A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Y tế chú trọng công tác tuyên truyền, kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm trên toàn địa bàn

Hiện nay, an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân và được cộng đồng quan tâm. Đặc biệt, tại những khu vực đông người như khu công nghiệp, trường học, … nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm rất lớn. Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, thời gian qua trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có một số vụ ngộ độc thực phẩm lớn làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị. Nguyên nhân chính là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi sinh vật, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách; ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm; nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua gia nhiệt, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, du lịch…

Tại tỉnh Đăk Nông, năm 2023 xảy ra 02 vụ ngộ độc với 70 người mắc, không có trường hợp tử vong nhưng cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra bất cứ ở đâu. Cụ thể, vụ ngộ độc xảy ra tại Trường Phổ thông DTNT THCS&THPT Đăk Mil (Thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil) với 59 người mắc/255 người ăn vào ngày 31/10/2023 và vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại hộ gia đình ông Mùa A Chài sinh năm 1981 (Thôn 6, xã Đắk R’Măng, Huyện Đắk Glong) với 11 người mắc/17 người ăn. Rất may cả 2 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nói trên đều không có trường hợp tử vong, tuy nhiên mức độ nặng phải nhập viện điều trị chiếm tỷ lệ cao.

Trước những nguy cơ tiềm ẩn, đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân, để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) phòng chống ngộ độc thực phẩm (NĐTP), hàng năm, ngành Y tế đã phối hợp với các Sở, Ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh. Nhiều hoạt động được thực hiện như thành lập Tổ điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm đặc biệt trong các dịp lễ, tết, mùa mưa lũ....; tổ chức dự trữ các vật tư, hóa chất, phương tiện, sẵn sàng nhân lực để phối hợp và chủ động xử lý, nhanh chóng khắc phục hậu quả NĐTP, không để bệnh dịch liên quan đến thực phẩm lây lan trong cộng đồng; hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là đơn vị đầu mối trong tham mưu, triển khai thực hiện các hoạt động đảm bảo ATTP và phòng, chống NĐTP trên toàn địa bàn. Hàng năm, Chi cục đều chú trọng xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm, từ đó đã kịp thời ngăn ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất các vụ ngộ độc xảy ra trong cộng đồng.

Năm 2024, cũng với mục đích đề phòng, ngăn ngừa không để xảy ra ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; xử lý kịp thời, giảm tối thiểu số người mắc và tử vong trong các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra; có biện pháp ngăn chặn, không để lây lan và phát sinh các bệnh lây truyền qua thực phẩm, Chi cục đã hướng tới các hoạt động trọng tâm như đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; tổ chức kiểm tra, giám sát, hậu kiểm đảm bảo ATTP; giám sát mối nguy, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ứng phó khi có sự cố về ATTP xảy ra đồng thời triển khai các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả sau NĐTP.

Việc nâng cao nhận thức để chính từng cá nhân, gia đình, tập thể có thói quen thực hiện việc ăn chín, uống sôi, giữ gìn vệ sinh cá nhân; không tiêu thụ những thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; không mua thực phẩm tại những cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo ATTP; Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, biết cách bảo quản thực phẩm đúng theo yêu cầu của nhà sản xuất, cách lựa chọn, chế biến thực phẩm an toàn; không sử dụng nấm lạ, nấm độc, thịt cóc, rượu có hàm lượng methanol… được Chi cục ATVSTP chú trọng thực hiện trong cộng đồng thông qua nhiều hình thức. Đặc biệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng tự giác khai báo, cung cấp thông tin những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh không đảm bảo ATVSTP cho cơ quan quản lý biết để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm đảm bảo ATTP nhằm phát hiện và xử lý đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện ATTP, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, từ đó công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng. Việc kiểm tra, giám sát được trải dài trên diện rộng trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình để kịp thời ngăn chặn xảy ra các vụ ngộ độc tập thể. Việc kiểm tra phải được thực hiện liên ngành nhằm vận dụng và huy động chuyên môn của các đơn vị chức năng trong giám sát, triển khai các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm.

Bên cạnh việc triển khai các hoạt động kiểm soát, công tác ứng phó khi có sự cố về ATTP xảy ra cũng đặc biệt quan trọng. Vì vậy các đơn vị y tế luôn chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng, phương tiện, vật tư, thuốc, hóa chất để kịp thời cấp cứu, điều trị bệnh nhân và khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra.


Tác giả: Hồ Long

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website