A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

TTYT huyện Cư Jút chủ động phòng chống sốt xuất huyết

Đắk Nông đang bước vào mùa mưa, là thời điểm thuận lợi để muỗi sinh trưởng và phát triển. Để chủ động phòng dịch sốt xuất huyết bùng phát và lây lan trong cộng đồng, TTYT Cư Jut đã triển khai phun hoá chất diệt muỗi, phát động chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy trong cộng đồng. Đồng thời, tăng cường các biện pháp giám sát, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức trong phòng chống sốt xuất huyết.

Ra quân chiến dịch phòng chống sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm mùa hè tại xã Nam Dong, huyện Cư Jut

Theo TTYT Cư Jut, tính đến cuối tháng 7/2020, toàn huyện ghi nhận hơn 130 ca bệnh với 16 ổ dịch. Hầu hết tất cả các xã và thị trấn trên địa bàn đều có ca bệnh, trong đó chủ yếu tập trung tại thị trấn Ea T’ling, xã Nam Dong, xã Đăk Win, xã Trúc Sơn. Năm 2022 dự báo là năm sốt xuất huyết lưu hành theo chu kỳ 3 năm 1 lần trên địa bàn, thời gian bệnh bùng phát vào thời điểm từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm. Để chủ động phòng chống sốt xuất huyết, ngay từ đầu năm, TTYT Cư Jut đã tham mưu cho UBND huyện ban hành Quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết năm 2022. Đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn về việc tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Theo đó, TTYT Cư Jut đã ban hành Kế hoạch phòng chống sốt xuất huyết năm 2022; kế hoạch hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 12 năm 2022; kế hoạch triển khai chiến dịch diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng chống sốt xuất huyết; kiện toàn các đội cơ động phòng chống dịch, sẵn sàng vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch.

          Ngay từ những ngày đầu tháng 7, khi địa phương xuất hiện ca bệnh đầu tiên, TTYT Cư Jut phối hợp với chính quyền, ban ngành đoàn thể tại địa phương để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay phòng chống sốt xuất huyết; chỉ đạo các Trạm Y tế xã, thị trấn tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng chống dịch trên hệ thống loa truyền thanh xã, nhất là tại các xã trọng điểm và những xã có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết; Tổ chức ra quân chiến dịch vệ sinh môi trường, kêu gọi người dân chung tay trong công tác phòng chống sốt xuất huyết bằng cách tham gia thu gom phế liệu, phát quang bụi rậm, loại bỏ các vật dụng chứa nước lâu ngày, giữ gìn vệ sinh nhà cửa, mắc màn khi ngủ kể cả vào ban ngày...

          Hai tuần một lần, chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy lại được triển khai tại Nam Dong – xã ghi nhận số ca bệnh cao nhất huyện Cư Jut với hơn 80 ca. Nhân viên y tế tiến hành phun hóa chất diệt muỗi hai bên đường và từng nhà dân nhằm tiêu diệt, hạn chế nơi cư trú và đẻ trứng của muỗi trưởng thành. Trạm Y tế địa phương tổ chức tuyên truyền người dân tại các thôn, bon chú trọng công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng bọ gậy. Việc vệ sinh môi trường diệt lăng quăng bọ gậy có ý nghĩa quan trọng, bởi hóa chất diệt muỗi chỉ diệt được muỗi trưởng thành. Nếu không làm tốt công tác diệt lăng quăng bọ gậy thì thế hệ muỗi tiếp theo sẽ tiếp tục sinh sôi phát triển và gây bệnh.          

          Được biết, muỗi vằn hoạt động hút máu người cả ngày, nhưng có 2 khoảng thời gian muỗi hoạt động mạnh là từ 5-7 giờ và 16-18 giờ. Muỗi thường trú đậu  trong nhà, những nơi thiếu ánh sáng. Muỗi vằn thường đẻ trứng ở những nơi nước sạch, ứ đọng trong và ngoài nhà. Muỗi đẻ trứng sau 1 tuần đã có thể tạo nên ổ muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết. Với những điều kiện như vậy nếu khu vực, địa phương nào không kiểm soát tốt các dụng cụ, vật dụng chứa nước, ứ nước, tạo điều kiện để muỗi đẻ trứng và phát triển thì địa phương đó có nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết là rất cao. Chính vì vậy, để phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân tại cộng đồng.

          Từ nay đến cuối năm, để công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện có hiệu quả, TTYT Cư Jut tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát, phòng chống dịch bệnh; tiến hành phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao và tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch; thông tin diễn biến dịch, các biện pháp phòng, chống dịch qua hệ thống phát thanh của địa phương để tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch bệnh, góp phần giảm số ca mắc, khống chế không để dịch lớn xảy ra và hạn chế không để xuất hiện trường hợp tử vong do bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn./.


Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website