A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần có chính sách hỗ trợ cô đỡ thôn, bản góp phần chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em

Những năm 1990, tử vong mẹ tại Việt Nam ở mức rất cao, vào khoảng 233/100.000 trẻ đẻ sống, gấp gần 6 lần thời điểm hiện tại. Một số nghiên cứu ở giai đoạn 1990-1995 cho thấy số tử vong mẹ tại một số vùng dân tộc thiểu số có thể lên đến 1.000/100.000 trẻ đẻ sống. Tương tự, tỷ suất tử vong sơ sinh ở Việt Nam năm 1990 cũng ở mức 44‰, cao gấp 4 lần so với hiện nay. Việc không đi khám thai, tự đẻ tại nhà là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tử vong mẹ, tử vong sơ sinh, đặc biệt tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Để tiếp cận được với các bà mẹ, trẻ em người đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng sâu, vùng xa, ngành y tế cần có nhân viên y tế là người dân tộc thiểu số sinh sống tại địa phương, có cùng ngôn ngữ, phong tục tập quán và được đào tạo kỹ năng chuyên môn về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em. Bệnh viện Từ Dũ đã có sáng kiến đào tạo cô đỡ thôn bản là người dân tộc thiểu số cho những vùng còn nhiều khó khăn. Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, sự hỗ trợ nhiệt thành của các tổ chức trong nước và quốc tế như UNICEF, UNFPA, ADB, Chính Phủ Hà Lan... Đội ngũ cô đỡ thôn, bản đã đóng góp to lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở những vùng khó khăn. Cô đỡ thôn, bản đã đóng góp vào việc thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi chăm sóc sức khỏe của người dân và giúp nhân dân chủ động đi khám thai và đẻ tại cơ sở y tế. Nhờ đó, tỷ lệ bà mẹ đi khám thai và sinh đẻ tại cơ sở y tế được cải thiện rõ rệt. Vai trò của cô đỡ thôn, bản góp phần làm giảm tai biến sản khoa, tử vong mẹ, tử vong sơ sinh tại cộng đồng và đã được ngành y tế địa phương ghi nhận. Đội ngũ cô đỡ thôn, bản chính là cánh tay nối dài không thể thiếu của trạm Y tế xã ở các vùng khó khăn, đặc biệt là trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Tính đến nay, cả nước có 3.077 cô đỡ thôn, bản được đào tạo nhưng đang hoạt động chỉ có 1.549 người. Nguyên nhân phổ biến nhất khiến nhiều cô đỡ thôn, bản không còn hoạt động là do đời sống không đảm bảo, phải đi làm ăn xa để mưu sinh. Trước đây, theo quy định của Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng chính phủ về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản, cô đỡ thôn, bản được hưởng phụ cấp 0,3 hoặc 0,5 mức lương cơ sở tùy theo từng địa bàn hoạt động (khu vực II hoặc khu vực III). Tuy nhiên, kể từ khi có Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/4/2019 nhiều địa phương đã dừng chi trả phụ cấp cho y tế thôn, bản nói chung và cô đỡ thôn, bản nói riêng. Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 31/1/2023, số cô đỡ thôn, bản được hưởng trợ cấp trên toàn quốc giảm xuống còn 911 người, trong đó có 732 cô đỡ thôn, bản kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ của y tế thôn, bản. Đặc biệt, có trên 638 cô đỡ thôn bản chưa được hưởng phụ cấp nhưng vẫn đang hoạt động ngày đêm tham gia chăm sóc sức khỏe, bảo vệ tính mạng cho bà mẹ, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng khó khăn.

Tại tỉnh Đăk Nông, trong thời gian qua, số lượng cô đỡ thôn, bon đã được đào tạo là 155 người. Nhưng hiện nay, số cô đỡ thôn, bon còn hoạt động chỉ có 75 người. Trong 75 cô đỡ thôn, bon có 49 cô đỡ đang hưởng phụ cấp kiêm nhiệm của y tế thôn bon và 26 cô đỡ chưa được bố trí làm y tế thôn nhưng tỉnh nhà vẫn quan tâm, hỗ trợ 447.000đ/người/tháng theo Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 5/5/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Đồng thời, hiện nay, mạng lưới cô đỡ thôn, bon hoạt động tại các địa phương còn mỏng, chưa bao phủ được hết các thôn, bon (75 cô đỡ thôn bon/143 thôn/bon đặc biệt khó khăn) nên việc đào tạo thêm và duy trì hoạt động của cô đỡ thôn, bon trên địa bàn tỉnh Đăk Nông nói riêng và cả nước nói chung là rất cần thiết.

Tại cuộc họp vận động chính sách hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn, bản do Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban dân tộc và Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10/3/2023, bà Lesley Miller, Phó trưởng Đại diện tổ chức UNICEF khẳng định các cô đỡ thôn, bản ở miền núi và vùng sâu, vùng xa là nguồn lực quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu. Việc duy trì và mở rộng đội ngũ cô đỡ thôn, bản đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết quả đạt được về sức khỏe bà mẹ, giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh. Để duy trì đội ngũ cô đỡ thôn, bản, chính quyền các cấp cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi các chính sách, chương trình liên quan, đặc biệt là ở tuyến tỉnh. Chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan cần xây dựng kế hoạch đào tạo, triển khai, vận hành và duy trì đội ngũ cô đỡ thôn, bản, cập nhật các Nghị quyết, văn bản hướng dẫn cấp quốc gia và cấp tỉnh để hỗ trợ đầy đủ, kịp thời. Điều này cần bao gồm phân bổ ngân sách đầy đủ và tăng cường nguồn lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Việt Nam. Bên cạnh đó cần tiếp tục huy động thêm sự hỗ trợ từ các đối tác phát triển, doanh nghiệp và tổ chức xã hội có liên quan, đặc biệt là trong việc xây dựng năng lực cho các cô đỡ thôn, bản ở các tỉnh có nhu cầu./.


Tác giả: Nhật Nguyên

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website