Khó khăn trong công tác quản lý giết mổ động vật
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay trên địa bàn tỉnh Đăk Nông có khoảng 79 cơ sở giết mổ động vật. Trong đó, có 16 cơ sở giết mổ động vật tập trung và 63 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ có kiểm soát của nhân viên thú y. Cụ thể, thành phố Gia Nghĩa 02 cơ sở, huyện Tuy Đức 01 cơ sở, huyện Đăk Mil 10 cơ sở, huyện Đăk Glong 02 cơ sở, huyện Đăk R’Lấp 05 cơ sở, huyện Krông Nô 02 cơ sở, huyện Đăk Song 01 cơ cở và huyện Cư Jut 56 cơ sở. Đa số các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn tỉnh đều do tư nhân đầu tư xây dựng, quản lý và có nhân viên thú y được phân công trực tiếp làm công tác kiểm soát giết mổ.
Ảnh minh hoạ từ internet
Để thực hiện tốt công tác quản lý kiểm soát giết mổ động vật và hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y và thủy sản trên địa bàn tỉnh, kịp thời nắm bắt và xử lý khi phát hiện sai phạm.
Trong năm 2022, thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện thanh, kiểm tra 04 cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, đánh giá các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đều thực hiện tốt các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 quy định về kiểm soát giết mổ và điều kiện vệ sinh thú y. Công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng trước và sau mỗi ca giết mổ được đảm bảo. Việc ghi chép theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn được các cơ sở giết mổ thực hiện tương đối nghiêm túc.
Bên cạnh những hoạt động đã triển khai, công tác quản lý kiểm soát giết mổ động vật trên địa bàn tỉnh Đăk Nông vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Một số địa phương trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở giết mổ động vật tập trung, việc giết mổ chủ yếu diễn ra tại các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ nên gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát. Việc giết mổ gia súc, gia cầm tại các điểm, hộ gia đình giết mổ tự phát, rải rác ở các khu dân cư tại các địa phương không được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động, không được cơ quan chuyên môn kiểm tra theo quy định. Đối với những điểm giết mổ đã được quy hoạch, chính quyền địa phương chưa kêu gọi được nhà đầu tư, không bố trí được quỹ đất xây dựng, vốn đầu tư. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động giết mổ, kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm chưa đồng bộ, hiệu quả.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh lực lượng thú y mỏng, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức về công tác quản lý, giám sát, giám sát chủ yếu giao cho lực lượng thú y. Đặc thù của hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm chủ yếu diễn ra vào ban đêm và các điểm giết mổ nằm cách xa nhau, trong khi lực lượng thú y mỏng nên gặp khó khăn trong việc bố trí nhân lực thực hiện kiểm soát giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ theo quy định. Tại các chợ, các điểm buôn bán nhỏ lẻ, tự phát trên địa bàn tỉnh còn tồn tại nhiều điểm giết mổ gia cầm mất vệ sinh do thói quen chọn mua gia cầm sống. Chính quyền địa phương một số nơi còn lỏng lẻo trong công tác quản lý, giám sát và thiếu cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Hoạt động kinh doanh dịch vụ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đầu tư vốn lớn, đặc biệt là khâu xử lý chất thải, nước thải, thời gian thu hồi vốn chậm, phải thường xuyên khắc phục, nâng cấp nên tính rủi ro cao, các doanh nghiệp còn e ngại bỏ vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Đồng thời, theo Thông tư số 101/2020/TT-BTC ngày 23/11/2020 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí trong công tác thú y quy định mức thu phí kiểm soát giết mổ quá thấp (mức phí thu được chỉ từ 7.000đ đến 35.000đ phải trích nộp thuế 10% trên tổng phí thu) không đủ tiền công cho nhân viên thú y làm công tác kiểm soát giết mổ.
Để khắc phục những khó khăn hiện tại, trong thời gian tới, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm dịch, quản lý kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật để quản lý các cơ sở giết mổ động vật, cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật. Hàng năm xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra các cơ sở giết mổ, thường xuyên nhắc nhở các cơ sở giết mổ duy trì việc thực hiện các điều kiện về an toàn thực phẩm và chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Đối với các địa phương chưa có cơ sở giết mổ động vật tập trung cần thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, đánh giá, nâng cấp các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ đủ điều kiện vệ sinh thú y để tổ chức giết mổ tập trung. Tăng cường hoạt động tuyên truyền các quy định, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các hoạt động có liên quan đến giết mổ gia súc, gia cầm để người dân biết, chấp hành và chủ động thực hiện. Đồng thời, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh mức thu phí đối với hoạt động kiểm soát giết mổ động vật tại Thông tư số 101/2020/TT-BTC ngày 23/11/2020 của Bộ Tài chính nhằm đảm bảo mức tiền công cho nhân viên được phân công thực hiện công tác kiểm soát giết mổ./.