I. Những kết quả đạt được

Tháng 01/2004 tỉnh Đăk Nông được thành lập bao gồm các huyện nghèo phía Nam của tỉnh Đăk Lăk. Cùng với đó, Ngành Y tế và các sở, ban, ngành, đoàn thể khác cũng được hình thành. Trong suốt 15 năm qua, Ngành Y tế Đăk Nông đã đi qua chặng đường nhiều khó khăn, vượt qua nhiều thử thách để vươn mình phát triển. Hành trình đi đến mục tiêu hoàn thiện hệ thống y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh Đăk Nông còn lâu dài và nhiều thách thức. Nhưng những dấu ấn để lại trên chặng đường 15 năm đã qua là kết quả của sự nỗ lực của nhiều thế hệ những người làm công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh nhà trên mọi lĩnh vực, cụ thể như sau:

1. Ổn định tổ chức bộ máy, từng bước hoàn thiện và phát triển

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Sở Y tế đã nhanh chóng ổn định tổ chức, tham mưu cho UBND tỉnh trong việc quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế. Các đơn vị y tế tuyến tỉnh lần lượt ra đời, bao gồm: Trung tâm Y tế Dự phòng ( tháng 01/2004); Bệnh viện Đa khoa tỉnh (tháng 02/2004); Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản (tháng 3/2004); Phòng Giám định Y khoa (tháng 5/2004, đến tháng 11/2008 đổi tên thành Trung tâm GĐYK); Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ (tháng 9/2004); Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội (tháng 01/2005); Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS (tháng 5/2008); Chi cục Dân số-KHHGĐ (tháng 6/2008); Chi cục ATVSTP (tháng 5/2009), Trung tâm Pháp Y (tháng 6/2014). Tuyến huyện gồm có 06 trung tâm Y tế hai chức năng, gồm: Trung tâm Y tế huyện Krông Nô, Trung tâm Y tế huyện Cư Jút, Trung tâm Y tế huyện Đăk Mil, Trung tâm Y tế huyện Đăk Nông (tháng 09/2005 đổi tên thành Trung tâm Y tế thị xã Gia Nghĩa), Trung tâm Y tế huyện Đăk R’lấp, Trung tâm Y tế huyện Đăk Song. Đến tháng 01/2006, Trung tâm Y tế huyện Đăk G’long và Trung tâm Y tế huyện Tuy Đức được thành lập, nâng tổng số trung tâm Y tế huyện/thị xã lên 08 đơn vị.

Năm 2006 cũng là năm ngành Y tế thực hiện theo Nghị định số 171,172/2004/NĐ-CP của Chính phủ, thay đổi về hệ thống quản lý y tế tuyến huyện. Theo đó, Trung tâm Y tế huyện chia tách thành 3 đơn vị: Bệnh viện đa khoa huyện và Trung tâm Y tế dự phòng huyện trực thuộc Sở Y tế; Phòng Y tế (quản lý các trạm Y tế xã) trực thuộc Uỷ ban nhân dân huyện.

Tháng 5/2008, Nghị định 171 và 172/2004/NĐ-CP được thay thế bằng Nghị định 13/2008/NĐ-CP và Nghị định số 14/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, mô hình tổ chức hệ thống y tế địa phương thay đổi, tiếp nhận chức năng và tổ chức về dân số từ Uỷ ban dân số, Gia đình và Trẻ em và hệ thống y tế tuyến xã về Sở Y tế quản lý đồng thời đổi tên TTYT dự phòng huyện, thị thành TTYT huyện, thị.

Đến nay, thời điểm cuối năm 2018, hệ thống y tế địa phương đã hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu tinh gọn đầu mối, phát huy hiệu quả, hiệu lực nguồn nhân lực. Trong đó phải kể đến sự thành lập của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tại tuyến tỉnh trên cơ sở sáp nhập 05 đơn vị: Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS; các Trung tâm Y tế đa chức năng làm công tác khám, chữa bệnh, y tế dự phòng và dân số tại tuyến huyện.

2. Phát triển các nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế

Năm 2004, toàn tỉnh chỉ có 178 bác sĩ - đạt 4,1 BS/vạn dân, trong đó có 16 người có trình độ chuyên môn sau đại học. Trong hoàn cảnh thiếu thốn nguồn nhân lực trình độ cao, Ngành Y tế đã chủ động, tích cực đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ CBCC,VC.

Năm 2014, Hội đồng nhân dân tỉnh Đăk Nông đã ban hành Nghị quyết số 09/2014/NQ-HĐND ngày 16/7/2014 về quy định chính sách thu hút, đãi ngộ đối với bác sĩ, dược sĩ đại học và sau đại học về công tác tại các cơ quan, đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2015-2020. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh thể hiện sự quan tâm của tỉnh nhà trong việc xây dựng ngành Y tế đồng thời là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển lĩnh vực y tế, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Cùng với việc chú trọng công tác đào tạo và đẩy mạnh thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, đến nay, toàn tỉnh đạt 7,3 bác sĩ/vạn dân; 0,8 dược sỹ đại học/vạn dân và 19 điều dưỡng viên/vạn dân; tỷ lệ trạm Y tế có bác sĩ tăng từ 46,2% lên 100%; số giường bệnh/vạn dân tăng từ 14,07 lên 17,8 giường bệnh/vạn dân.

Khi mới thành lập, cơ sở vật chất y tế còn rất nghèo nàn và lạc hậu; trang thiết bị y tế thiếu về số lượng, lạc hậu, xuống cấp nghiêm trọng về chất lượng. Sau 15 năm hình thành và phát triển, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như Dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, Dự án Hpet, các nguồn vốn Trung ương, nguồn kinh phí địa phương…ngành Y tế đã đầu tư nhiều trang thiết bị y tế cơ bản và hiện đại, như: máy CT SANNER; máy chạy thận nhân tạo; máy siêu âm màu 3 chiều, 4 chiều; máy nội soi Tai Mũi Họng, dạ dày –tá tràng; máy xét nghiệm 18 thông số máu tự động, 10 thông số nước tiểu tự động…

 Đến nay hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất của ngành Y tế đã được đầu tư, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Hệ thống cơ sở y tế được phát triển. Bệnh viện đa khoa tỉnh đạt quy mô 380 giường bệnh; Trung tâm Y tế các huyện Krông Nô, Cư Jut, Đắk Mil, Đăk R’Lấp có quy mô 150 giường; Trung tâm Y tế Tuy Đức quy mô 100 giường bệnh; Trung tâm y tế Đăk Song quy mô 65 giường bệnh; Trung tâm y tế Đăk G’Long quy mô 50 giường bệnh; có 66,2% trạm Y tế xã/phường/thị trấn được đầu tư xây dựng mới, 56,3% trạm Y tế đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã…

3. Chủ động và tích cực phòng chống dịch bệnh, hoàn thành tốt các Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số

Trước những khó khăn của một tỉnh mới thành lập như đời sống kinh tế, văn hóa – xã hội nghèo nàn, lạc hậu; dịch bệnh hoành hành (như bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, tiêu chảy…), với phương châm “Y tế phải gần dân, thuận lợi cho dân” đồng thời thực hiện quan điểm của Đảng về công tác y tế “Phòng bệnh là chính, chữa bệnh là quan trọng”, Ngành Y tế đã chú trọng công tác tuyên truyền; chủ động, tăng cường phòng, chống dịch bệnh, kịp thời dập tắt các ổ dịch bệnh không để lây lan.

Nhờ đó, từ một tỉnh có tình hình sốt rét phức tạp nhất khu vực miền Trung và Tây Nguyên (theo đánh giá của Bộ Y tế) với 100% số xã trong vùng sốt rét lưu hành, 82% dân số sống trong vùng sốt rét lưu hành nặng; năm 2004 có 8.277 ca mắc và 9 ca chết do sốt rét, đến cuối năm 2018, số ca mắc sốt rét chỉ còn 192 ca, giảm trên 97% và không còn trường hợp tử vong; Tổng số ca mắc bệnh sốt xuất huyết giai đoạn 2011-2015 là 322 ca, giảm 42,3% so với giai đoạn 2006-2010, mặc dù có những thời điểm số ca bệnh tăng đột biến nhưng được kiểm soát, khống chế, không để lan rộng và kéo dài, đặc biệt là không có ca tử vong do sốt xuất huyết. Các bệnh truyền nhiễm thường bùng phát thành dịch đe dọa sức khỏe cộng đồng (tiêu chảy cấp, cúm A, tay-chân-miệng…) cũng được phòng chống tích cực, không để phát triển thành dịch lớn và không xảy ra tử vong. Nhóm các bệnh truyền nhiễm giảm hơn 80% so với khi thành lập tỉnh. Việc quản lý và điều trị các bệnh mãn tính không lây ngày một được quan tâm và hoàn thiện.

Các dự án thuộc Chương trình mục tiêu về Y tế - Dân số được triển khai rộng khắp trên toàn tỉnh và hoàn thành tốt các chỉ tiêu được giao. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng quốc gia cho trẻ em dưới 01 tuổi hằng năm luôn đạt từ 90% đến 95%; tiếp tục duy trì việc thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, loại trừ bệnh phong cấp tỉnh; công tác An toàn vệ sinh thực phẩm được tăng cường, không để xảy ra các vụ ngộ độc hàng loạt; dân số kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em đã phát huy hiệu quả. Tuổi thọ trung bình của người dân đạt 72,24 tuổi, số năm sống khỏe đạt 63 tuổi; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (thể nhẹ cân) đã giảm từ 36,6% xuống còn 21,1%;  tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm từ 45,4% xuống còn 32,9%; tỷ suất tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi còn 33,4‰; tỷ suất tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi còn 26‰; tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe đạt 75%; chiều cao trung bình của nam thanh niên 18 tuổi đạt 163,0cm và nữ đạt 153cm...

4. Đáp ứng nhu cầu cơ bản về khám- chữa bệnh cho nhân dân, từng bước phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao

Ngoài việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu về cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân (đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách...), các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, thay đổi thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Thông qua Đề án 1816 của Bộ Y tế, Chương trình hợp tác y tế giữa Sở Y tế tỉnh Đăk Nông và Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đề án Bệnh viện vệ tinh… các dịch vụ kỹ thuật cao từng bước được chuyển giao và triển khai trên địa bàn, như: chạy thận nhân tạo, phẫu thuật nội soi, kỹ thuật thay khớp, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, mổ đục thủy tinh thể, kỹ thuật sản khoa, nhi khoa… Nhờ việc triển khai ứng dụng có hiệu quả các dịch vụ kỹ thuật cao, công tác khám, chữa bệnh đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, qua đó đã giúp giảm thiểu tỷ lệ tử vong, giảm dần tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.

 Việc tăng cường quan hệ hợp tác, nâng cao chất lượng hoạt động với nhiều giải pháp đồng bộ và tích cực, các bệnh viện đã thu hút ngày càng đông bệnh nhân đến khám và điều trị. Vì vậy công suất sử dụng giường bệnh cũng ngày một tăng cao, năm sau luôn cao hơn năm trước. Trung bình hàng năm toàn tỉnh đạt 85%, trong đó nhiều bệnh viện đạt trên 100%. Số lượt khám bệnh, điều trị nội trú trong 2 năm 2017-2018 tăng đột biến.

Bên cạnh đó, công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng được quan tâm, cải thiện, giảm bớt các thủ tục gây phiền hà cho người bệnh. Hiện nay, tỷ lệ tham gia BHYT trên toàn địa bàn đạt 85%, số lượt khám bệnh BHYT chiếm 85,3% trong tổng số lượt khám, chữa bệnh.

Ngoài việc chăm lo cho sức khỏe nhân dân trong tỉnh, Ngành Y tế cũng chủ động cử cán bộ y tế tham gia khám chữa bệnh miễn phí cho nhân dân nước bạn Campuchia, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

5. Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở (MLYTCS)

MLYTCS là nền tảng của hệ thống y tế và là nơi đầu tiên cung cấp các dịch vụ thiết yếu về chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Ngay từ khi mới thành lập tỉnh, ngành Y tế đã chủ động tham mưu cho Tỉnh Ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách về y tế cơ sở, trọng tâm là “Đề án củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở tỉnh Đăk Nông đến năm 2010” và Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 20/4/2018 về Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Sau 15 năm thực hiện hoàn thiện MLYTCS, toàn tỉnh hiện có 40/71 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, chiếm 56,3% tổng số trạm Y tế toàn địa bàn; tỷ lệ trạm Y tế có bác sĩ đạt 100%; 25/71 trạm Y tế được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc gia về y tế mới. Hiện có 41/71 trạm Y tế được đầu tư trang thiết bị theo tiêu chí quốc gia về y tế, là nền tảng cơ bản để triển khai nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại y tế cơ sở theo mô hình trạm Y tế tích hợp mô hình bác sĩ gia đình.

6. Cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành

Công tác cải cách hành chính được ngành Y tế tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện, bước đầu có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện tại, Ngành đã triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa điện tử; các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung theo hướng cắt giảm những thủ tục rườm rà, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp và được công bố công khai trên Website Ngành, cổng thông tin điện tử UBND tỉnh, tại bộ phận tiếp nhận và trả lời kết quả; tổ chức xây dựng và áp dụng TCVN ISO 9001: 2008 tại Văn phòng Sở và một số đơn vị trực thuộc.

Trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, Sở Y tế đã đầu tư xây dựng, nâng cấp và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và phục vụ chuyên môn như Website Ngành; 100% đơn vị có mạng LAN, kết nối internet và 100% đơn vị đã áp dụng hệ thống quản lý văn bản Vnptioffice; 100% cơ sở khám, chữa bệnh triển khai phần mềm quản lý và thanh toán BHYT, bước đầu thực hiện giám định điện tử; phần mềm quản lý bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng, HIV/AIDS, hành nghề y tư nhân do Bộ Y tế triển khai được thực hiện nghiêm túc và ngày càng hoàn thiện.

II. Định hướng phát triển Ngành …

Để tiếp tục phát triển sự nghiệp y tế, đáp ứng nhu cầu phòng và chữa bệnh cho nhân dân trong tình hình mới, ngành Y tế xác định những nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện trong thời gian tới như sau:

1. Hoàn thiện hệ thống tổ chức, tập trung phát triển các nguồn lực y tế

Xây dựng lộ trình và tổ chức kiện toàn hệ thống y tế tuyến tỉnh và huyện theo Thông tư liên tịch 51/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/2015 nhằm tinh giản đầu mối và sử dụng có hiệu quả nguồn lực các tuyến. Từng bước triển khai mô hình bác sĩ gia đình trên địa bàn tỉnh.

Đảm bảo đủ nhân lực có trình độ cho tất cả các tuyến theo quy định, bố trí nhân lực hợp lý, đủ số lượng và chất lượng, đủ trình độ năng lực thi hành nhiệm vụ, cụ thể hóa trong Đề án vị trí việc làm của từng đơn vị. Tăng cường đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I, II… thuộc các chuyên khoa cho tất cả các tuyến, tập trung các chuyên ngành đang thiếu như: Ung thư, phục hồi chức năng… Nghiên cứu và chủ động đề xuất sửa đổi Nghị quyết 09/2014/NQ-HĐND ngày 16/7/2014 về quy định chính sách thu hút, đãi ngộ đối với bác sĩ, dược sĩ đại học và sau đại học về công tác tại các cơ quan, đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh Đăk Nông sao cho phù hợp với thực tế. Thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với các trường hợp không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc luân phiên cán bộ từ tuyến trên về tuyến dưới, Đề án 1816, bệnh viện vệ tinh.

Đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng và TTBYT phục vụ cho công tác KCB: nâng cấp BVĐK tỉnh lên quy mô 500 giường bệnh với ≥ 85% danh mục dịch vụ kỹ thuật trong tuyến; nâng cấp TTYT huyện Đăk Song lên quy mô 100 giường bệnh; nâng cấp TTYT huyện Đăk R’lấp lên quy mô 150 giường bệnh; đầu tư, nâng cấp Trung tâm Y tế huyện Cư Jút quy mô 150 giường bệnh; đầu tư xây dựng 46 trạm Y tế đạt chuẩn cơ sở hạ tầng theo tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế mới.

Từng bước tự chủ, giảm gắng nặng đầu tư công, tập trung đầu tư các lĩnh vực khó, tư nhân không đầu tư. Trước mắt, khuyến khích các đơn vị khám, chữa bệnh tự chủ một phần hoặc tự chủ hoàn toàn; khuyến khích các đơn vị liên doanh, liên kết, xã hội hóa theo hình thức công tư.

2. Nâng cao chất lượng dịch vụ KCB

Tăng cường hiệu quả sử dụng và tiếp tục đầu tư, củng cố, nâng cấp đồng bộ về cơ sở vật chất và trang thiết bị ở tất cả các tuyến đặc biệt là tuyến tỉnh để có đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ của đơn vị chuyên môn, kỹ thuật y tế đầu ngành của tỉnh. Dự kiến nâng cấp BVĐK tỉnh từ 300 giường bệnh lên 500 giường bệnh và đưa vào sử dụng trong năm 2025 đồng thời đầu tư các trang thiết bị công nghệ hiện đại như MRI, PET-CT … nhằm phát triển một số kỹ thuật cao, chuyên sâu. Đầu tư mua sắm trang thiết bị cho BVĐK tỉnh/Trung tâm Y tế huyện đáp ứng nhu cầu cơ bản trong công tác KCB và dần nâng cấp lên các loại thiết bị hiện đại.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án 1816, tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác phát triển về y tế; triển khai thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh, gắn thương hiệu của bệnh viện tuyến trên với bệnh viện tuyến dưới nhằm phát triển một số lĩnh vực y học chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân.

Hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng dịch vụ KCB các tuyến. Tăng cường công tác quản lý chất lượng bệnh viện theo Thông tư 19/2013/TT-BYT ngày 12/7/2013 của Bộ Y tế về Hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ KCB tại bệnh viện; chú trọng đào tạo cán bộ quản lý y tế, nhất là cán bộ quản lý bệnh viện; xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng KCB một cách cụ thể có lộ trình theo bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện Việt Nam do Bộ Y tế ban hành; xây dựng, ban hành Phác đồ điều trị và Quy trình chuyên môn cho toàn ngành, trên cơ sở đó các bệnh viện cập nhật để phát triển Danh mục kỹ thuật cho phù hợp với phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của từng bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế.

3. Tăng cường công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh, kiểm soát có hiệu quả các bệnh không lây nhiễm

Triển khai công tác phòng chống dịch chủ động, dự báo, phát hiện sớm, thực hiện các giải pháp để chủ động ứng phó với các bệnh dịch nguy hiểm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch xảy ra. Hoàn thiện hệ thống kiểm dịch y tế biên giới, giám sát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch truyền nhiễm tại các cửa khẩu; phối hợp nước bạn Campuchia trong phòng, chống các bệnh dịch như HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch nguy hiểm, bệnh mới nổi khác; kiểm soát tình trạng Lao và Sốt rét kháng thuốc, can thiệp đặc hiệu phòng chống sốt rét cho các vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và dân đi rừng, ngủ rẫy.

Tập trung chỉ đạo công tác tiêm chủng mở rộng, duy trì tỷ lệ TCMR trên 90%; quản lý tốt hoạt động tiêm chủng dịch vụ, không để xảy ra tai biến nặng do tiêm chủng.

Từng bước kiện toàn hệ thống an toàn sinh học trong xét nghiệm: đối với phòng xét nghiệm tuyến tỉnh phấn đấu đạt tiêu chuẩn ISO:17025; phòng xét nghiệm tuyến huyện đạt điều kiện an toàn sinh học.

4. Phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới

Xây dựng Kế hoạch phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định số 2348/QĐ-BYT ngày 5/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Phấn đấu đến năm 2020 ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được tối thiểu 60% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 95% trung tâm Y tế huyện thực hiện được tối thiểu 60% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện; 71,8% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; chú trọng phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở đáp ứng cơ bản nhu cầu CSSK ban đầu cho nhân dân. Triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, đảm nhận nhiệm vụ khám, điều trị các bệnh mãn tính không lây tại trạm Y tế, quản lý sức khoẻ cộng đồng, tư vấn giảm tỉ lệ mắc bệnh và biến chứng của bệnh.

5. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về y tế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin

Thực hiện Quyết định số 25/2013/QĐ-UBND ngày 26/11/2013 của UBND tỉnh Quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ.

Thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về y tế trên địa bàn. Nâng cao năng lực, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển sự nghiệp y tế. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quan hệ phối hợp giữa Sở Y tế với các ban ngành địa phương, nhất là cấp huyện và ngành Bảo hiểm xã hội đối với việc thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực Y tế.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành; công khai minh bạch các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh; không để xảy ra các tiêu cực trong ngành Y tế. Xử lý nghiêm các cán bộ, nhân viên thiếu trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm với người bệnh, có hành vi, biểu hiện tiêu cực trong KCB.

Gần 20 năm là chặng đường chưa đủ dài để xây dựng và phát triển Ngành Y tế Đăk Nông có bề dày truyền thống. Song, những kết quả mà tập thể CBCC,VC Ngành Y tế đã nỗ lực đạt được trong thời gian qua là đáng ghi nhận. Đây sẽ là động lực, là tiền đề để Ngành tiếp tục phát triển, đoàn kết, hướng đến những kết quả cao hơn trong thời gian tới.

Với phương châm hành động “Tất cả vì sức khỏe nhân dân”, chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức để cùng nhau xây dựng hệ thống y tế Đăk Nông ngày càng vững mạnh, không ngừng cải thiện chất lượng phục vụ góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển./.