Để trẻ vị thành niên hiểu hơn về sức khoẻ sinh sản
Chăm sóc sức khoẻ sinh sản tuổi vị thành niên đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tương lai thế hệ trẻ cũng như chất lượng dân số của toàn xã hội. Để trẻ vị thành niên hiểu hơn về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã có đợt nói chuyện chuyên đề tại các trường học trên địa bàn.
Quang cảnh buổi nói chuyện chuyên đề tại các trường học
Chúng tôi có mặt tại buổi chào cờ đầu tuần của Trường THPT Phan Bội Châu, huyện Cư Jut trong một buổi sáng đầu thu, khí trời mát mẻ. Khác với những tuần trước, buổi chào cờ tuần này có thêm hoạt động khá mới mẻ và được đại đa số học sinh quan tâm, đó chính là buổi nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khoẻ sinh sản tuổi vị thành niên do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức. Những chiếc áo trắng tinh khôi, những đôi mắt ánh lên sự mong đợi, những nụ cười ngại ngùng khi nghe đến một vấn đề nào đó mang tính chất “nhạy cảm” – tất cả toát lên hơi thở thanh xuân, tràn đầy sức sống của hơn 1.400 học sinh nơi đây. Bạn Nguyễn Anh Thư, học sinh lớp 12A1, trường THPT Phan Bội Châu, Nam Dong, Cư Jut cho biết: “Những chủ đề nói chuyện hôm nay cũng không mới, như: tình trạng mang thai, nạo phá thai ở tuổi vị thành niên, các biện pháp tránh thai và tình dục an toàn. Những thông tin này chúng em hoàn toàn có thể tự tìm hiểu trên mạng xã hội, internet. Nhưng đây là lần hiếm hoi mà chúng em được trao đổi, đối thoại trực tiếp với cán bộ y tế - những người có chuyên môn sâu về vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên. Chúng em sẽ nhìn nhận trực diện hơn về vấn đề yêu sớm, làm thế nào để giữ được những cảm xúc trong sáng, đáng quý của tuổi học trò nhưng vẫn không ảnh hưởng đến việc học, không ảnh hưởng đến tương lai”.
Qua lắng nghe, đối thoại, các em học sinh đã hiểu được rằng, ở lứa tuổi vị thành niên, dưới tác dụng sinh lý của hormone giới tính, cơ thể sẽ diễn ra hàng loạt những thay đổi của cơ thể, tâm sinh lý, phân biệt rõ giới tính nam/nữ và bắt đầu có khả năng sinh sản. Cảm xúc đầu đời cũng sẽ xuất hiện trong giai đoạn này, dẫn đến các em dễ sa vào yêu sớm, mang thai sớm ngoài ý muốn, ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai, sự nghiệp phía trước. Bạn Nguyễn Thanh Sơn, học sinh lớp 12A1, trường THPT Phan Bội Châu cũng chia sẻ: “Buổi đối thoại đã giúp chúng em nhìn nhận được vấn đề, và hiểu được rằng, những cảm xúc giữa nam và nữ trong giai đoạn này là điều bình thường, nhưng phải giữ ở mức trong sáng, nhất là những bạn nam, phải biết trân trọng các bạn nữ và giữ đúng giới hạn”.
Được biết, việc mang thai sớm ngoài ý muốn dẫn đến nhiều hệ luỵ như: dễ sảy thai, sinh non, nhiễm độc thai, làm tăng nguy cơ tử vong của người mẹ. Làm mẹ quá sớm, con sinh ra dễ bị thiếu cân, suy dinh dưỡng, mắc bệnh, hoặc thậm chí là tử vong. Trẻ vị thành niên khi vướng vào việc mang thai sớm sẽ dẫn tới bỏ học giữa chừng, ảnh hưởng tới tương lai, dễ nảy sinh tâm lý chán nản, phải gánh chịu định kiến xã hội, gánh nặng về kinh tế khi nuôi con…Cô Lê Thị Chung, Hiệu trưởng Trường THPT Krông Nô, Quảng Phú, Krông Nô cho biết: “Việc triển khai những buổi nói chuyện chuyên đề là nhằm giúp các em học sinh nhận ra những vấn đề mà các em có thể gặp phải trong độ tuổi của mình. Qua đó, giúp các em có thái độ tiếp cận, ứng xử trước những tình huống nhạy cảm một cách an toàn và phù hợp hơn”.
Trong đợt nói chuyện chuyên đề này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã đến với 8 trường THPT trên địa bàn các huyện Cư Jut, Tuy Đức, Krông Nô, Đắk Mil và Gia Nghĩa. Hơn 8.800 học sinh được tiếp thu kiến thức, trao đổi, giải đắp thắc mắc liên quan đến giới tính, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, từ đó có định hướng cho bản thân về vấn đề sức khỏe sinh sản lứa tuổi thành niên. Ông ÊBan Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chia sẻ: “Vì đây là chủ đề khá nhạy cảm, nên khi nói chuyện với các em học sinh, bản thân tôi và các cán bộ y tế phải vận dụng hết những kỹ năng, vốn từ linh hoạt, nắm bắt tâm lý đúng lứa tuổi, để có thể “vẽ đúng đường cho huơu chạy”.
Thời kỳ trẻ vị thành niên sẽ gặp rất nhiều vấn đề khủng hoảng, hoang mang về tâm lý. Tuy trưởng thành về mặt cơ thể những trẻ vị thành niên vẫn cần được sự giúp đỡ, giáo dục từ gia đình và nhà trường để phát triển đúng hướng. Những đợt nói chuyện chuyên đề như thế này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, giúp các em học sinh định hướng tốt mục tiêu, tương lai. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho đất nước./.