A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Đăk Glong hứa hẹn triển khai thành công Dự án đầu tư phát triển vùng dược liệu quý

Theo Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 50.000-60.000 tấn các loại dược liệu khác nhau, sử dụng vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền (YHCT), nguyên liệu ngành công nghiệp dược hoặc xuất khẩu. Thị trường tiêu thụ dược liệu của Việt Nam rất lớn, hơn 5.000 dược liệu cùng gần 1.300 bài thuốc dân gian được YHCT Việt Nam công nhận, trong đó có nhiều loài quý hiếm như: Sâm, Ba kích, Ngân đằng..

Việc phát triển các loại cây dược liệu mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái

Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu, tỉnh Đắk Nông được đánh giá là một trong những tỉnh có tiềm năng, thế mạnh về trồng dược liệu, được quy hoạch với vai trò là một trong những địa phương trọng điểm về phát triển dược liệu đến năm 2030. Đắk Nông là tỉnh có diện tích đất ba-zan màu mỡ, hệ sinh thái đa dạng, nguồn lao động dồi dào, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho việc phát triển một số cây dược liệu trên quy mô lớn như Bách bệnh, Đẳng sâm, Bạch truật, Cúc hoa vàng, Đương quy, Ba kích,... Ngoài ra Đắk Nông là tỉnh có tài nguyên rừng dồi dào, độ che phủ chiếm gần 40% tổng diện tích đất, rất thuận lợi cho phát triển một số cây dược liệu yêu cầu sinh thái dưới tán rừng. Vậy nên, tiềm năng về phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh rất lớn.

UBND tỉnh lựa chọn huyện Đắk Glong là nơi triển khai thực hiện Dự án đầu tư phát triển vùng trồng Dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Tại đây, dược liệu được trồng chủ yếu trên địa bàn xã Đắk Ha và Quảng Sơn với diện tích khoảng 70 ha, có sản lượng hàng năm đạt trên 161 tấn, gồm các dược liệu chủ yếu: sâm bố chính, sâm đương quy, cát sâm và nghệ... 

Không chỉ riêng Đăk Glong, công tác quy hoạch đất, mở rộng các vùng trồng dược liệu được hầu hết các địa phương quan tâm chỉ đạo. Việc quy hoạch một số khu vực tập trung, mở rộng phát triển các dược liệu có thế mạnh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương được quan tâm. Theo đó, các dược liệu được trồng tại các địa phương như huyện Đắk Mil, Krông Nô, Cư Jut và TP Gia Nghĩa. Tại huyện Đắk Mil, các dược liệu được trồng chủ yếu gồm có: gừng, nghệ, sả, đinh lăng được ứng dụng công nghệ cao. Bước đầu những dược liệu này đã được nhân dân phát triển thành hàng hóa có giá trị kinh tế và được trồng xen trong diện tích cây cà phê hoặc dưới tán rừng cao su với diện tích khoảng 20 ha.

Trên địa bàn huyện Krông Nô giai đoạn 2018-2022, đã phát triển được 510 ha trồng cây dược liệu các loại với tổng sản lượng đạt 10.320 tấn. Các cây dược liệu được trồng chủ yếu gồm có: sâm cau, đinh lăng, ý dĩ, mật nhân, hoài sơn, sả, gừng, riềng, các cây thuốc nam (hương nhu, đại đường quân, bạch đồng nữ, lưỡi hổ, sâm bố chính, chùm ngây, cây trầu không, lá lốt), các cây gia vị, rau (lá mơ, nghệ, tía tô, lá gai, cúc tần).

Huyện Cư Jut trồng được khoảng trên 42 ha cây dược liệu có sản lượng thu hoạch ước tính đạt trên 290 tấn, gồm các dược liệu như: gừng, gấc, đinh lăng. Thành phố Gia Nghĩa phát triển chủ yếu một số dược liệu như gấc, gừng, nghệ vàng, đinh lăng và phát triển 02 mô hình nuôi cấy một số loại nấm dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao như nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo và nấm linh chi đỏ.

Ngoài những dược liệu được trồng theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh còn phát hiện tại các khu vực rừng tự nhiên có nhiều loại cây dược liệu quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam như: bổ cốt tóa, vàng đắng, chè dây, bách bệnh…có trữ lượng lớn.

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng hiện nay, việc phát triển dược liệu vẫn còn manh mún nhỏ lẻ, chưa mang tính hàng hóa và sản xuất theo quy mô lớn. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong toàn hệ thống chính trị về khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu cần phải được chú trọng hơn nữa.

Trong thời gian tới, tỉnh Đắk Nông sẽ triển khai một số giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển cây dược liệu như: khoanh vùng bảo tồn cây dược liệu tại 03 địa điểm Vườn quốc gia Tà Đùng, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung và khu vực thuộc xã Quảng Trực. Bên cạnh đó, căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng, đặc điểm sinh thái của cây dược liệu, nhu cầu sử dụng cũng như diện tích đất trồng cây dược liệu đã có để tiếp tục phát triển cây dược liệu tại huyện Cư Jut, Krông Nô, Đắk Mil và Đắk Glong. Ngoài ra, tỉnh sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu, nhân giống, sản xuất giống dược liệu dự kiến quy mô 10 ha tại TP Gia Nghĩa./.


Tác giả: Ngọc Chinh

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website