A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuẩn bị cho cuộc sinh của mẹ và con được an toàn

Mang thai và sinh con là thiên chức của người phụ nữ, tuy nhiên thiên chức này cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với phụ nữ. Vì vậy, để hạn chế những điều không mong muốn xảy ra với mẹ và trẻ sơ sinh chúng ta cần phải chuẩn bị những gì tốt nhất cho mẹ và cho trẻ trong cuộc sinh nở.

Phụ nữ khi xác định chuẩn bị có thai cần phải bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể bằng cách ăn uống đảm bảo đủ bốn nhóm thực phẩm chính, nghỉ ngơi hợp lý để nâng cao sức khoẻ của bản thân, đảm bảo máu mẹ có đầy đủ các vitamin, khoáng chất và dưỡng chất khác để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bào thai sắp tới.  Ngoài ra, cần cung cấp đủ acid folic cho mẹ trước và trong thời gian mang thai để phòng ngừa dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh, phòng thiếu máu cho mẹ. Bổ sung dinh dưỡng trước khi mang thai là cần thiết vì giai đoạn đầu của thai kỳ, phụ nữ thường bị nghén không ăn uống được, quá trình trao đổi chất bị ảnh hưởng vì thế nguồn dự trữ trước khi mang thai là rất quan trọng. Phụ nữ khi mang thai cần tăng khẩu phần ăn lên so với lúc chưa có thai, có thể ăn tăng hơn trong mỗi bữa, hoặc ăn nhiều bữa hơn, ăn những thức ăn có sẵn tại gia đình, địa phương. Ăn các loại thực phẩm có nhiều chất đạm như thịt, cá, tôm, cua, ếch, lươn, trứng, sữa, các loại đậu,…; thực phẩm có chứa nhiều chất mỡ như dầu thực vật, mỡ động vật, vừng, lạc,…; các loại thực phẩm chứa nhiều chất bột đường như gạo, ngô, khoai, sắn, bột mì, củ mài, đường,…; thực phẩm chứa nhiều muối khoáng và vitamin như rau tươi, hoa quả các loại; cần kiêng các chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lào, thuốc lá; phải uống đủ lượng nước cần thiết khi có thai và lúc nuôi con (khoảng 2000ml-2500ml nước đun sôi để nguội, nước hoa quả, sữa mỗi ngày).

Về chế độ làm việc, phụ nữ mang thai cần làm việc theo khả năng của bản thân, không làm việc quá sức, không làm việc ở trên cao (dễ bị tai nạn), không làm việc ngâm mình dưới nước (dễ nhiễm lạnh, nhiễm khuẩn); nhưng nếu là công việc nặng nhọc, hay độc hại như bốc vác, gồng gánh, phải tiếp xúc với hoá chất (thuốc trừ sâu, xăng dầu, chất phóng xạ) thì bà mẹ cần báo cáo là đang mang thai và xin chuyển tạm thời sang công việc khác trong thời gian mang thai và nuôi con nhỏ. Vào các tháng cuối của thai kỳ, bụng to hơn gây khó khăn trong việc vận động, mẹ cần nghỉ ngơi nhiều hơn để mẹ có sức, con tăng cân. Tuy nhiên, không nghỉ ngơi một cách thụ động mà nên làm các công việc nhẹ như quét nhà, đan lát, đọc sách, đi lại vận động cho máu lưu thông, tinh thần thoải mái. Phụ nữ mang thai cần ngủ mỗi ngày ít nhất 8 giờ, nên nghỉ trưa từ 30 phút đến một giờ, không thức khuya, không làm việc ban đêm.

Đối với vệ sinh cơ thể, nên tắm rửa, thay quần áo hàng ngày, tắm trong nhà tắm kín đáo, tránh gió lùa, không tắm sông, suối, ao hồ nước tù đọng, mùa lạnh cần tắm nước ấm. Vệ sinh bộ phần sinh dục ngoài bằng cách dội nước rửa, không thụt rửa bên trong âm đạo. Lau rửa vú hàng ngày bằng khăn mềm, kéo núm vú đều đặn mỗi khi tắm nếu núm vú tụt vào trong để tạo điều kiện cho việc nuôi con bằng sữa mẹ sau này. Trong quá trình chăm sóc vú, nếu thấy bụng co cứng thì dừng. Phụ nữ mang thai cần tránh tiếp xúc với người ốm để tránh lây bệnh.

Về sinh hoạt trong khi mang thai cần tránh lo lắng, căng thẳng, nơi ở phải sạch sẽ, thoáng đãng, tránh khói thuốc lá, thuốc lào, mặc quần áo rộng rãi, mềm, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, quan hệ vợ chồng cần hạn chế vào ba tháng đầu và ba tháng cuối, tư thế thích hợp, nhẹ nhàng. Tránh đi xa, nhất là vào ba tháng cuối, khi đi nên chọn phương tiện êm, ít xóc nhất.

Điều đặc biệt quan trọng trong giai đoạn mang thai cần phải làm là đi khám thai đầy đủ, định kỳ, đúng lịch hẹn, khám ít nhất là 4 lần trong thai kỳ (một lần trong ba tháng đầu, một lần vào ba tháng giũa và hai lần ba tháng cuối) để được chăm sóc sức khoẻ mẹ và bé trong thai kỳ, nếu có điều kiện cần nên đăng ký khám thai mỗi tháng một lần để cán bộ y tế theo dõi, chăm sóc được thường xuyên, liên tục và sớm phát hiện những nguy cơ, để được tư vấn và hướng dẫn cách chăm sóc phù hợp hơn.

Trong cuộc sống mọi việc được chuẩn bị sẵn sàng, có kế hoạch cụ thể bao giờ cũng tốt hơn là bị bất ngờ, bị động. Vì vậy, để có một cuộc sinh an toàn cho mẹ và bé, gia đình nên có kế hoạch chuẩn bị cho cuộc sinh sắp đến, khi thai nhi được hơn 7 tháng (từ tuần thứ 28 trở đi) mẹ cần chuẩn bị sẵn sàng các đồ dùng cần thiết cho cuộc sinh như: trang phục của mẹ gồm quần áo, khăn mũ, băng vệ sinh… đồ dùng của con gồm áo, tã lót, khăn mềm lớn nhỏ, tất tay chân, chăn, mũ…Tất cả phải được giặt ủi sạch sẽ, sắp xếp cho vào túi gọn gàng, sẵn sàng để khi chuyển dạ có thể mang theo bất kỳ lúc nào. Cần chuẩn bị sẵn một khoản tiền dự phòng để cần dùng trong thời gian sinh nở. Đến gần ngày dự sinh thai phụ không nên đi đâu xa. Chọn người đi theo chăm sóc mẹ và bé khi đi sinh nên là người có sức khoẻ, có kinh nghiệm chăm sóc mẹ và trẻ sơ sinh. Lúc sinh phải đến cơ sở y tế để nhận được dịch vụ chăm sóc cho mẹ và bé đầy đủ và tốt nhất (được xét nghiệm, được cán bộ có chuyên môn chăm sóc, được hưởng các dịch vụ kỹ thuật hiện đại, được tiêm vacxin, thuốc cho mẹ và con, được hướng dẫn cách nuôi con bằng sữa mẹ, tư vấn các biện pháp kế hoạch hoá gia đình sau khi đẻ để lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp với bản thân và gia đình…). Ngoài ra, đối với những trường hợp thai nghén nguy cơ cao được xác định trong thời gian mang thai khi đi khám thai thì sẽ được tư vấn nên đến cơ sở y tế phù hợp để sinh, để đảm bảo an toàn cho mẹ và con. Trường hợp xảy ra tai biến sản khoa (nếu có) thì khi sinh ở cơ sở y tế sẽ có đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư… để cấp cứu kịp thời, khả năng cứu sống được mẹ và bé sẽ cao hơn./.


Tác giả: Thu Oanh

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website