A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Truyền thông kết hợp khám và cung cấp dịch vụ kế hoạch hoá gia đình tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tháng 8/2023, tại Trạm Y tế xã Quảng Hoà (Đăk Glong), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức Chiến dịch truyền thông kết hợp khám thai, khám phụ khoa và cung cấp dịch vụ kế hoạch hoá gia đình (KHHGĐ) cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trên toàn địa bàn xã Quảng Hoà. Chiến dịch diễn ra trong 04 đợt, kéo dài từ 9 - 27/8/2023. Chương trình thuộc chuỗi hoạt động khám, chăm sóc sức khoẻ sinh sản và cung cấp dịch vụ KHHGĐ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật do Dự án Unfa tài trợ.

Tham gia chiến dịch, các chị em phụ nữ độ tuổi từ 15 đến 40 trên toàn địa bàn xã Quảng Hòa được cán bộ y tế thăm khám, tư vấn về các vấn đề sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ. Qua việc trực tiếp thăm khám phụ khoa và siêu âm bụng, đã phát hiện nhiều trường hợp mắc các bệnh về phụ khoa như viêm lộ tuyến cổ tử cung; Polyp cổ tử cung; Lạc nội mạc tử cung… Nhiều trường hợp được ghi nhận bị viêm nhiễm đường sinh dục gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đời sống tinh thần các chị em. Sau khi thăm khám, các chị em đều được cán bộ y tế tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe sinh sản bản thân. Đối với những trường hợp có dấu hiệu bất thường, các y bác sỹ tiến hành kiểm tra, hội chẩn, tư vấn để đưa ra phương án điều trị phù hợp. Với một số bệnh thông thường như viêm nhiễm, đau bụng do tác động của vấn đề phụ khoa, …, đoàn sẽ kiến nghị Trạm Y tế cấp phát thuốc điều trị trực tiếp cho bệnh nhân; trường hợp bệnh phức tạp không rõ nguyên nhân, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn lên tuyến trên thăm khám cụ thể.

Cũng trong quá trình thăm khám, nhiều trường hợp chị em được phát hiện bị tuột, lệch vòng tránh thai. Đây là hiện tượng khá phổ biến của nhiều chị em nơi đây mà nếu không được cán bộ y tế thăm khám sẽ ít ai biết được tình trạng xảy ra. Nguyên nhân có thể do quá trình lao động nặng nhọc hoặc do lâu ngày, vòng bị lệch khỏi vị trí ban đầu. Vòng có thể rơi ra ngoài tử cung hoặc tuột vào sâu hơn trong tử cung hoặc có thể nằm lệch, nằm ngược, thậm chí đâm thủng thành tử cung để đi vào ổ bụng hoặc khoang phúc mạc. Hậu quả của việc tuột, lệch vòng tránh thai có thể gây ra nhiều triệu chứng như đau bụng kéo dài; bị ra máu nhiều hoặc bất thường giữa kỳ kinh; dịch tiết âm đạo có kết cấu, màu sắc hoặc mùi bất thường; nhiễm trùng âm đạo tái phát liên tục. Đặc biệt nhất là sản phụ vẫn có thai dù khi đã đặt vòng tránh thai. Các y bác sỹ cũng cho biết thêm, việc mang thai trong khi đặt vòng có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt các chị em đã có gia đình đã đặt vòng tránh thai vẫn cần định kỳ thăm khám để được phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường về sinh sản liên quan đến tính mạng và sức khỏe.

Chỉ trong một buổi chiều thăm khám tại Trạm, đoàn đã ghi nhận 03 trường hợp phụ nữ bị tuột vòng tránh thai. Sau khi phát hiện, các y bác sỹ đã tư vấn, động viên các chị tháo vòng cũ và đặt vòng tránh thai mới nhằm đảm bảo sự an toàn trong kế hoạch hóa gia đình cũng như bảo đảm sức khỏe cho bản thân.

Bên cạnh việc khám phụ khoa và siêu âm bụng, đoàn đã tổ chức nói chuyện về sức khỏe sinh sản cho các chị em. Tại đây, đội ngũ cán bộ sẽ hướng dẫn cách nhận biết các dấu hiệu bất thường về sức khỏe sinh sản từ đó trang bị cho các chị em những kiến thức cơ bản, cần thiết để chị em chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như thực hiện các biện pháp tránh thai phù hợp.

Chị Vàng Thị Dương năm nay 21 tuổi  là người dân tộc Mông, trú tại thôn 6 – Quảng Hòa tâm sự, hàng ngày chị bận rộn với lao động sản xuất nên hầu như không để ý đến bản thân. Khi nghe thông báo có khám sức khỏe tại Trạm, chị đã cùng các chị em trong thôn hào hứng tham gia. Sau khi lắng nghe cán bộ y tế nói chuyện, tư vấn, nhận thức của các chị em tại đây về các vấn đề như tảo hôn, mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây qua đường tình dục… đều được nâng lên rõ rệt.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quảng Hòa cho biết, toàn địa bàn hiện có gần 1.000 chị em phụ nữ từ 15-40 tuổi. Đặc điểm của vùng là tập trung đồng bào dân tộc thiểu số di cư từ miền Bắc vào sống theo một cộng đồng riêng và vẫn giữ nhiều phong tục tập quán cũ. Phụ nữ tại đây thường lấy chồng và sinh con sớm, hạn chế tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Mặt khác, do điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn nên hầu hết đều không có thói quen khám và kiểm tra sức khỏe sinh sản định kỳ. Thậm chí, nhiều trường hợp mang thai cũng không khám thai đủ 3 lần trong một thai kỳ, chỉ khi có vấn đề bất thường xảy ra họ mới tìm đến cơ sở y tế, vì vậy đã có nhiều sự cố sức khỏe đáng tiếc xảy ra trên địa bàn. Việc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức các chương trình truyền thông, lồng ghép thực hiện các dịch vụ khám, tư vấn sức khỏe và cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho chị em phụ nữ tại đây mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, thái độ và thay đổi hành vi của bà con về vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình mà lâu nay vẫn tồn tại nhiều bất cập.


Tác giả: Hồ Long

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website