hạn chế đến mức thấp nhất  các biến chứng nặng liên quan đến bệnh đau mắt đỏ. Tuân thủ chế độ báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định và chia sẻ thông tin chính xác, kịp thời.

Phun hoá chất duyệt khuẩn phòng bệnh đau mắt đỏ tại các trường học

Đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 02 ổ dịch tại thị trấn Đăk Mâm, huyện Krông Nô. Cụ thể, Trường tiểu học Lê Thị hồng Gấm: 43/710 học sinh mắc bệnh; Trường Trung học cơ sở Đắk Mâm: 30/750 học sinh mắc bệnh. Trung tâm Y tế huyện Krông Nô cũng đã tiến hành phun khử khuẩn 100% các phòng tại trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm và trường Trung học cơ sở Đăk Mâm, trực tiếp truyền thông cho gia đình và các học sinh mắc bệnh; các giáo viên trong nhà trường về cách phòng bệnh.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khuyến cáo: khi trẻ có các triệu chứng bệnh như đỏ mắt, chảy nước mắt, ra nhiều ghèn rỉ, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám, và điều trị kịp thời. Không nên tự ý điều trị tại nhà, tránh gây biến chứng nặng, làm tổn thương giác mạc, ảnh hưởng tới thị lực lâu dài của trẻ. Đồng thời cũng cần chú trọng áp dụng các biện pháp phòng bệnh đúng cách, tránh lây lan đau mắt đỏ cho người xung quanh. Khi bị bệnh, mỗi người không dụi tay vào mắt, mũi, miệng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay. Nếu mắt chảy nhiều nước mắt, mắt có nhiều ghèn, rỉ  thì sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế (sử dụng 1 lần) để vệ sinh, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy để tránh tạo thành nguồn lây cho gia đình và người xung quanh. Sử dụng riêng các vật dụng cá nhân cho người mắc bệnh...


Tác giả: Văn Tiến

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website