A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cô đỡ thôn bon hỗ trợ đắc lực trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em

Đắk Nông nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam thuộc vùng Tây Nguyên, có địa hình bị chia cắt mạnh do sự xen kẽ giữa các núi cao, sông suối lớn. Toàn tỉnh có 07 huyện, 01 thành phố; 71 xã/phường với 713 thôn/bon. Đăk Nông có 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, bao gồm dân tộc Kinh và 39 dân tộc thiểu số (DTTS) khác. Tỷ lệ DTTS chiếm 32,07%; trong đó, DTTS tại chỗ là M’Nông, Mạ và Ê đê, chiếm tỷ lệ 11,24% so với dân số toàn tỉnh. Đồng bào DTTS sống tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, mật độ dân cư thưa thớt, có điều kiện kinh tế - xã hội còn hết sức khó khăn. Phần lớn Người đồng bào DTTS bị ảnh hưởng bởi những phong tục, tập quán lạc hậu liên quan đến việc mang thai, sinh con như: không đi khám thai, sinh con tại nhà, hoặc chỉ cho người nhà, người cùng dòng tộc đỡ đẻ...

Cô đỡ thôn/ bon thực hiện khám thai, tư vấn sức khỏe định kỳ tại nhà người dân ở bon Ting Wel Đơm – xã Đăk Nia.

Những hạn chế về điều kiện kinh tế, xã hội, giao thông khiến người dân vô cùng khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Đặc biệt vào những tháng mùa mưa, những cung đường dốc quanh co, uốn lượn lại càng hiểm trở vì trơn trượt. Ngoài ra, sự khác biệt về các yếu tố văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán có liên quan đến việc mang thai, sinh con là những yếu tố rất quan trọng làm giảm khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế của người dân.

Với đặc thù kinh tế - xã hội và địa hình nêu trên, đội ngũ cô đỡ thôn bon trong những năm qua đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Chính các cô đỡ đã trở thành những cánh tay nối dài, hỗ trợ đắc lực cho ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Nhờ am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán, thành thạo ngôn ngữ, các cô đỡ dễ dàng tiếp cận, tuyên truyền và cung cấp các dịch vụ chăm sóc bà mẹ, trẻ em ngay tại thôn/ bon nơi các cô sinh sống.

Để trở thành cô đỡ thôn/ bon, mỗi học viên phải trải qua quá trình học tập ít nhất sáu tháng theo chương trình và nội dung đào tạo của Bộ Y tế. Toàn tỉnh hiện nay có 155 cô đỡ thôn/ bon đã được tham gia đào tạo. Trong đó, số cô đỡ hiện đang hoạt động là 66 cô. Với kiến thức, kỹ năng được đào tạo và thực hành tại các bệnh viện, cô đỡ thôn/ bon có thể tư vấn, chăm sóc bà mẹ khi có thai và sinh con, xử trí đẻ rơi, đỡ đẻ an toàn; vận động bà mẹ sinh đẻ tại CSYT; phát hiện sớm các nguy cơ  tai biến ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, tư vấn kế hoạch hóa gia đình, tuyên truyền các chính sách dân số, vận động nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện các kỹ năng cứu sống cơ bản và chuyển tuyến kịp thời. Ngoài ra các cô đỡ thôn/bon còn tham gia hỗ trợ các đợt tiêm chủng, uống Vitamin A, tẩy giun… cho trẻ em tại Trạm Y tế.

Từ năm 2020, được sự quan tâm của Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), các tổ chức quốc tế, tổ chức từ thiện trong nước, hoạt động cô đỡ thôn bon trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định. Từ các nguồn vốn được tài trợ, Trung tâm kiểm soát bệnh tật đã tổ chức các lớp tập huấn đào tạo cập nhật cho cô đỡ thôn bon tại tỉnh Đăk Nông; đào tạo cập nhật kiến thức cho cô đỡ thôn bon đang hoạt động; các buổi tập huấn, nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em,…

Các hoạt động này giúp phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nhận thức được các dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai, lợi ích của việc đăng ký quản lý thai, khám thai định kỳ, tiêm phòng uốn ván, chăm sóc sức khỏe sinh sản… Qua đó, giúp tăng tỷ lệ phụ nữ sinh đẻ được quản lý thai kỳ trong 6 tháng năm 2024 đạt 82,96%,  tỷ lệ phụ nữ đẻ do cán bộ y tế đỡ đạt 98,3%; tỷ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế đạt 96,14%…góp phần giảm thiểu tai biến sản khoa, nâng cao nhận thức cộng đồng về chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em./.


Tác giả: Thương Thương

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website